Nhận mình là nhà đầu tư, không coi kinh doanh là đam mê, nhưng những gì liên quan đến Mai Hữu Tín dường như đều gắn với nghiệp kinh doanh...

Chủ tịch Uni Group :Kinh doanh là thử thách khả năng, chứ không hẳn là đam mêThư đi một ngày, hôm sau, trong Inbox báo thư về từ địa chỉ [email protected]., vẫn nhớ lời hẹn sẽ trả lời, tôi vẫn thật sự ngỡ ngàng.

Nói thật là, lời hẹn tương tự tôi đã nhận được nhiều, nhưng đa phần đành phải ngậm ngùi thông cảm, vì các doanh nhân bận trăm công nghìn việc, thời gian đọc thư chắc cũng hiếm, nói chi tới việc trả lời hàng loạt câu hỏi, mà câu nào cũng được đặt theo kiểu “moi” càng nhiều thông tin càng tốt. Nhất lại là Mai Hữu Tín, khi ông đứng nhiều vai, doanh nhân, nhà đầu tư, đại biểu Quốc hội và mới đây nhất là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.


Tuy vậy, hiện tại, mối quan tâm của tôi với ông vẫn là mối lương duyên của U&I với E-Mart Hàn Quốc trong lĩnh vực phân phối bán lẻ sẽ đến đâu, khi mà sự bành trướng của khối ngoại quá nhanh, đè nặng tâm lý doanh nghiệp trong ngành. Chỉ riêng “đại ca” Metro Cash & Carry ngay trong những ngày đầu năm đã tự tin phát đi khả năng đạt được 21 trung tâm bán sỉ trên toàn quốc vào cuối năm 2012 với hàng loạt kế hoạch cụ thể và rầm rộ về trạm trung chuyển rau quả tươi tại Hà Nội, trung chuyển thủy sản tại Cần Thơ…


Là người trong cuộc, ông nghĩ thế nào về các động thái này. Đi cùng với doanh nghiệp ngoại có thể là cách để doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh hơn, thuận lợi hơn nhờ kinh nghiệm và tiềm lực tài chính lớn của đối tác. Nhưng, cũng có lo ngại khi thị trường sẽ bị san sẻ?


Thương hiệu chỉ là một phần của câu chuyện liên doanh với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Còn nhiều yếu tố khác mà chúng tôi phải tính đến, như kinh nghiệm quản lý, bí quyết công nghệ, vốn vay với lãi suất thấp, khả năng mua hàng giá thấp (do số lượng lớn) mà các công ty trong nước chưa đủ tiềm lực để làm được nếu chọn cách đi đơn lẻ. Kết hợp với các đối tác lớn và mạnh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thụ hưởng cả các yếu tố đằng sau những con số tính toán mà nhiều khi điều này giúp ích chúng tôi nhiều hơn trong phát triển dài hạn và bền vững.


Cũng phải khẳng định là, ngay cả không tham gia liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà bán sỉ và lẻ lớn của nước ngoài vẫn có thể tự mình hoạt động được tại Việt Nam, như Metro chẳng hạn. Cho nên, điều cần quan tâm, theo tôi, không phải là mất thị phần, mà là hoạt động của liên doanh có hiệu quả hay không.


Nhưng bắt tay với “ông lớn”, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị “nuốt chửng”.


Trong kinh doanh quốc tế, không ai muốn gánh chịu rủi ro một mình. Nếu đồng quan điểm về chiến lược phát triển, tư duy kinh doanh và khả năng hợp tác chặt trong quản lý, thì sự phối hợp giữa các đối tác trong và ngoài nước sẽ giúp hạn chế những khiếm khuyết của nhau.


Trong trường hợp của U&I và E-Mart Hàn Quốc, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính trong lĩnh vực phân phối bán lẻ của E-Mart sẽ được phối hợp với thế mạnh trong sản xuất, chế biến thực phẩm nông nghiệp của U&I để tạo nên sự thành công của Công ty liên doanh E-Mart Việt Nam.


Còn câu chuyện “ai nuốt ai” chỉ xảy ra khi có bất đồng sâu sắc đến mức không giải quyết được. Ngay cả khi đó, không hẳn lúc nào bên lớn hơn cũng “nuốt” được bên nhỏ. Và chưa hẳn bên bị “nuốt” là bên thua thiệt…


Phải thú thật là, tôi cố tình đặt câu hỏi này để muốn tìm hiểu rằng, có còn sự dè chừng hay yếu thế trong các kế hoạch liên doanh với các đối tác nước ngoài từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều lần, khi nhận được câu hỏi tương tự, không ít doanh nhân thừa nhận những lo ngại nhất định cho dù mọi kịch bản đều được tính toán với những bước đi có lui, có tiến. Cũng có doanh nhân tìm cách bảo vệ mình bằng việc từ chối các đề nghị liên doanh hay cố gắng đặt giới hạn nhất định về tỷ lệ góp vốn để đảm bảo giữ được quyền kiểm soát.


Lần này, với liên doanh giữa U&I và E-Mart Hàn Quốc, đối tác Việt Nam dù chỉ nắm 20% cổ phần, song có vẻ tự tin về các bước đi. Tìm thông tin về Mai Hữu Tín, hoá ra ông đang điều hành một nhóm công ty hoạt động rộng khắp, từ kiểm toán, truyền thông, logistics đến nông nghiệp, công nghệ...


Thường thì “nhất nghệ tinh”, điều gì khiến ông tham gia nhiều lĩnh vực đến vậy?


Tôi tự cho mình là một nhà đầu tư, nói rõ hơn là nhà quản lý vốn. Ngành nghề nào tạo lợi ích thật sự cho xã hội, tạo cho tôi sự hứng thú, có khả năng đem lại hiệu quả cho đồng vốn, thì tôi đầu tư. Việc quản lý những lĩnh vực cụ thể chúng tôi nhường lại cho các chuyên gia của ngành đó.


Vậy đâu là niềm đam mê của ông trong kinh doanh? Nếu nhắc tới Mai Hữu Tín, ông muốn mọi người biết tới ông ở khía cạnh nào?


Tôi cho rằng, mình có khả năng thu nhận và xử lý thông tin, có đủ kiên nhẫn để gây dựng và giữ gìn các mối quan hệ cần thiết trên quan điểm cùng có lợi với mọi đối tác của mình. Kinh doanh với tôi là thử thách khả năng của bản thân, nên cũng khó gọi là đam mê.


Và thật lòng, tôi cũng không muốn mọi người biết đến tôi làm gì, vì tôi rất cần sự tự do và thoải mái để có thể tư duy độc lập và làm việc hiệu quả.


Chắc khó làm được điều này khi ông không chỉ là người của U&I, mà đang gánh trên vai trọng trách của một đại biểu Quốc hội, của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam… Giữa mong muốn tự do để tư duy độc lập và thực hiện tốt các trách nhiệm của mình, ông chia sẻ thời gian thế nào?


Kinh doanh với tôi là chuyện lâu dài. Nhưng tôi không lấy sự thành công trong kinh doanh làm thước đo sự thành công của cá nhân tôi. Chỉ cần sống được và làm được những gì mình thích với tôi đã là thành công.


Nhiệm kỳ Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam của tôi sẽ kết thúc vào năm 2014 và nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của tôi sẽ chấm dứt vào năm 2016. Đây là những vai trò được xã hội giao phó và tôi phải tập trung thời gian hiện tại làm cho tốt.


Điều đáng mừng là, hai vị trí này có thể bổ khuyết cho nhau. Tôi may mắn có được một đội ngũ quản lý kinh doanh khá tốt và họ đang làm hầu hết mọi việc thay tôi. Sau đó, chắc hẳn là tôi phải làm nhiều hơn để trả ơn họ.


Có người nói, đại biểu Quốc hội là doanh nhân có cái lợi là thấu hiểu đời sống kinh doanh, để có những góc nhìn thực tiễn trong xây dựng chính sách, nhưng lo ngại là, nhóm lợi ích chi phối chính sách, vì kinh doanh dù gì cũng hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Ông bình luận gì về điều này?


Quốc hội Việt Nam hiện có 38 đại biểu là doanh nhân, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và dân doanh, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. 38 vị này đại diện cho cử tri nói chung, chứ không đại diện cho nhóm lợi ích nào cả và so với con số 500 đại biểu, thì đây là con số rất nhỏ.


Cũng xin lưu ý thêm là, việc làm chính sách không chỉ là việc của Quốc hội. Bản thân tôi không lo lắng về việc này và tôi tin các đại biểu là doanh nhân có một mục đích chung khi vào Quốc hội. Chúng tôi hành xử vì lợi ích của đất nước, dân tộc, chứ không vì một nhóm nào cả.


Nhìn vào lý lịch trích ngang, ông đã trải qua nhiều vị trí, giám đốc làm thuê và làm giám đốc cho chính mình. Ông nghĩ thế nào về doanh nhân Việt Nam, cũng như khoảng cách giữa doanh nhân Việt Nam và doanh nhân thế giới?


Theo tôi, hiện nay không có khoảng cách nào giữa doanh nhân Việt Nam và doanh nhân thế giới cả. Chúng ta đi sau các nước phát triển khá lâu, nên kinh nghiệm quản lý còn ít, tích lũy vốn kém, chưa có khả năng dẫn dắt về mặt công nghệ… là chuyện đương nhiên. Nhưng mỗi người có thế mạnh riêng của mình, do tính cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sự cố gắng của bản thân mang lại.


Nếu chọn ngành nghề phù hợp, cách đi phù hợp, doanh nhân Việt Nam sẽ làm tốt và làm lớn trong môi trường toàn cầu hoá hiện nay. Biết mình, biết người, thì đương nhiên sẽ có chỗ đứng thôi.


Còn nhớ, trong buổi họp báo sau Đại hội Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi có hỏi ông Tín một câu rằng, điều gì cần nhất để các kế hoạch thành công. Câu trả lời là, cần thời gian. Có vẻ như với Mai Hữu Tín, mọi kế hoạch mà ông gọi là thử thách bản thân đều đã lên dây cót…

Chân dung Mai Hữu Tín:


Phiên dịch tiếng Anh của Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé vào năm 1988 (19 tuổi), người Bình Dương đầu tiên đạt điểm TOEFL 650;


Sáng lập và điều hành Công ty U&I (Unigroup) từ năm 1998 với nhiều công ty con và công ty thành viên, hoạt động trong 7 lĩnh vực chính: logistics, xây dựng, tài chính, phát triển bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, thương mại và nông nghiệp;


Tốt nghiệp Tiến sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ năm 2004;


Giải thưởng Doanh nhân ASEAN 2007;


Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương;


Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Bình Dương;


Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII


Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam


Theo Báo đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.