Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, 11 năm qua, chưa bao giờ TTCK xấu như bây giờ, tất cả mọi người đều mất mát.
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: “Tôi biết ơn những chiến binh cuối cùng”

Hơn 400 khách hàng dự hội thảo Chiến lược đầu tư bảo toàn vốn do SSI tổ chức có lẽ là những “chiến binh” cuối cùng và như lời ông Hưng, đó là những người ông vừa biết ơn, vừa cảm thấy có lỗi với họ. Một số câu hỏi - đáp giữa ông Nguyễn Duy Hưng và nhà đầu tư tại Hội thảo này.


Sự kiện Mỹ bị hạ định mức tín nhiệm ảnh hưởng như thế nào đến TTCK Việt Nam, theo ông?


Những gì không ổn định tại TTCK Mỹ đều ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ bị S&P hạ định mức tín nhiệm. Sự kiện này chấn động giới tài chính toàn cầu, không riêng gì với Việt Nam. Bản thân tôi cũng đã nói chuyện với lãnh đạo một số ngân hàng lớn nước ngoài, nhưng họ cũng không biết điều gì đang và sẽ xảy ra với Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu.


Trong bối cảnh Mỹ bị hạ định mức tín nhiệm, theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, một số nước khác tìm cách giữ và thu hút dòng vốn đầu tư mới vào nước họ, nhưng lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn gián tiếp của Việt Nam hiện còn thấp. Trong con mắt của các tổ chức tài chính quốc tế, sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam không bằng Indonesia, không bằng cả Malaysia, có chăng chỉ hơn Lào và Campuchia. Dòng tiền mới chưa sẵn sàng vào Việt Nam thì khả năng TTCK Việt Nam khởi sắc là rất khó.


Trong bối cảnh này, việc lựa chọn đầu tư nên như thế nào, thưa ông?


Trên cương vị của một người cũng làm về đầu tư, tôi cho rằng, lúc này chúng ta chỉ có thể chọn lựa cách đầu tư ít mất tiền nhất. Tôi cũng muốn nói rằng, tại thời điểm này, nhà đầu tư không nên vay tiền để đầu tư chứng khoán. Nếu có tiền thật thì hãy suy nghĩ tìm cơ hội đầu tư ít rủi ro hơn.


Thực tế, đầu tư chứng khoán, vàng, bất động sản, ngoại tệ hay gửi tiết kiệm cũng đều có rủi ro và những hạn chế riêng, nhưng kênh nào ít rủi ro nhất thì chúng ta nên đặt tiền vào.


Chứng khoán lúc này xấu thật, nhưng khả năng lên của một số loại hàng hóa lớn hơn khả năng xuống rất nhiều. Hãy chọn những DN tốt, minh bạch và cam kết trả cổ tức, đó là những địa chỉ đầu tư an toàn trong dài hạn.


Trong một thị trường nhiều biến động bất thường và thanh khoản thấp như hiện nay, mua chứng khoán không thể mong ngay ngày mai đã sinh lợi, thậm chí lướt sóng lúc này là rất dễ mất tiền. Vì thế, nếu chọn chứng khoán, bạn hãy hướng đến việc đầu tư dài hạn. Và tôi cho rằng, đó là cách để giữ tiền tốt nhất lúc này.


Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, SSI đang ghi nhận một khoản lỗ không nhỏ. Vậy SSI liệu có đạt được kế hoạch kinh doanh không? Xin hỏi ông với tư cách ông là một nhà đầu tư lớn (không phải Chủ tịch SSI), rằng có nên mua cổ phiếu SSI lúc này không?


Như tôi đã nói chưa bao giờ TTCK xấu như bây giờ. 11 năm qua, chưa năm nào SSI kinh doanh thua lỗ, nhưng 6 tháng đầu năm nay SSI đã lỗ. Chỉ bắt đầu từ tháng 6, SSI mới có đồng lãi đầu tiên của năm 2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi chưa điều chỉnh kế hoạch, có nghĩa là chúng tôi vẫn đang tin tưởng và cố gắng để đạt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.


Còn về cổ phiếu SSI, tôi chỉ có thể nói thế này: SSI đang hoạt động ít xấu hơn so với thị trường. Có nên mua cổ phiếu SSI không? Câu hỏi này tương đương với câu hỏi tương lai của Việt Nam có cần dịch vụ tài chính không? Có cần dịch vụ chứng khoán không? Nếu có, cơ hội đầu tư vào SSI là tốt. Chứng khoán chắc chắn tồn tại thì SSI chắc chắn tồn tại.


Vậy 1 năm sau, cơ hội để SSI tăng giá có chắc chắn không, thưa ông?


Tôi cho rằng, 51% giá SSI 1 năm sau sẽ cao hơn lúc này. 49% khả năng cổ phiếu SSI sẽ thấp hơn lúc này, nhưng sẽ thấp hơn không nhiều so với hiện tại.


Theo báo cáo tài chính 6 tháng vừa qua, 50% doanh thu của SSI là doanh thu khác. Xin ông nói rõ hơn về khoản này? Việc SSI chuyển hoạt động tự doanh sang Công ty Quản lý quỹ SSIAM có phải để tránh phải trích lập dự phòng cho SSI không, thưa ông?


Doanh thu khác chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng. Việc SSI chuyển hoạt động tự doanh sang Công ty Quản lý quỹ không phải là để tránh khoản trích lập dự phòng cho SSI, vì thực tế, dự phòng vẫn phải thực hiện trích theo quy định. Chúng tôi sẽ giải trình chi tiết tất cả các thông số tài chính, các khoản đầu tư phải trích lập dự phòng và mức độ trích lập trong báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên sắp tới để nhà đầu tư và cổ đông hiểu rõ về sức khỏe tài chính của Công ty.


Nếu chọn thang điểm 10 cho sự minh bạch thì theo ông, TTCK Việt Nam được mấy điểm về minh bạch? Bao giờ TTCK Việt Nam minh bạch hơn và niềm tin trở lại, theo ông?


Đây là một câu hỏi khó, nhưng tôi có thể nói rằng, các quy chuẩn về công bố thông tin hiện thời đang làm cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin chưa đầy đủ về DN. Chúng tôi thường xuyên có sự phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán để kiến nghị về quy chuẩn, giải pháp cho sự minh bạch trên TTCK.


Bản thân tôi thông qua nhiều kênh khác nhau, kể cả báo chí, từng kêu gọi phải có chế tài cho sự minh bạch để nhà đầu tư hiểu rõ về DN, về thị trường. Những góp ý, kiến nghị này cũng nhận được sự quan tâm nhất định, nhưng tôi cho rằng vẫn chưa đủ để TTCK Việt Nam đủ minh bạch với nhà đầu tư.


Về câu hỏi bao giờ niềm tin trở lại? Niềm tin và sự minh bạch có thể ví như con gà và quả trứng, cái nào có trước thật khó lý giải. Nhưng nếu minh bạch, chắc chắn sẽ có niềm tin. Và có niềm tin sẽ tạo ra áp lực để minh bạch hơn nữa. Tôi nghĩ rằng, mỗi chúng ta hãy ủng hộ sự minh bạch bằng 1 hành động thì chắc chắn TTCK sẽ minh bạch hơn.


Nếu nhà đầu tư nói không với những gì không minh bạch, hãy quay lưng với những DN không minh bạch, như thế là cách tạo áp lực mạnh mẽ nhất với chính lãnh đạo DN và nhà quản lý tự tạo nên quy chuẩn về minh bạch. Còn nếu chúng ta muốn TTCK minh bạch, nhưng bản thân chúng ta lại kém minh bạch một chút để kiếm lợi, thì TTCK còn lâu mới có thể thực sự minh bạch được.


Trên TTCK, ông đã từng là một nhà đầu tư thành công, nhưng lúc này cũng đang nếm trải không ít mất mát. Ông có chia sẻ gì với cộng đồng nhà đầu tư lúc này?


Tôi rất vui khi bối cảnh TTCK xấu như hiện nay mà vẫn rất đông nhà đầu tư đến dự hội thảo. Tôi biết ơn tất cả những người ngồi đây và có lẽ đây là những chiến binh cuối cùng của TTCK Việt Nam. 11 năm qua, tôi chưa bao giờ nói điều gì không thực lòng với thị trường, nhưng lúc này tôi cảm thấy có lỗi với mọi người vì tất cả chúng ta ngồi đây đều mất mát.


Điều tôi có thể làm được lúc này là cùng nhau trao đổi với nhà đầu tư, cùng nhau nhìn nhận thị trường và chia sẻ thông tin, để làm sao chúng ta có thể giảm thiểu sự mất mát, giữ được tiền và không bỏ qua cơ hội kiếm lời trong dài hạn.

Theo Tường Vi và Quang Sơn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.