Chiến thắng Điện Biên Phủ được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là chiến thắng làm thay đổi lịch sử thế giới. Chiến thắng đó đã thể hiện rõ sức mạnh VN và tầm vóc thời đại dựa trên nền tảng biết động viên, tổ chức, huy động sức người, sức của, tập hợp ý chí, sức mạnh toàn dân tộc.

Đây không những đã trở thành một bài học lớn của công tác xây dựng, củng cố, phát triển hậu phương và hậu cần trong chiến tranh nhân dân VN, mà còn thể hiện được một trong những tư tưởng nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và sự cần thiết phải xây dựng cho cán bộ, đảng viên lối làm việc dựa vào nhân dân, vì nhân dân.

60 năm qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ được khẳng định "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Nhưng điều thú vị hơn, ở góc độ người lính – doanh nhân, tôi nhận thấy tinh thần Điện Biên đã đặt dấu ấn quan trọng trong hoạt động của các DN với bốn bài học lớn.

Bài học thứ nhất: "Đánh chắc, tiến chắc". Trong chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ, quyết định thay đổi cách đánh của ta, chuyển phương châm chỉ đạo tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" được coi là hạt nhân làm nên chiến thắng chấn động cả thế giới cách đây tròn 60 năm. Nói như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Trong thời bình cũng vậy, các DN đừng ảo tưởng vinh quang, cũng đừng ham hố chiến thắng. Bởi nếu không tiến chắc, một bước hụt thôi, nhiều khi làm phá sản cả DN đang trên đà... phát triển. Chúng tôi, những người lính dù đã cất đi áo lính để mặc complê doanh nhân nhưng hơn ai hết, chúng tôi thấm nhuần tư tưởng "biết mình, biết ta, trăm trận trăm thắng". Chúng tôi biết chọn đường "ngách" nhưng đủ rộng để kinh doanh. Như A&P Group, để có được ngày hôm nay, DN đã phải tìm hiểu thị trường, sản phẩm dung hòa giữa thực lực của DN và nhu cầu của người tiêu dùng.

Bài học thứ hai: "Xây dựng lực lượng". Hưởng ứng lời kêu gọi “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành đã làm tốt nhiệm vụ động viên tuyển quân, tham gia lực lượng dân công, bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy việc làm khác nhau, nhưng đều dốc lòng, dốc sức vì thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Có tới “33.000 lượt người, trong đó bần nông và trung nông chiếm 98%, đồng bào thiểu số chiếm ¼” tham gia lực lượng dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, dù lực lượng của ta ít hơn quân Pháp nhiều nhưng với sức mạnh cộng hưởng của dân tộc đã làm nên chiến thắng. Bên cạnh đó, trong từng trận chiến cụ thể chúng ta cũng xây dựng hình thành những ưu thế cụ thể từ sức mạnh quân sự chủ lực.

Lịch sử được viết là để tổng kết kinh nghiệm cho tương lai. Ở ý nghĩa ấy, có thể nói những bài học từ xây dựng lực lượng để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ đã có giá trị rất lớn với những người lính xây dựng kinh tế trong thời bình. Nói cách khác là xem cách mà quy luật chiến tranh đã góp phần để định hình quy luật của hòa bình.

Ở thời bình cũng vậy, theo tôi các DN cũng cần phải liên kết để phát triển. Các Hiệp hội và ngay cả từng DN cũng nên bắt tay "win – win". Chẳng hạn, thay vì để hàng tồn kho, các DN dùng phương thức hàng đổi hàng… Điều đó sẽ tạo nên sức mạnh "bó đũa" không thể đánh bại. Tôi cũng rất cảm phục một DN quân đội như Viettel. Năm 2004, mạng di động Viettel chính thức được khai trương, trong sự nghi hoặc, và thậm chí khinh thường của những "đại gia" di động. Không có nhiều người tin thương hiệu di động đến từ một DN quân đội - vốn không có nhiều kinh nghiệm kinh doanh viễn thông có thể thành công. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Sau 10 năm, Viettel giờ được gọi là Tập đoàn Viễn thông Quân đội, nhưng tầm vóc của tập đoàn "cấp bộ" ấy giờ đã vượt khỏi biên giới quốc gia.

Bài học thứ ba: Lựa chọn đối tượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng "địch mà muốn chủ động thì ta phải buộc chúng lâm vào thế bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh". Đến ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công Điện Biên Phủ, thực hiện đúng tư tưởng của Bác Hồ là phân tán địch ra mà đánh, đồng thời tập trung lực lượng chủ lực mạnh quyết chiến với địch ở chiến trường trọng điểm là Điện Biên Phủ để giành thắng lợi quyết định.

Còn trong thời bình thì sao, hãy trở lại với Viettel. Thay vì chọn đối tượng kinh doanh là người có thu nhập ổn định tại thành thị như Vinaphone và MobiFone, mạng di động của Viettel đã chọn khách hàng tiềm năng là những người chỉ có thể chi phí thấp nhất cho nhu cầu nghe và gọi. Đó có thể coi là một phiên bản thu nhỏ từ bài học Điện Biên Phủ trong chiến lược kinh doanh của Viettel.

Bài học thứ tư: "Quyết chiến, quyết thắng". Sự thành công phải đến trước tiên từ tầm nhìn và những bước đi đã được hoạch định, dự liệu từ trước. Nhưng hơn hết phải bắt đầu từ bí quyết vượt mọi khó khăn, luôn phát huy sáng tạo và tin vào chiến thắng. Đó cũng lại là một nguyên tắc của chiến thắng, bất kể trong chiến tranh hay trong thời bình.

Đại tá Phạm Xuân Phương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 bài học cho người lính – doanh nhân

    Chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 bài học cho người lính – doanh nhân

    07/05/2014 1:13 PM

    Chiến thắng Điện Biên Phủ được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là chiến thắng làm thay đổi lịch sử thế giới. Chiến thắng đó đã thể hiện rõ sức mạnh VN và tầm vóc thời đại dựa trên nền tảng biết động viên, tổ chức, huy động sức người, sức của, tập hợp ý chí, sức mạnh toàn dân tộc.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.