Mới đây, JP Morgan Chase, tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ để khép lại vụ cáo buộc Tập đoàn bán chứng khoán kém chất lượng cho các hãng cho vay thế chấp nhà ở (substandard mortgage - backed securities).

Jamie Dimon luôn được giới đầu tư và kinh doanh Mỹ đánh giá là CEO ngân hàng giỏi nhất Mỹ, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng.

Theo thoả thuận trên giấy tờ, JP Morgan Chase sẽ phải trả tổng cộng 13 tỷ USD (bao gồm 9 tỷ USD tiền phạt và 4 tỷ USD hỗ trợ cho khách hàng bị hại vì vụ này). Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia về thuế, sau khi trừ tổng cộng khoảng 4,18 tỷ USD đã tính vào tiền nộp thuế trước đó, thì JP Morgan Chase chỉ phải mất khoảng 9 tỷ USD. Số tiền này quả là lớn, song so với tổng tài sản của JP Morgan Chase hiện vào khoảng 2.400 tỷ USD, thì chưa là “cái gì”.

Điều quan trọng nhất với JP Morgan Chase lúc này là tạm thời “tai qua nạn khỏi”, bởi các cuộc điều tra cấp Liên bang và tiểu bang liên quan đến vụ này sẽ khép lại và hơn hết, không hề có chuyện xử lý về mặt hình sự với Tập đoàn.

Theo kết quả kinh doanh vừa được công bố, trong quý III/2013, JPMorgan Chase bị lỗ 380 triệu USD, trong khi quý III/2012 còn lãi tới 5,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên dưới thời lãnh đạo của ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành (CEO), kiêm Chủ tịch JP Morgan Chase bị lỗ trong 1 quý.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, với việc thoả thuận trả khoản tiền phạt trên, JP Morgan Chase đã cơ bản thoát hiểm và phải thừa nhận ông Jamie Dimon đã giỏi xử lý vụ này. Nếu cứ mổ xẻ, điều tra và đi đến cùng vụ này thì còn nhiều tình tiết, diễn biến phức tạp, rắc rối, bởi ngoài JP Morgan Chase, còn 17 ngân hàng khác của Mỹ cũng bị “dính”, dù ở mức độ thấp hơn.

JP Morgan Chase bị buộc tội là cố tình bán các chứng khoán dưới chuẩn trên, dù biết rõ đây là sản phẩm “rất có vấn đề”. Song nói cho công bằng và sòng phẳng, thì các chứng khoán này đều do Bear Stearns và Washington Mutual phát hành, song sau khi Bear Stearns bị phá sản vào tháng 9/2008, một phần Bear Stearns cùng với Washington Mutual được JP Morgan Chase mua lại, thì đương nhiên JP Morgan Chase phải tiếp quản cả những sản phẩm chứa đựng đầy rủi ro cho người mua này. Xét cho cùng, lỗi của JP Morgan Chase một phần do lịch sử để lại.

Ông Jamie Dimon lên nắm quyền CEO JP Morgan Chase từ ngày 31/12/2005 và sau đó đúng 1 năm (ngày 31/12/2006), ông kiêm thêm cả chức Chủ tịch.

Trong gần 8 năm qua, ông luôn được giới đầu tư và kinh doanh Mỹ đánh giá là CEO ngân hàng giỏi nhất Mỹ, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng. Còn JP Morgan Chase luôn là số 1 trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Mỹ.

Ông đã chèo chống vững vàng đưa JP Morgan Chase vượt qua cơn khủng hoảng tài chính mà không hề hấn gì. Trong 4 năm 2006, 2008, 2009 và 2011, ông được Tạp chí Time (Mỹ) bầu chọn là 1 trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới (The world’s 100 most influential people). Ông còn được chọn là CEO tiêu biểu của năm 2011. Trong năm tài chính 2011, ông đã được trả lương, thưởng tổng cộng 23 triệu USD, nhiều hơn bất cứ CEO ngân hàng nào ở Mỹ.

Có thông tin cho rằng, Bộ Tư pháp Mỹ muốn “đánh” JP Morgan Chase và Jamie Dimon một phần để hạ bớt uy tín của ông, cũng như giảm bớt quy mô và tầm ảnh hưởng của JP Morgan Chase. Nguyên do là, cho dù từng là người của Đảng Dân chủ, nhưng gần đây, Jamie Dimon đã dám công khai chỉ trích chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đặc biệt là đạo luật Dodd-Frank về việc quản lý hệ thống ngân hàng.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ (hay còn gọi là Tổng chưởng lý, tiếng Anh là Attorney General) Eric H. Holder Jr. đã cùng với Jamie Dimon tranh luận về mọi việc liên quan đến vụ này, nhất là về khoản tiền phạt. Theo một nguồn tin, sau lần gặp nhau vào ngày 26/9, hai ông đã nhiều lần thương lượng, thậm chí có thể dùng là “cò kè bớt một thêm hai” với nhau về số tiền phạt. Cụ thể, qua điện thoại, ông Jamie Dimon đã khẳng định mức tiền cao nhất mà JP Morgan Chase có thể trả là 11,7 tỷ USD (gồm 7,7 tỷ USD tiền phạt và 4 tỷ USD hỗ trợ cho khách hàng bị hại), còn ông Eric H. Holder Jr. thì khăng khăng yêu cầu JP Morgan Chase phải chồng đủ 13 tỷ USD (gồm 9 tỷ USD tiền phạt và 4 tỷ USD hỗ trợ cho khách hàng bị hại) thì mới yên chuyện. Cuối cùng, ông Eric H. Holder Jr. không nhượng bộ và ông Jamie Dimon phải chấp nhận. Ngày 18/10, hai bên đã ký thoả thuận và khép lại vụ việc.

Điều rất lạ là, giá cổ phiếu của JP Morgan Chase hầu như không bị ảnh hưởng gì vì việc vụ phạt tiền “khủng” này. Ngay cả sau vụ này, ghế của ông Jamie Dimon vẫn rất vững và khả năng mất chức của ông được xem là khá xa vời.

Một số người bạn thân với Jamie Dimon tiết lộ, ông tâm sự rằng, giờ ông chỉ muốn làm giáo sư thỉnh giảng ở đại học mà thôi.

Trung Hiếu (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.