Theo ông Phúc, khi đầu tư mạo hiểm vào các công ty internet, tỷ lệ thành công có thể chỉ là 1/20, tức 20 khoản đầu tư mới có 1 khoản thành công sinh lời bù đắp cho các khoản còn lại.

Từ vị trí CEO Intel chuyển sang làm CEO của quỹ đầu tư chắc hẳn có nhiều khác biệt. Anh có thể chia sẻ những khác biệt đó hay không?


Khi chuyển từ vị trí CEO của Intel sang CEO của quỹ ( ông Thân Trọng Phúc hiện là giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm DFJV Capital thuộc VinaCapial - PV) cũng đều là vị trí người điều hành tuy nhiên có điểm khác biệt lớn. Đó là tại intel tôi có thể thực hiện các quyết định của mình nhanh chóng. Ví dụ trong kinh doanh muốn thay đổi chiến lược marketing, tiếp thị, chọn đối tác đều làm được liền. Với các nhà đầu tư thì khó hơn chút. Mình chỉ đầu tư vào họ, sở hữu cổ phần ít hơn họ nên ở đây là vai trò tư vấn.




Vì thế việc thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa mình với lãnh đạo công ty là rất quan trọng. Các lãnh đạo doanh nghiệp mình đầu tư vào phải tin, hiểu,và thấy được tầm nhìn của mình thì họ mới nghe để thực hiện theo ý kiến của mình.


Đôi khi thấy công ty đi sai hướng, muốn chuyển hướng thì phải họp hội đồng quản trị, bỏ phiếu. Điều này mất khá nhiều thời gian.


Đã có trường hợp nào quỹ đầu tư của anh muốn rút ra do công ty đi sai hướng, mất nhiều thời gian để thuyết phục ban lãnh đạo chuyển hướng hay chưa?


Chưa có trường hợp nào như thế. Chúng tôi và lãnh đạo công ty ngồi với nhau, bàn bạc với lãnh đạo công ty chuyển hướng đi để công ty phát triển hơn. Thường là sau đó công ty chuyển hướng đi chứ chúng tôi đã đầu tư vào rồi thì không rút vốn trước hạn. Phải tìm cách để thuyết phục họ bằng được.


Khi ra nhập Intel anh còn rất trẻ, nhiều sức lực để thực hiện kế hoạch dự định. Sang làm CEO ở quỹ DFJV khi đã nhiều tuổi, liệu anh có thấy mình liều lĩnh?


(Cười) Đầu tư mạo hiểm tức là liều lĩnh rồi. Tuy nhiên tôi thấy mình có may mắn là dù làm ở đâu, 10 năm tại Intel và 2 năm tại quỹ đều được làm vì đam mê.


Khi còn ở Intel là đam mê công nghệ, muốn đem công nghệ quảng bá ở Việt Nam, làm cái gì đó giúp việt nam nâng cao trình độ công nghệ.


Đem nhà máy Intel về Việt Nam cũng vì đam mê đó. Tôi không có trách nhiệm đó. Trách nhiệm của tôi là phát triển thị trường, bán sản phẩm intel ở VN. Dù có đem nhà máy về Việt Nam hay không thì lương thưởng của tôi vẫn như vậy.


Sang quỹ có đam mê khác. Đam mê là muốn đem bài học kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở Intel giúp phát triển nhiều mảng công nghệ khác ngoài công nghệ thông tin. Tiếp đến là xây dựng môi trường đầu tư mạo hiểm về công nghệ ở Việt Nam. Để các bạn trẻ sau này ra khởi nghiệp có ý tưởng hay sẽ được hỗ trợ để thực hiện.


Đam mê mới này của anh có lẽ có nhiều thử thách?


Đúng vậy. Có 3 thử thách đối với đam mê này của tôi. Đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực và vốn.


Với vốn thì hiện tại tạm thời có giải quyết được thông qua việc huy động vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên với chính sách của Nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực thì nhiều vấn đề.


Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hiện nay là chưa có. Lấy ví dụ tại Trung Quốc chính phủ còn có quỹ riêng để hỗ trợ công ty phát triển công nghệ. Họ sẵn sàng sang các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu lôi kéo người tài, có khả năng sáng tạo, cho nhiều ưu đãi để lôi kéo họ về Trung Quốc lập nghiệp. Khi lập nghiệp tại Trung Quốc thì sẽ phải thuê người Trung Quốc và như thế người Trung Quốc sẽ học được cách làm, cách suy nghĩ của người giỏi. Chính phủ Isarel, Singapore cũng có chính sách tương tự như vây.


Đối với nguồn nhân lực thì cần đổi mới rất nhiều. Người Việt Nam thông minh nhưng vẫn chưa đủ sáng tạo, còn có khoảng cách xa giữa lý thuyết và thực tế. Đây là câu chuyện của giáo dục. Giáo dục VN là giáo dục 1 chiều khiến học trò mất đi sáng tạo. Chúng ta cần có đại học tầm cỡ quốc tế mới có thể có nhân lực đáp ứng được nhu cầu tạo ra sản phẩm sáng tạo.


Với kinh nghiệm quản lý nhiều năm tại Intel, khi sang quỹ anh có áp dụng được nhiều kinh nghiệm hay không?


Đương nhiên là tôi có áp dụng kinh nghiệm của mình tại Intel vào việc quản lý quỹ của mình, tuy nhiên cũng gặp phải nhiều khó khăn. Ở Intel có một bí quyết thành công là dữ liệu khách hàng. Dữ liệu này cho ta biết khách hàng đó là ai? Có thói quen gì? Từ đó xây dựng các chiến lược phù hợp với khách hàng, thậm chí là tương tác 1-1. Xây dựng chỉ tiêu KPI (Key Performance Indicator) đối với khách hàng. Chính điều này tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và khách hàng.


Các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến, một số doanh nghiệp có nhưng không sâu và cụ thể. Vì thế không thể phân tích dữ liệu về khách hàng để xây dựng chiến lược sản phẩm. Nói cách khác là các doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn làm việc theo cảm hứng với suy nghĩ là sản phẩm của mình tốt, có giá trị cho khách hàng. Tuy nhiên không có đánh giá cụ thể tốt như thế nào.


Đối với các doanh nghiệp quỹ của anh đầu tư vào, anh có bắt họ phải thu thập dữ liệu không?


Có chứ. Thâm chí có công ty tôi phải bắt buộc họ thu thập dữ liệu và họ đã bắt đầu đi tìm kiếm, lưu trữ thông tin khách hàng.


Năm 2012, anh có nói là sẽ bận rộn với công việc huy động vốn. Nhìn vào bức tranh kinh tế toàn cầu thì khá u ám. Anh có đánh giá gì về khả năng huy động vốn năm tới?


Năm 2012 việc huy động vốn là khó. Có nhiều thử thách tuy nhiên mình không thể ngồi yên để nói là thử thách khó quá nên không đi ra huy động vốn. Mình phải đi ra gặp nhà đầu tư, mới biết phản hồi từ nhà đầu tư. Giai đoạn đầu tiên là xây dựng chiến lược để ra tiếp cận nhà đầu tư, nghe sự phản hồi của NĐT và sau đó mình thay đổi chiến lược của mình.


Tuy nhiên năm nay tôi sẽ tiếp cận những nhà đầu tư đã góp vốn cho quỹ trước, Bởi vì những người đó đã biết đến mình, hiểu mình làm gì và họ sẽ có nhiều thông tin nhất.


Sau đó những nhà đầu tư hiện tại cảm thấy thích với chiến lược đầu tư của mình thì họ có thể giới thiệu cho các nhà đầu tư khác


Hiện quỹ đang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ phục vụ cho thị trường VN, và quốc tế. Hiện đầu tư vào Internet, media, sản phẩm giá trị gia tăng. Chúng tôi có khoản đầu tư vào 1 công ty sản xuất chip do tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đây là công ty nước ngoài nhưng có cơ sở ở Việt Nam. Và các công ty xuất khẩu đồ gia dụng bán ra thị trường nước ngoài thông qua Internet.


Quỹ thứ II hy vọng sẽ có 3 phần vốn đầu tư: 1 phần tiếp tục vào các lĩnh vực đang đầu tư, 1 phần vào lĩnh vực phần mềm theo chủ trương của nhà nước, 1 phần vào công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề của Việt Nam.


Nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng cảm thấy khó vì VN không có công nghiệp phụ trợ. Nếu Việt Nam giải quyết được vấn đề này thì sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Đây là con đường dài nhưng rất tiềm năng.


Quá trình tìm kiếm doanh nghiệp để bỏ vốn vào anh nói là rất khó. Anh có thể chia sẻ những khó khăn trong lựa chọn doanh nghiệp không?


Khi muốn đầu tư thì quỹ đương nhiên sẽ phải tìm tới các doanh nghiệp tâm đầu ý hợp. Ở đây hiểu tâm đầu ý hợp tức là chủ doanh nghiệp có mục tiêu thoái vốn. Nếu chủ doanh nghiệp chỉ muốn mình sở hữu toàn bộ doanh nghiệp thì khó có thể hợp tác.


Nhiều chủ DN khi quỹ đến đầu tư thì họ nói rằng sẽ rút bớt vốn sau 3-4 năm. Tuy nhiên sau khi được quỹ rót vốn đầu tư, công ty hoạt động tốt, họ lại không muốn rút lui, muốn tiếp tục kinh doanh bình bình là đủ cảm thấy lời đủ rồi, không muốn phát triển thêm.


Một khó khăn khác nữa là nhiều DN vừa và nhỏ của chúng ta thường dùng tiền lời từ kinh doanh thay vì đầu tư vào doanh nghiệp lại tìm cách đầu tư cho cá nhân ví dụ như lấy tiền công ty đi mua nhà cửa, xe cộ cho bản thân. Doanh nghiệp là của họ thì việc họ làm thế cũng không trách được, tuy nhiên khó khăn của quỹ là nếu có quá nhiều doanh nghiệp như vậy khó thể tìm được DN để đầu tư. Như vậy sẽ không tốt đối với môi trường đầu tư chung.


Đó là các doanh nghiệp cũng đã có thời gian hoạt động, còn những doanh nghiệp khởi sự chỉ có ý tưởng thì quỹ có tiêu chí như thế nào?


Với tôi thì tôi sẽ đầu tư vào những doanh nghiệp có ý tưởng đơn giản, cụ thể. Ví dụ như kiemviec.com là một trong những trang tìm việc hàng đầu ở Việt Nam. Ý tưởng chỉ đơn giản là người cần tìm việc gửi CV lên chi kiemviec, sau đó công ty sẽ kết nối tới các doanh nghiệp có nhu cầu.


Quan điểm của tôi là một công ty mà không diễn tả được mục tiêu công ty trong 30s thì xác suất công ty không hiểu mình đang làm gì là rất cao. Ví dụ với Chicilon Media có ý tưởng đơn giản là quảng cáo LCD tại các tòa nhà.


Hiệu suất đầu tư vào những công ty đó như thế nào?


Rất hiệu quả


Tỷ lệ đầu tư thành công của quỹ đầu tư do anh quản lý là bao nhiêu?


Tất cả các quỹ mạo hiểm đều có tỷ lệ 1/10 tức là 10 khoản đầu tư chỉ có 1 khoản thành công sinh lời đủ để bù đắp chi phí cho 9 khoản đầu tư còn lại. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có đủ số liệu để xác định mô hình 1/10 có đúng hay không.


Tôi nghĩ ở Việt Nam có tỷ lệ 3-4/10 đối với một số lĩnh vực. Với 3-4 khoản đầu tư mà mức sinh lời 4-5 lần sau 2-4 năm là ổn. Còn để đợi khoản đầu tư mà mức sinh lời vài chục đến vài trăm lần nhưng phải sau 10 năm thì cũng cần cân nhắc.


Với lĩnh vực Internet thì có thể sẽ rơi vào trường hợp thứ nhất, tức là 1/20 còn các lĩnh vực khác như media, sofware, hay công nghiệp phụ trợ thì có là khả năng thứ 2.

Theo Cao Sơn (TTVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.