CafeLand - Là người thành công trên thương trường và đang quản lý doanh nghiệp hơn 5.000 nhân viên, ông Phạm Đình Đoàn – CEO Tập đoàn Phú Thái chia sẻ những kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp và những trăn trở của một doanh nhân thời này. Theo ông bí quyết để cho nhân viên làm việc hết mình và giữ chân họ là nên xây dựng cho doanh nghiệp một môi trường 3 trong 1.

Ông Phạm Đình Đoàn – CEO Tập đoàn Phú Thái. Ảnh: Lê Linh

Theo ông, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay doanh nghiệp phải làm sao để tận dụng tốt nguồn nhân lực hiện có?

Tôi nghĩ việc lựa chọn nhân sự giỏi đúng rất quan trọng nhưng chúng ta phải chọn những người phù hợp với văn hóa công ty, để họ nhanh chóng đóng góp ngay cho hoạt động doanh nghiệp một cách hiệu quả, ít nhất là trong một vài năm kế tiếp. Nguồn nhân lực đó cũng phải nhìn thấy tầm nhìn của doanh nghiệp và cùng doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn và cam kết làm việc lâu dài.

Vậy ông đã áp dụng những điều này vào Phú Thái như thế nào?

Hiện nay, Phú Thái có khoảng 5.000 cán bộ công nhân viên, nếu so với thế giới thì còn nhỏ nhưng khá đông nếu so với các doanh nghiệp Việt. Vì thế khi xây dựng đội ngũ nhân sự chúng tôi rất chú trọng xây dựng môi trường cho nhân viên 3 trong 1. Có nghĩa là DN vừa là công ty, trường học và gia đình. Ngoài những chính sách giúp nhân viên tăng thêm thu nhập thì chúng tôi cũng chú trọng việc học tập, giúp họ có thể thăng tiến và nâng cao trình độ để họ cống hiến cho doanh nghiệp của mình. Đây là cách thức để người lao động và người sử dụng lao động cùng hợp tác phát triển rất quan trọng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp than phiền nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Vậy Việt Nam nên làm gì để khắc phục hiện tượng này?

Chúng ta đều biết những nước phát triển mạnh giàu có thì chiến lược đào tạo là ưu tiên hàng đầu. Nhưng ở Việt Nam chính sách này chưa được chú trọng, vì thế tôi nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục bằng bất cứ hình thức nào như đào tạo tư nhân, nhà nước, hay nước ngoài vào Việt Nam.

Làm thế nào đưa đội ngũ nhân lực Việt Nam ngang với trình độ khu vực và thế giới trong tương lai gần, tôi nghĩ đó là vấn đề sống còn của quốc gia và của các doanh nghiệp Việt.

Nhưng ở Việt Nam có rất nhiều Giáo sư, Tiến sỹ cho thấy Việt Nam rất chú trọng giáo dục, vậy họ không được trọng dụng sao?

Chúng ta đều biết chính sách của các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản đều đưa ra giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn vì không có sự thuận lợi như vậy.

Ở Việt Nam theo thống kê có khoảng 9.000 giáo sư và hơn 20.000 tiến sĩ nhưng các công trình nghiên cứu khoa học của họ có thể ứng dụng vào thực tiễn chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan và 1/14 so với Singapore. Điều này cho chúng ta thấy hàm lượng chất xám trong kinh doanh cũng như khoa học kỹ thuật hiện nay rất thấp. Vậy nhà nước phải có ngay chính sách để làm sao để các đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế thì lúc đó kinh tế Việt Nam mới khởi sắc tốt được.

Theo ông hiện nay các doanh nghiệp Việt gặp những trở ngại nào lớn nhất?

Theo tôi, thứ nhất là các hoạt động quản trị của một doanh nghiệp nổi bật nhất là tính minh bạch và chuyên nghiệp thì ở Việt Nam cũng chưa hoạt động tốt.

Thứ hai, các doanh nghiệp nước ngoài có sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ của họ, nhưng ở Việt Nam thì vấn đề chính sách còn nhiều bất cập. Đối với doanh nghiệp lớn cần có sự hậu thuẫn của chính phủ để làm sao đưa các doanh nghiệp đó trở thành đầu tàu, doanh nghiệp hạt nhân trong các lĩnh vực khác nhau để đưa ngành, dịch vụ đó có thể hội nhập được.

Vấn đề thứ ba đối với doanh nghiệp Việt khi họ phát triển lớn rồi chắn chắn sẽ trở thành gánh nặng cho bản thân doanh nghiệp vì khi mình phát triển ở quy mô nhỏ mình cho thể linh hoạt được nhưng khi lớn lên và sẽ tiếp tục phát triển tiếp thì chúng tôi cảm thấy rất vất vả.

Vấn đề thứ tư, đó là yếu tố con người. Các doanh nghiệp thành công Việt Nam đều là những doanh nghiệp chuyên nghiệp và quốc tế hóa. Có những tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn rất rõ, tuyển chọn nhân sự phù hợp và xuất sắc, văn hóa doanh nghiệp tốt, mô hình kinh doanh khác biệt và đặc biệt có nguồn tài chính tốt.

Vậy, làm thế nào để huy động được nguồn tài chính tốt?

Hầu hết các doanh nghiệp Việt trong thời gian qua kinh doanh gặp khó khăn đó là vấn đề sử dụng vốn lãi suất cao, hầu hết các doanh nghiệp Việt đều mất cân đối nguồn vốn.

Tôi ví dụ thế này, có doanh nghiệp vốn chỉ có 400 tỷ nhưng vay đến 2.000 tỷ mà lãi xuất 18-22%/năm, thì sau 1 năm toàn bộ vốn gần như mất hết. Tôi cũng cho rằng trong thời gian tới rất nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, có thể đến mức phá sản cũng không ít.

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.