Thành công muộn màng của Harland Sanders, người lập nên công ty gà rán nổi tiếng toàn cầu, ở tuổi về hưu được coi là một huyền thoại của giấc mơ Mỹ.

Trở thành đầu bếp chuyên nghiệp năm 40 tuổi, nhượng quyền thương hiệu Gà rán Kentucky khi 62 tuổi, Harland Sanders đã trải qua con đường không tưởng để tạo nên công ty quốc tế tỷ đô.

Thất bại nối tiếp khó khăn

Harland Sanders sinh năm 1890 và lớn lên ở trang trại tại bang Indiana. Năm Sanders 6 tuổi, cha ông qua đời. Ông phải một mình trông nom hai đứa em trong khi mẹ làm việc cả ngày. Nhờ thường xuyên nấu ăn cho hai em, năm 7 tuổi, Sanders đã trở thành một đầu bếp khá.

Năm Sanders 12 tuổi, mẹ ông tái hôn. Bị cha dượng hắt hủi, em trai Sanders phải đến sống cùng dì trong khi Sanders phải làm việc ở trang trại cách nhà gần 129 km. Vì phải làm việc cả ngày, Sanders đã bỏ học vào năm lớp 7.

Năm 16 tuổi, Sanders khai man tuổi để gia nhập quân đội Mỹ và được xuất ngũ 1 năm sau đó. Những năm tháng sau này, ông trải qua hàng loạt công việc lặt vặt như đốt lò hơi trên tàu, bán bảo hiểm, bán lốp xe, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và lái phà. Tuy nhiên, ông thường bị sa thải hoặc mất việc và không giữ được công việc nào lâu.

Sanders mở quán bán thịt gà năm 40 tuổi. Ông mua lại một trạm dịch vụ tại Corbin, Kentucky vào năm 1930 và bắt đầu phục vụ các món ăn miền Nam cho khách qua đường. Thức ăn ngon khiến địa điểm này trở nên nổi tiếng. Nhờ vậy, Sanders có thể chuyển đến một nhà hàng tiện nghi hơn.

Bước ngoặt xảy đến vào năm 1939 khi ông nhận thấy thịt gà chiên cùng công thức gồm “11 loại thảo mộc và gia vị” của mình đạt kết quả hoàn hảo khi được chế biến trong nồi áp suất.

Những năm sau đó, nhà hàng của Sanders nổi tiếng khắp nơi. Năm 1950, thống đốc bang Kentucky đã trao tặng ông danh hiệu đại tá cao quý. Sanders bắt đầu chăm chút bề ngoài. Hình ảnh ông trong bộ âu phục trắng, thắt cà vạt “Đại tá danh dự bang Kentucky” đã trở thành biểu tượng văn hóa.

Đại tá Sanders đứng trước nhà hàng KFC. Ảnh: KFC.

Năm 1952, ông ký hợp đồng với người bạn Pete Harman để bán món gà “Kentucky Fried Chicken” đổi lấy 4 xu tiền bản quyền cho mỗi miếng gà rán. Sau khi KFC trở thành mặt hàng bán chạy nhất, Sanders đã thực hiện thỏa thuận tương tự với một số nhà hàng địa phương khác.

Mọi thứ đều tốt đẹp cho đến khi xa lộ liên tiểu bang mới mở bỏ qua nhà hàng của Sanders khiến việc kinh doanh thất bát. Sau khi bán lỗ địa điểm này vào năm 1956, thu nhập duy nhất của ông là 105 USD tiền bảo hiểm xã hội hàng tháng. Sanders quyết định sẽ không dừng lại để nghỉ hưu như vậy.

Quyết tâm lập nghiệp ở tuổi về hưu

Từ khi đóng cửa nhà hàng, Sander dành toàn tâm cho dự án nhượng quyền thương mại mà ông bắt đầu 4 năm trước đó. Chất lên ô tô một cặp nồi áp suất, bột mì và gia vị, Sanders cùng vợ rong ruổi trên các nẻo đường. Ông sẽ bước vào một nhà hàng, đề nghị được chế biến món gà của mình để chủ nhà hàng nếm thử và ký thỏa thuận nếu họ thấy hài lòng.

Đến năm 1963, Sanders đã có thể thực hiện các thỏa thuận nhượng quyền thương mại mà không cần lang thang khắp nơi. Gà rán Kentucky đã được bán tại hơn 600 nhà hàng trên khắp nước Mỹ và Canada.

Tháng 10 năm đó, Sanders đồng ý bán lại quyền thương mại cho một nhà đầu tư mạo hiểm để đổi lấy 2 triệu USD. Theo hợp đồng, công ty Kentucky Fried Chicken sẽ thành lập các nhà hàng của riêng mình trên khắp thế giới và không được thay đổi công thức gà. Sanders nhận được 40.000 USD tiền lương trọn đời, có một ghế trong hội đồng quản trị, sở hữu phần lớn đại lý nhượng quyền của KFC Canada và trở thành đại sứ thương hiệu của công ty.

Biển hiệu KFC và Sanders Cafe tại nhà hàng của Sanders ở Corbin, Kentucky, nơi Sanders bắt đầu phát triển món gà rán nổi tiếng của mình. Ảnh: Flickr.

Dù không muốn rời bỏ đứa con tinh thần của mình nhưng Sanders hiểu rằng cần phải buông tay để công ty tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn. Ông đưa ra quyết định này năm 75 tuổi.

Một số bạn bè tin rằng Sanders đã chịu thiệt trong thỏa thuận trên trong khi số khác cho rằng ông đã từ chối cổ phần trong công ty và không đàm phán giá cao hơn.

Dường như Sanders chưa bao giờ thực sự theo đuổi sự giàu có. Mong muốn của ông là đồ ăn của mình trở nên nổi tiếng. Đó là lý do ông thường xuyên cằn nhằn về việc lợi nhuận càng cao thì chất lượng các sản phẩm càng giảm.

Ông đòi hỏi chất lượng hoàn hảo và không quan tâm nhiều đến lợi nhuận. “Đối với Đại tá, tiền không quan trọng mà quan trọng là tài khéo léo”, một lãnh đạo của KFC từng chia sẻ với New Yorker.

Những năm tháng cuối đời, Sanders dành thời gian cho các cuộc phỏng vấn trên truyền hình và xuất hiện trong các quảng cáo thương mại. Cho đến khi qua đời vào năm 1980, Đại tá đã di chuyển khắp nơi để đến thăm các cửa hàng KFC mỗi năm và quảng bá thương hiệu trên truyền thông.

Khi Sanders qua đời, thống đốc bang Kentucky đã ca ngợi ông là “huyền thoại thực sự” và là “hiện thân của giấc mơ Mỹ”. Hiện tại, ông được biết đến ở 115 quốc gia nhờ công thức gà rán trứ danh của mình, vượt xa những gì ông từng hy vọng khi rong ruổi trên đường ở tuổi 65 với chiếc xe chất đầy dụng cụ nấu ăn.

Cẩm chi (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.