Tại hội thảo "Nền kinh tế trước thử thách tái cơ cấu" diễn ra ở Hà Nội chiều 19/9, một lần nữa vấn đề quản trị doanh nghiệp Nhà nước lại được các diễn giả đưa lên bàn "mổ xẻ". Theo lộ trình, từ nay đến năm 2015, các tập đoàn Nhà nước sẽ thoái xong vốn. Theo ông Võ Trí Thành - phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế quản lý trung ương (CIEM) - việc để 4, 5 năm cho các doanh nghiệp thoái vốn không phải là quá ngắn hay quá dài. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, quản trị doanh nghiệp Nhà nước như thế nào vẫn là vấn đề quan trọng nhất, trong đó, chất lượng của các CEO trong khối doanh nghiệp Nhà nước chưa cao.
CEO của doanh nghiệp Nhà nước cũng cần được trả lương xứng đáng theo thị trường như khối tư nhân. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Nguyên nhân theo vị chuyên gia này là việc chưa trả lương cho CEO cao, theo thị trường nên chưa có sếp tốt. Ông Thành nói: "Chúng ta có dám chấp nhận một thị trường CEO trong doanh nghiệp Nhà nước không? Chúng ta từng thí điểm việc thuê CEO nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước nhưng bất thành bởi nói quá nhiều đến việc lương người này quá cao, quá nhiều".
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng CIEM - cũng bày tỏ quan điểm nên đối đãi tốt với CEO giỏi cho doanh nghiệp Nhà nước. "Hiện không thiếu người giỏi để quản lý doanh nghiệp. Vấn đề là chưa có cơ chế và động lực hợp lý để thu hút được người có năng lực, vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa buộc họ phải nỗ lực tối đa vì lợi của của doanh nghiệp và của chủ sở hữu", ông Nguyễn Đình Cung phát biểu.
Vị tiến sĩ này cũng cho rằng để có một người quản lý giỏi trong doanh nghiệp Nhà nước, không thể lấy lương công chức áp đặt cho những người quản lý. Đó là công việc, thước đó khác, giá trị khác nên họ phải được trả lương khác.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc kiêm kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho rằng việc mô hình tập đoàn của Việt Nam không theo cấu trúc thị trường đã dẫn đến những hạn chế như hiện nay. Ông Thành chia sẻ: "Sai lầm này bắt nguồn từ việc lựa chọn chiến lược nội địa không đi đúng hướng. Khi vào WTO, Việt Nam lựa chọn việc xây dựng tập đoàn với tham vọng tạo ra những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, có quy mô quốc tế. Do đó, hầu hết các nguồn lực đều được đổ vào tập đoàn quá nhiều. Nhưng bản thân mô hình tập đoàn này lại không dựa trên cấu trúc của nền kinh tế thị trường".
Tại buổi hội thảo, các diễn giả cũng đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" khác của nền kinh tế như xử lý nợ xấu, lạm phát... Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành thẳng thắn so sánh nợ xấu như là "vấn đề cốt tủy của nền kinh tế". "Tôi cho rằng việc giải quyết nợ xấu là cần phải làm ngay, không nên ung dung. Không có phép thần nào giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề vốn vay ngoài việc xử lý nợ xấu", ông Đức Thành khẳng định.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh: "Xử lý nợ xấu phải bình tĩnh nhưng kiên quyết, khẩn trương chứ không phải cứ ngồi bàn mà chẳng ai làm gì cả". Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thừa nhận, đây là vấn đề khó bởi theo kinh nghiệm, chưa có nước nào giải quyết được nợ xấu chỉ trong 3-4 năm cả.
Trước việc CPI Hà Nội tháng 9 tăng cao trở lại (tăng 2,47% so với tháng 8), ông Nguyễn Đức Thành cho rằng lạm phát có thể xuất hiện sau Tết hoặc đầu quý II năm sau. "Tôi tin là năm sau lạm phát sẽ lại cao. Mặc dù vậy, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng lạm phát cả năm 2012 từ 4,57% đến 6,18% như kịch bản kinh tế VEPR đưa ra hồi tháng 5", ông Thành cho biết.
-
Đa ngành có phải là cái bẫy?
16/11/2013 8:34 PMKhủng hoảng kinh tế đòi hỏi các DN quay trở lại với những giá trị cốt lõi của mình, tuy nhiên, nhìn nhận như thế nào cho hợp lý về kinh doanh đa ngành hay quay lại với kinh doanh cốt lõi vẫn đang gây ra những bàn thảo trái chiều trong dư luận mà một kết luận mở còn để ngỏ.
-
CEO U50 vượt bão
18/02/2013 3:59 PMKhó khăn năm qua lại là cơ hội để các CEO U50 thể hiện kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc.
-
'Cần tạo thị trường CEO giỏi cho doanh nghiệp Nhà nước'
21/09/2012 8:07 AMTiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng để có một CEO giỏi cho doanh nghiệp Nhà nước, cần trả lương cao theo thị trường như khối tư nhân. Có như vậy, việc quản trị sẽ hiệu quả hơn hiện nay.