Chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn hoặc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngày 3/3, Bộ Tài chính gửi công văn tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu để xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường của các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn.

Theo đó, cơ quan này dự kiến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.

Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/kg.

Giảm 1.000 đồng/lít xăng khó kìm chế lạm phát

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho biết từ cuối năm 2021 đến tháng 3 năm nay, giá dầu Brent tăng khoảng 38% (từ 80-112 USD) khiến giá xăng trong nước tăng từ đầu năm, trung bình khoảng 20% so với năm trước.

Ông cũng cho biết Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo giá xăng dầu tăng 10% đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,36%. Theo đó, các chuyên gia VEPR tính toán đóng góp của giá xăng từ đầu năm 2022 đến chỉ số CPI chung tăng khoảng 0,8%.

"Tuy vậy, dự báo thế giới giá dầu Brent đến cuối năm có thể tăng 150 USD, tương đương mức tăng 45% trong năm 2022. Điều đó kéo theo giá xăng trong nước cũng sẽ tăng trung bình khoảng 40% và có thể tác động CPI tăng 1,6%", chuyên gia này phân tích.

Nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính là 1.000 đồng/lít xăng (trừ ethanol) (với giả định giá xăng không thay đổi), thì việc giảm thuế này chỉ có thể kéo CPI giảm 0,15%.

Điều đó đồng nghĩa với việc tác động của mức tăng giá xăng hiện tại lên CPI vẫn cao, khoảng 0,65%.

"Việc giảm 1.000 đồng cố định trên mỗi lít xăng càng ít ý nghĩa trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới dự báo tiếp tục tăng. Do đó, việc đề xuất giảm thuế như vậy trong tình hình hiện nay sẽ không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp", ông Việt đánh giá.

Lãnh đạo VEPR đề xuất bên cạnh việc giảm cố định 1.000 đồng/lít từ thuế bảo vệ môi trường, nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12.

Doanh nghiệp muốn giảm nhiều hơn

"Bởi so với việc giảm một mức cố định thì việc giảm hoặc miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ phần trăm giá thành sẽ đảm bảo tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định mà Bộ Tài chính đang đề xuất", ông Việt nêu quan điểm.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị mong muốn mức giảm sâu hơn. Ngày 4/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi văn bản góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo VCCI, đây là phương án tích cực nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp và hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự cũng như các trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trước căng thẳng Nga - Ukraine. Ảnh: Chí Hùng.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn.

Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết đây mới chỉ là phương án dự thảo đề xuất của Bộ, thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp của các Bộ ngành, chuyên gia, người dân về dự thảo này.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.