Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu giảm bớt, nhưng các giám đốc điều hành vận chuyển, sản xuất và bán lẻ nói rằng họ không mong đợi sự trở lại hoạt động bình thường hơn cho đến năm 2022.

Điều tồi tệ nhất đã ở phía sau

Ở châu Á, việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid-19, tình trạng thiếu năng lượng và giới hạn công suất cảng đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Tại Mỹ, các nhà bán lẻ lớn cho biết, họ đã nhập khẩu hầu hết những gì họ cần cho những ngày lễ. Giá cước vận tải đường biển cũng đã giảm xuống từ mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành và các nhà kinh tế cho biết, nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với hàng hóa ở phương Tây, tình trạng tắc nghẽn cảng đang diễn ra ở Mỹ, tình trạng thiếu tài xế xe tải và giá cước vận tải toàn cầu tăng cao tiếp tục làm trì hoãn bất kỳ sự phục hồi nào. Nguy cơ thời tiết khắc nghiệt hơn và bùng phát các trường hợp Covid-19 cũng có thể đe dọa làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng một lần nữa.

Việc nới lỏng các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng sẽ cho phép sản xuất hướng tới việc đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ và sẽ giảm chi phí hậu cần. Nếu điều đó được duy trì sẽ giúp giảm bớt áp lực gia tăng đối với lạm phát.

Số lượng tàu chờ dỡ hàng tại các cảng Los Angeles và Long Beach - cửa ngõ nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ châu Á đã cải thiện nhưng vẫn ở mức gần kỷ lục. Theo Marine Exchange of Southern California, có 71 tàu container neo đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, giảm so với mức cao nhất là 86 vào ba ngày trước đó, và 17 tàu khác dự kiến ​​sẽ đến trong vòng ba ngày tới. Trước đại dịch, việc tàu nào neo đậu ngoài khơi là điều bất thường.

Các giám đốc điều hành vận chuyển và bán lẻ cho biết họ kỳ vọng lượng hàng tồn đọng tại cảng của Mỹ sẽ được giải quyết vào đầu năm 2022 sau kỳ mua sắm nghỉ lễ và Tết Nguyên đán khiến nhiều nhà máy đóng cửa trong một tuần trong tháng 2 khiến sản lượng chậm lại.

Giá cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi hầu hết các nhà bán lẻ lớn của Mỹ đã nhập khẩu những thứ họ cần cho mùa lễ.

Chi phí để di chuyển một container qua Thái Bình Dương đã giảm hơn 25% trong tuần từ ngày 6/11- 12/11, mức giảm lớn nhất trong hai năm. Theo Chỉ số Freightos Baltic, chi phí để vận chuyển một container 40 feet đã tăng 5% trong tuần qua lên khoảng 14.700 USD/container và vẫn cao hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Louis Kuijs, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics cho biết: “Ở góc độ toàn cầu, điều tồi tệ nhất đang ở phía sau chúng ta về các vấn đề chuỗi cung ứng. Một cuộc khảo sát các nhà nghiên cứu trong số những người được mô tả là chuyên gia bao gồm 45 nền kinh tế cho thấy hầu hết tất cả đều tin rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã đạt đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh vào quý IV năm nay”.

Tuy nhiên, bất kỳ trục trặc nào chẳng hạn như việc lặp lại tình trạng đóng cửa tạm thời Cảng Ningbo-Zhoushan của Trung Quốc vào tháng 8 do Covid-19 đều có thể khiến giá cước vận chuyển tăng vọt trở lại.

Nhiều chuỗi bán lẻ lớn bao gồm Walmart, Home Depot và Target cho biết trong tuần qua, họ đã có sẵn hàng cho kỳ nghỉ lễ, chủ yếu là do họ nhập hàng sớm hơn bình thường trong năm nay. Một số cũng thuê tàu riêng họ để giải quyết vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Hoạt động sản xuất trở lại

Sau khi sản xuất chậm lại trong những tháng gần đây do đại dịch Covid-19 bùng phát, sản lượng tại các nhà máy trên khắp Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác đã tăng trở lại trong tháng qua do các trường hợp nhiễm Covid-19 giảm và các biện pháp hạn chế trong sản xuất được dỡ bỏ, giảm bớt một số tắc nghẽn đã làm nghẹt sản lượng chất bán dẫn và hàng dệt may trên toàn cầu.

Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis ở Hồng Kông cho biết: "Đó là một sự thay đổi lớn theo hướng tích cực vì nó sẽ cải thiện sản lượng công nghiệp ở châu Á và nguồn cung toàn cầu". Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng nhiều quốc gia tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề khác, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động.

“Có một số khía cạnh nhất định của các cú sốc trong chuỗi cung ứng đang giảm bớt, nhưng vấn đề thiếu hụt sẽ không biến mất hoàn toàn”, bà cho biết.

Tại Việt Nam, các chủ nhà máy ở trung tâm sản xuất phía Nam cho biết, hoạt động sản xuất suôn sẻ hơn nhiều so với vài tháng trước, nhưng những thách thức vẫn còn, bao gồm chi phí vận chuyển cao và thiếu lao động, do nhiều công nhân trở về quê vẫn chưa trở lại.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tình hình đang được cải thiện và các nhà máy sản xuất đồ gỗ quy mô trung bình với khoảng 200 - 500 công nhân đang hoạt động với khoảng 80% công suất. Nhưng các nhà sản xuất đồ nội thất lớn hơn có tới 3.000 công nhân lại thiếu nhiều lao động hơn và hoạt động ở mức khoảng 65% công suất.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng điện đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất của nước này vào đầu mùa thu năm nay đã giảm bớt trong những tuần gần đây sau khi các nhà chức trách cho phép các nhà máy nhiệt điện than tính giá cao hơn. Trước đây, một số nhà máy đang hạn chế sản lượng điện. Giá dầu cũng đã giảm sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều năm.

Theo các cuộc phỏng vấn với một số chủ nhà máy có trụ sở tại Quảng Đông, trung tâm sản xuất phía nam của Trung Quốc, hoạt động sản xuất phần lớn đã trở lại ở công suất bình thường kể từ tháng 10.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container vận chuyển dường như cũng đang giảm bớt.

Hạc Hiên (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.