Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ với giới CEO - Ảnh: Huyền Trâm.
Đầu tiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng sự ra đời của luật doanh nghiệp, luật đầu tư mới dù còn chờ độ trễ để thấy hiệu quả nhưng đó là sự bùng nổ để tự ứng phó với tư duy của doanh nghiệp khi hội nhập.
Bộ trưởng đã từng nhận định hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới, vậy xin Bộ trưởng cho biết khi nào điều này sẽ chấm dứt?
Chính phủ giao cho Bộ tư pháp rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần hiến pháp 2013. Những cái nào phù hợp thì để lại, cần sửa thì phải sửa và cần hủy thì phải hủy.
Và con số mà chúng tôi có được từ báo cáo của 63 tỉnh thành trong cả nước thật khủng khiếp, trên một triệu văn bản quy phạm pháp luật!
Tôi lấy ví dụ, với luật mà Quốc hội ban hành, nghị định của Chính phủ hay thông tư của các Bộ…, nhà đầu tư dễ tiếp cận, nhưng khi nhà đầu tư khi đi đầu tư vào Quảng Bình sẽ khác, đầu tư ở Vũng Tàu khác vì cấp xã cũng có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Với hệ thống pháp luật của chúng ta thì tôi đố bất cứ vị luật sư nào nắm và hiểu hết được. Đó là thực tế.
Chính phủ đã rất cố gắng đề nghị để giảm cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng lẽ một cơ quan lại ban hành 2 loại văn bản, nhất là đối với cấp xã, huyện, tỉnh.
Thậm chí, Chính phủ đề nghị xã huyện không được được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hay sắp tới các bộ cũng không được ban hành thông tư liên tịch.
Tôi cho rằng làm gọn lại một bước cũng quan trọng. Cái gì cấm cần quy định cụ thể, cái gì không cấm có nghĩa được làm, với người dân và với doanh nghiệp cũng vậy.
Chúng ta đang bàn về tư duy của doanh nghiệp 90 hay 600. Vậy theo Bộ trưởng ở tầm vĩ mô thì có nên đồng hành với tư duy này?
Tôi nghĩ rằng với những Nghị quyết Đại hội Đảng, các Đạo luật của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và sự điều hành của Chính phủ…, Chính phủ hoàn toàn chia sẻ và đồng hành với tư duy 90 hay 600 (thị trường của 90 triệu dân Việt Nam hay 600 triệu dân của ASEAN-PV).
Từ năm 2011 đến nay không phải chỉ có trong khu vực ASEAN, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, chuẩn bị ký kết thì hoàn toàn chúng ta chủ động, từ vĩ mô trong lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Cũng phải thừa nhận tư duy 600 hay tư duy toàn cầu, bất kỳ câu chuyện gì thảo luận bao giờ cũng có tinh thần cấp tiến. Tôi tin rằng thế hệ trẻ, các nhà lãnh đạo trẻ chắc chắn có tư duy hòa đồng, hội nhập.
Trước thềm gia nhập, Bộ trưởng có nhắn gửi gì tới các CEO doanh nghiệp Việt?
Các doanh nghiệp hãy lo nhưng không sợ. Nhưng tôi muốn nói rằng thói quen, văn hóa, tư duy làm ăn theo pháp luật, đúng pháp luật của doanh nghiệp Việt cũng còn là một câu chuyện.
Phòng thủ hay tấn công? Tôi cho là làm ăn trong nước hay đầu tư ra nước ngoài thì bao giờ cũng phải nghĩ đến câu chuyện sử dụng tư vấn.
Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư thì ông chủ sẽ không bao giờ đi trước mà họ luôn thuê luật sư. Luật sư tìm hiểu môi trường có rủi ro? Có ổn định? Sau đó mới nói đến lợi nhuận. Luật sư sẽ làm tất cả các công việc liên quan đến các loại văn bản.
Bài học sử dụng luật sư, tôi cho là bài học rất quan trọng, và điều này phải trở thành tư duy trong làm ăn thì mới có thể thành công.
-
Bộ trưởng Tư pháp: Tư duy làm ăn đúng luật vẫn còn là một câu chuyện!
24/09/2015 10:46 PMÔng Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có phần đối thoại với đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp tại Vietnam CEO Forum 2015 tổ chức chiều 24/9 tại TP.HCM.