Khi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) IPO, người được lợi lớn nhất không phải là nhà sáng lập – Jack Ma hay các lãnh đạo công ty, mà là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản - Masayoshi Son.

14 năm trước, nhà sáng lập SoftBank liều lĩnh rót 20 triệu USD vào một website không tên tuổi, kết nối công ty Trung Quốc với khách hàng nước ngoài. Website này sau đó phát triển thành hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và cổ phần của SoftBank tại đây được định giá 58 tỷ USD. Đây là lợi nhuận không tưởng, kể cả theo chuẩn mực tại Thung lũng Silicon.

Hôm qua, Alibaba đã nộp đơn xin niêm yết lên sàn chứng khoán tại Mỹ. Theo các hãng phân tích, giá trị hãng này dao động từ 150-200 tỷ USD. Họ cho rằng Alibaba có thể thu về hơn 16 tỷ USD từ IPO và trở thành phiên chào bán lớn nhất lịch sử ngành công nghệ.

IPO của Alibaba sẽ càng đánh bóng danh tiếng cho Son với hình ảnh một trong những nhà đầu tư uyên bác nhất thế giới. Đồng thời, tỷ phú cũng sẽ có thêm vốn phục vụ cho nhu cầu mua bán – sáp nhập.

Masayoshi Son (trái) và nhà sáng lập Alibaba - Jack Ma trong một sự kiện năm 2010. Ảnh: Bloomberg

Sau khi chi hơn 21 tỷ USD mua nhà mạng lớn thứ ba Mỹ - Sprint Nextel tháng 7 năm ngoái, Son lại rót hơn 1 tỷ USD vào nhà phân phối điện thoại di động Brightstar và bày tỏ sự quan tâm với nhà mạng T- Mobile. Giới phân tích cho biết Son có thể theo đuổi các nhà mạng khác tại châu Âu hoặc lấn sân lĩnh vực sản xuất âm nhạc, sau khi đề nghị mua lại Universal Music Group trị giá 8,5 tỷ USD bị từ chối.

"Ông ấy đúng là Warren Buffett của châu Á. Khi đầu tư mạo hiểm, tiêu chí đánh giá thành công là bạn bỏ ra bao nhiêu ban đầu và thu về bao nhiêu hiện tại. Thỉnh thoảng, bạn sẽ lời gấp 500 lần, trong các vụ như Twitter hay Alibaba chẳng hạn", Greg Tarr – Giám đốc quỹ đầu tư CrossPacific Capital cho biết trên Bloomberg.

Trong 3 thập kỷ, Son đã dùng tiền đi vay để biến hãng bán buôn phần mềm ông thành lập năm 1981 thành hãng điện thoại có hoạt động trải dài 2 lục địa. Tại Nhật Bản, công ty của ông là đối thủ đáng gờm của các hãng lớn, và cũng là doanh nghiệp đầu tiên mang iPhone về nước. Sau đó, Son mua Sprint để khiêu chiến với các nhà mạng lớn nhất nước Mỹ - Verizon Communications và AT&T.

Tỷ phú 56 tuổi đã tạo ra một đế chế, đầu tư vào hơn 1.300 doanh nghiệp công nghệ. Trong đó có Yahoo Nhật Bản, hãng sản xuất game đình đám – Zynga, GungHo Online Entertainment hay website giải trí Buzzfeed.

Khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của ông là 22 tỷ USD mua 70% cổ phần Sprint, giúp họ tiếp cận 50 triệu thuê bao tại Mỹ. Rất nhiều người dùng Mỹ đang bắt đầu vào Internet và xem TV bằng điện thoại - xu hướng đã thịnh hành tại Nhật Bản.

Dù vậy, không phải lúc nào Masayoshi Son cũng gặp may mắn. Đầu năm 2000, tài sản của ông ước tính khoảng 78 tỷ USD. Lúc này ông đang sở hữu 42% của Softbank (thị giá 180 tỷ USD), một trong những công ty công nghệ Internet lớn nhất thế giới thời đó. Không lâu sau, bong bóng dotcom vỡ, thị trường chứng khoán đi xuống và Softbank chỉ còn giá 2,5 tỷ USD.

Các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD của tập đoàn vào các công ty khác như Alibaba, Nippon cũng xuống giá vài chục triệu USD. Tài sản của ông vì thế mà lao dốc, có lúc chỉ còn vỏn vẹn 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau gần chục năm, Softbank bắt đầu phục hồi, trở thành công ty truyền thông, Internet lớn thứ 3 trong nước. Bản thân Son cũng được mệnh danh là Bill Gates của Nhật Bản.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.