Kinh tế khó khăn, nhiều đại gia nổi tiếng về bất động sản, ôtô... đang chây ì nợ tiền thuế từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Thành Công...

Điểm mặt doanh nhân nợ thuế


Những thông tin tưởng chừng khá nhạy cảm cho thương hiệu của doanh nghiệp này vừa được công bố công khai tại hội nghị về chống thất thu, nợ đóng thuế của Tổng cục Thuế đang diễn ra tại Hà Nội hôm 1/3.


Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế thuế, ông Trịnh Hoàng Cơ, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ. Sức tiêu thụ hàng hóa châm, ngân hàng thắt chặt cho vay, bất động sản vẫn tiếp tục đóng băng. Bối cảnh bất lợi này đã khiến nhiều doanh nghiệp thà chấp nhận phạt nộp chậm để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh. Chưa hết, các doanh nghiệp còn chậm thanh toán tiền hàng trong giao dịch mua bán với nhau cũng vì mục đích chiếm dụng vốn lẫn nhau, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế.


Cơ quan này cho biết, riêng số tiền thuế nợ của nhóm này đã chiếm tới 72,3% tổng số nợ thuế, trong đó, nợ trên 90 ngày đã chiếm 63,3%. Đáng chú ý là nằm trong số này, nhiều doanh nghiệp đã nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuế và nợ kéo dài với những thương hiệu đã khá nổi tiếng trên thị trường.


Cụ thể như Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Cavico xây dựng cầu hầm, Công ty CP Bia rượu và nước giải khát Phú Yên. Tất nhiên, sau vụ tái cơ cấu với món nợ hơn 86.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin cũng có tên trong danh sách "đen" này.


Như dự báo của nhiều chuyên gia về thuế, bất động sản đi xuống đã kéo theo, các ông trùm về nhà đất tiếng tăm ở Việt Nam cũng không tránh khỏi tình cảnh phải chầy bửa tiền thuế. Ở đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bị Vụ Quản lý nợ bêu tên với con số nợ, tuy không được công bố chính xác cụ thể là bao nhiêu nhưng được nhắc ở mức tới hàng trăm tỷ đồng.


Đáng chú ý, khó khăn về thiếu tiền nộp thuế còn có lý do khách quan từ chính việc chậm giải ngân các công trình sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước. Theo cơ quan quản lý nợ của Tổng Cục thuế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản thi công các công trình sử dụng vốn Ngân hàng Nhà nước nhưng lại chưa lại chưa được Ngân sách thanh toán. Do đó, các doanh nghiệp này cũng không có tiền để nộp thuế.


Bên cạnh đó, tình trạng các doanh nghiệp thua lỗ, vốn đã nợ thuế, nay lại phải chịu thêm tiền phạt lớn nên lại càng không có khả năng trả thêm cả khoản nợ lẫn khoản phạt, đã khó càng khó hơn. Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Đức Phương ở Nam Định, kinh doanh thua lỗ, không nộp được thuế kéo dài, rốt cục đến nay, tiền phạt nộp chậm của công ty này đã chiếm tỷ trọng tới 39,8% tổng số nợ thuế phải nộp.


Phân loại về giữa các thành phần doanh nghiệp khác nhau, Vụ quản nợ và cưỡng chế thuế cho biết, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang có số nợ thuế nhiều hơn so với nhóm các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước, với tỷ trọng chiếm quá bán, 53,8% tổng số nợ thuế.


Với tình hình trên, không quá ngạc nhiên khi thấy rằng, tỷ trọng nợ trên tổng thu Ngân sáng Nhà nước năm vừa qua đã cao hơn năm trước. Trong đó, tỷ trọng nợ khó thu trên tổng thu ngân sách năm 2011 là 1,1%, tăng 0,1% so với năm 2010, tỷ trọng nợ có khả năng thu trên tổng thu Ngân sách năm 2011 là 5,9%, đã tăng 0,8% so với năm 2010.


Cơ quan thuế bó tay


Mặc dù có nhiều đại gia tên tuổi bị bêu tên chây ì nợ thuế, nhưng vẫn còn khả dĩ cho cơ quan thuế ở chỗ các đại gia trên thuộc nhóm nợ có khả năng thu hồi. Với nợ khó thu, phản ánh của Vụ quản lý nợ cho thấy có nhiều trường hợp, cơ quan này đang bó tay.


Cụ thể như, nhiều doanh nghiệp đã thành lập chỉ với mục đích là buôn bán hóa đơn bất hợp pháp, không hoạt động sản xuất kinh doanh thực. Hệ quả là khi mua và sửa dụng một số quyển hóa đơn xong, những doanh nghiệp "ma" này bỏ trốn, không nộp số thuế đã kê khai với cơ quan thuế.


Một số doanh nghiệp khác thì sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp nhằm mục đích gian lận tiền thuế của Nhà nước, đến khi cơ quan thuế phát hiện ra, ban hành Quyết định truy thu và phạt thì doanh nghiệp lại bỏ trốn.


Ngoài ra, có những doanh nghiệp yếu kém, đã tự giải thể, ngừng hoạt động nhưng lại không báo cho cơ quan thuế nên số thuế của các công ty này cũng bị "treo" trên sổ sách, không biết bao giờ mới thu hồi được. Điều đáng tiếc là số tiền nợ thuế của nhóm này chiếm tỷ trọng khá cao, tới 56,7% tổng số nợ khó thu.


Chia sẻ với báo chí về tình hình này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, hiện còn 6 lĩnh vực quan trọng đang có dấu hiệu thất thu thuế rất lớn. Trong đó, phải kể đến là câu chuyện chuyển giá ở khu vực FDI, vấn đề trốn thuế ở nhóm cư dân biên giới, các nhóm kinh doanh động sản, kinh doanh qua mạng và hoàn thuế Giá trị gia tăng. Song hành với việc nâng cao hiệu lực Luật quản lý thuế, cơ quan này đang phấn đấu mục tiêu tăng cường thanh tra thuế.


Năm 2012, Tổng cục Thuế sẽ kiên quyết thực hiện bằng được chỉ tiêu của Nhà nước, đó là phải thanh tra, kiểm tra thuế ít nhất là 15-20% số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh và tăng cường hướng dẫn kiểm tra để doanh nghiệp đang kinh doanh phải đạt được 98% có tờ khai thuế hàng tháng, hàng quí, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.