Những biến động về môi trường kinh tế khiến số nhà chọc trời mới hoàn thành ở Trung Quốc sụt giảm 40% trong năm 2019.

Theo CNN, Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị (CTBUH) công bố báo cáo ngày 19/12, cho biết sau nhiều năm bùng nổ xây dựng, số lượng tòa nhà chọc trời mới ở Trung Quốc giảm mạnh vào năm 2019.

Trong năm qua, quốc gia này chỉ hoàn thành 56 tòa nhà mới cao 200 m trở lên, giảm hơn 38% so với năm ngoái.

Trung Quốc thống trị thị trường nhà chọc trời, do đó sự sụt giảm này khiến tổng số nhà chọc trời đã hoàn thành trên toàn cầu giảm 14% trong năm 2019 dù số nhà cao hơn 200 m tại các nước khác trên thế giới tăng.

Trung Quốc vẫn chiếm gần 50% số nhà chọc trời mới trên thế giới, bao gồm 6 trên tổng số 10 tòa tháp mới cao nhất. Nhưng tổng số nhà cao tầng mới xây ở quốc gia này đã sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, theo CTBUH.

Số nhà chọc trời đã hoàn thành tại Trung Quốc giảm sau nhiều năm tăng. Ảnh: CNN.

Vượt quá nhu cầu thực tế

Dữ liệu thể hiện sự đối lập rõ rệt với năm ngoái, khi Trung Quốc lập kỷ lục mới về số tòa nhà chọc trời được xây dựng trong một năm.

Thay vì đưa ra một lý do cho sự sụt giảm, Tổng biên tập CTBUH Daniel Safarik chỉ ra vô số thay đổi của môi trường kinh tế.

“Trong suốt năm qua, mọi người đã nói về tình trạng xấu trên khắp châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Một vài năm trước, chúng tôi bắt đầu thấy các dự án bị hủy bỏ. Nhiều dự án được khởi động với các khoản vay khổng lồ”, CNN dẫn lời ông Daniel Safarik nhận định.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ của các tòa nhà ở Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, Thiên Tân là thành phố có tòa Tianjin CTF Financ cao 530 m. Đây là tòa nhà chọc trời cao nhất được xây dựng trong năm nay và cao thứ tám trên thế giới.

Tại đây, tỷ lệ văn phòng trống lên đến 44%, theo dữ liệu của Công ty đầu tư bất động sản CBRE. Tuy nhiên, chuyên gia Ada Choi thuộc công ty này tiết lộ các khu vực khác nhau có tỷ lệ trống khác nhau.

Sự sụt giảm này cũng phản ánh quan điểm đã thay đổi về các tòa nhà cao tầng.

Sự sụt giảm số lượng nhà chọc trời ở Trung Quốc do nhiều thay đổi về môi trường kinh tế. Ảnh: SOM.

Các tòa nhà cao tầng phải mất nhiều năm để hoàn thành, sự sụt giảm này có thể là hậu quả muộn từ những nỗ lực phát triển của chính quyền Trung Quốc hồi 6 năm trước.

Năm 2014, lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ mối quan tâm đến quy mô và hình dạng của các tòa nhà tại Trung Quốc, sau đó kêu gọi chấm dứt những cấu trúc “quá khổ, kỳ lạ, lỗi thời”.

“Có thể những người đứng đầu đã chỉ đạo cho ‘sự chậm lại’ này. Nhiều tòa nhà cao tầng ở Trung Quốc được xây dựng bởi các công ty nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát”, ông Safarik khẳng định.

Do vậy, sự giảm tốc trong việc xây dựng các tòa nhà có thể phản ánh sự điều chỉnh cần thiết của thị trường bất động sản Trung Quốc sau nhiều năm tăng trưởng quá nóng.

Các nước đua nhau xây nhà chọc trời

“Trung Quốc đại lục thống trị danh sách các tòa nhà cao nhất thế giới và tất cả được hoàn thành trong vòng 4 năm. Xem xét đến thời gian cần thiết để lên kế hoạch, xây dựng và giới thiệu một tòa nhà cao tầng, tôi không thấy sự sụt giảm trong vài năm tới là có vấn đề. Có nhiều thành phố vừa mới có tòa nhà chọc trời mới”, chuyên gia Ada Choi bình luận.

Năm nay, Trung Quốc vẫn hoàn thành số tòa nhà cao hơn 200 m gấp bốn lần Mỹ.

Các khu đô thị nằm ở phía nam Thâm Quyến không đi theo xu hướng với quốc gia. Thành phố này có 15 tòa nhà cao tầng mới, nhiều hơn các thành phố khác trên thế giới (Dubai và New York chỉ có lần lượt 9 và 8 tòa nhà cao tầng mới).

Chỉ riêng Thâm Quyến đã sở hữu 12% tòa nhà cao trên 200 m được xây dựng trên thế giới vào năm 2019.

Theo báo cáo của CTBUH, có một số dấu hiệu tích cực tại các khu vực khác. Châu Phi có hai tòa nhà cao nhất: tòa nhà chọc trời Leonardo cao 228 m tại Johannesburg (Nam Phi) và Great Mosque of Algiers cao 265 m.

Trung Quốc vẫn thống trị thế giới về số nhà chọc trời. Ảnh: KDF.

Trong khi đó, châu Âu cũng hoàn thành tòa nhà cao nhất năm 2019 - Lakhta Center cao 462 m ở St. Petersburg (Nga). Còn Brazil xây dựng xong tòa Infinity Coast Tower cao 235 m tại Balneário Camboriú.

Bên cạnh đó, trong khi các tòa nhà cao hơn 200 m giảm đi, những tòa nhà “siêu cao” - từ 300m trở lên - gia tăng trong năm nay. Năm nay, 26 tòa nhà “siêu cao” được hoàn thành trên thế giới, từ Kuwait City, Kuala Lumpar đến Busan (Hàn Quốc).

Nhưng xu hướng này cũng có thể phản ánh sự không chắc chắn của các nhà phát triển bất động sản. Xây dựng những tòa nhà cao hơn với nhiều chức năng sẽ giúp phân tán rủi ro, theo Safarik.

“Thật hiếm khi bạn cùng lúc gặp vấn đề với khu dân cư, lĩnh vực khách sạn và văn phòng. Và các tòa nhà này được thi công trong một khoảng thời gian khá dài, đó là một cách để phòng ngừa rủi ro”, ông nói thêm.

Phương Thảo (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.