Hiện Tập đoàn Hoành Sơn đang tiến sâu hơn vào lĩnh vực đầu tư, xây dựng và sản xuất.
Ông Phạm Hoành Sơn.
Từ một hộ cá thể buôn bán thương mại thuần túy, Tập đoàn Hoành Sơn đã mạnh dạn đầu tư phương tiện thiết bị, từng bước tạo lập thị trường và trở thành tập đoàn vận tải, thương mại đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, hiện Tập đoàn Hoành Sơn đang tiến sâu hơn vào lĩnh vực đầu tư, xây dựng và sản xuất. Triết lý gắn kết “thương mại với vận tải” của ông chủ tập đoàn này đã và đang cho thấy hiệu quả.
Lấy vận tải làm nền tảng
Tập đoàn Hoành Sơn hiện là một “thương hiệu” mạnh không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn đang trở thành một tập đoàn kinh tế lớn của khu vực với nhiều dự án lớn trong và ngoài nước. Bí quyết xây dựng lên thương hiệu Hoành Sơn được bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
Hoành Sơn những năm 90 tiền thân chỉ là hộ cá thể buôn bán thương mại thuần túy. Sau hai năm hoạt động, do nhu cầu phục vụ kinh doanh, chúng tôi đã đầu tư mua chiếc xe vận tải đầu tiên. Bằng việc gắn kết giữa thương mại với vận tải, cách lựa chọn đúng đắn, mà chúng tôi đã liên tiếp gặt hái được những thành công. 10 năm sau, vận tải được Hoành Sơn tiếp tục xác định là lĩnh vực kinh doanh trọng điểm song hành cùng buôn bán thương mại. Khi đó, Hoành Sơn đã trở thành một trong những doanh nghiệp vận tải lớn mạnh hàng đầu tỉnh Hà Tĩnh với trên 30 đầu phương tiện vận tải hiện đại các loại.
Thương mại sinh lợi, chúng tôi tiếp tục lấy đó để tái đầu tư, mua sắm phương tiện vận tải, vận tải sinh lợi tái hỗ trợ vốn kinh doanh thương mại. Không xa rời triết lý “Gắn kết thương mại với vận tải”, những năm sau đó, Hoành Sơn tiếp tục mở rộng thị phần thương mại và vận tải ra các tỉnh lân cận. Đến năm 2011, Hoành Sơn đổi tên thành tập đoàn lớn về vận tải và thương mại. Đến nay, chúng tôi có trong tay 1.300 phương tiện vận tải, thiết bị các loại, trị giá hơn 1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản của Tập đoàn. Loại hàng hóa thương mại chủ yếu của tập đoàn là khoáng sản, nông sản, vật liệu xây dựng và phân bón, doanh thu hàng năm ước đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế đa ngành nghề, tập đoàn cũng đang tham gia đầu tư: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Nhà máy sản xuất kali tại Lào; Tham gia xây dựng: Khu tái định cư thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi; Đường trục ngang khu đô thị trung tâm - khu đô thị du lịch Kỳ Ninh; Hệ thống tách nước, phân lũ, phòng chống ngập úng cho các xã vùng phía Nam (huyện Kỳ Anh), Nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Quốc Môn…
Tiên phong đầu tư dự án thủy lợi nghìn tỷ
Lý do nào khiến Hoành Sơn triển khai đầu tư “siêu” dự án thủy lợi cung cấp nước sạch cho dân cư khu vực phía Nam tỉnh Hà Tĩnh và khu công nghiệp Vũng Áng, trong khi chủ lực là kinh doanh thương mại và vận tải?
Thực chất, Hoành Sơn vẫn giữ vững và xác định triết lý gắn thương mại với vận tải, lấy vận tải làm chủ lực để thực hiện quy trình khép kín “sản xuất - vận tải - thương mại” và lấy lợi nhuận mở rộng ngành nghề. Khi Khu kinh tế Vũng Áng được xây dựng, nhu cầu về nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất tăng cao. Vì vậy, Chính phủ đã cho phép UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng Dự án cấp nước có quy mô lớn với công suất thiết kế trên 1 triệu m3/ngày đêm theo diện dự án cấp bách. Chúng tôi đã mạnh dạn làm Chủ đầu tư dự án với số vốn khoảng 4.400 tỷ đồng. Công trình này là công trình thủy lợi đầu tiên Hoành Sơn đầu tư, cũng là công trình thủy lợi đầu tiên tại Việt Nam do một doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, có sự hỗ trợ một phần từ nguồn vốn Nhà nước.
Công trình đập dâng Lạc Tiếntrong dự án cấp nước cho Khu KTVũng Áng trị giá 4.500 tỷ đồng doTập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư.
Tháng 6/2011, Tập đoàn Hoành Sơn chính thức tiếp quản dự án. Tuy là dự án cấp bách nhóm A nhưng do đòi hỏi nguồn vốn quá lớn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lãi suất ngân hàng có lúc lên đến trên 20%, cộng với áp lực tiến độ thi công khiến cho hầu hết các nhà đầu tư đều ái ngại. Tuy nhiên, do có sẵn thế mạnh về phương tiện vận chuyển, thiết bị thi công và tiềm lực tài chính, Hoành Sơn đã mạnh dạn tham gia dự án không chỉ với vai trò chủ đầu tư, bố trí vốn, giải ngân kịp thời cho các nhà thầu khi cần thiết, Hoành Sơn còn trực tiếp tham gia vào dự án với vai trò đơn vị đầu mối cung cấp vật tư thiết yếu, phương tiện vận chuyển cho toàn dự án. Chỉ tính riêng tiền thiết bị Hoành Sơn đầu tư để phục vụ dự án này đã lên đến hơn 300 tỷ đồng.
Đến nay, sau hơn hai năm triển khai, chúng tôi đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng như: Nhà máy nước giai đoạn 1 trên diện tích 1 ha, đảm bảo cấp nước cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất 33 nghìn m3/ngày đêm từ 1/6/2013. Hoàn thành cụm công trình đập dâng Lạc Tiến, kênh dẫn tuy-nen xuyên núi đảm bảo việc cấp nước cho nhà máy thép của tập đoàn Formosa công suất 275 nghìn m3/ngày đêm. Song song với đó, Tập đoàn tiếp tục triển khai thi công Hồ chứa nước Rào Trổ và Bara ngăn mặn, giữ ngọt Kỳ Hà, dự kiến sẽ hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết với tỉnh.
Khi dự án hoàn thành, chúng tôi kỳ vọng mức doanh thu của Hoành Sơn sẽ tăng lên, đạt khoảng 5 nghìn tỷ đồng/năm. Thành công bước đầu của Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng càng chứng minh cho bước đi đúng hướng của chúng tôi trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa vận tải với đầu tư và thương mại.
Kết hợp vận tải với thương mại, lợi nhuận gấp đôi
Không chỉ trong nước, thời gian qua, đích đến của Hoành Sơn là kinh doanh trên nước bạn Lào?
Với phương châm mở rộng đa ngành nghề dựa trên nền tảng vận tải và thương mại, Hoành Sơn đã xây dựng cảng biển tại Vũng Áng, cùng đó làm nhà thầu cho Nhà máy sản xuất kali tại Lào giai đoạn 1 với quy mô nguồn vốn lên đến con số 1 nghìn tỷ đồng. Quy trình của chúng tôi nhắm tới trong tương lai gần là khép kín hoàn toàn vòng tròn vận tải - thương mại - sản xuất.
Nếu như việc xuất nhập kali, trước đây, Hoành Sơn chỉ tham gia với vai trò đầu mối hàng hóa và đơn vị vận tải đơn thuần. Thông thường kali từ Lào nhập về Việt Nam theo đường bộ sau đó xuất khẩu đi các nước trong khu vực qua đường biển. Với chiến lược phát triển khép kín của tập đoàn, giai đoạn 2015-2020, chúng tôi đang hướng đến mục tiêu thoát khỏi vai trò nhà thầu, chuyển thành chủ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, xây dựng cảng, mua phương tiện vận tải thủy để bao tiêu tất cả các khâu. Khi đó, kali sau khi được sản xuất ở nhà máy sẽ được vận chuyển từ Lào về Việt Nam bằng cả phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, sau đó xuất đi các tỉnh trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài bằng đường biển. Ngược lại, chính các phương tiện vận tải biển sẽ vận chuyển, xuất than sang Lào để tái phục vụ sản xuất.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu bạn chỉ làm riêng vận tải hoặc thương mại thì mỗi ngành nghề chỉ đem lại cho bạn lợi nhuận là 1, xong nếu cùng một lúc bạn biết phát huy cả vận tải và thương mại, đan xen, phụ trợ cho nhau thì lợi nhuận sẽ gấp đôi, khi đó không phải 1+1=2 mà sẽ là 2+2=4.
Cảm ơn ông!
Anh Đức - Văn Thanh (Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.