Trong 2,5 năm qua, trang Entrepreneur đã phỏng vấn 65 doanh nhân triệu phú về bí quyết xây dựng các doanh nghiệp thành công. Những câu chuyện mà các doanh nhân này chia sẻ đã hé lộ nhiều bài học đáng kinh ngạc, phá vỡ mọi lối mòn mà chúng ta thường thấy trong kinh doanh.
Tỷ phú Richard Branson: Tôi không bao giờ tin mình lại biết nhiều hơn nhân viên.
Dưới đây là 7 bài học thành công đáng học hỏi nhất mà các biên tập viên của Entrepreneur đã chọn ra:
1. Đừng bao giờ tin rằng bạn biết nhiều hơn nhân viên của mình
Khi nghĩ tới những nhà lãnh đạo đầy quyền lực, nhiều người có thể nghĩ ngay đến những nhân vật kiểu nghiêm túc, quyết đoán và tỏ ra biết tuốt như Donald Trump.
Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Khi Entrepreneur phỏng vấn Richard Branson, ông lại cho thấy một cách tiếp cận theo nghĩa hoàn toàn khác với việc lãnh đạo: “Với tất cả các nhân viên của tôi, tôi lắng nghe họ, tin tưởng họ, tôn trọng họ và để họ có cơ hội được thử! Tôi không bao giờ tin mình lại biết nhiều hơn họ", ông nói. Và đây cũng là một trong những điều quan trọng đã giúp Branson có được vị trí như ngày hôm nay.
2. Không “chơi lớn hoặc về nhà”
Chúng ta thường được nghe rằng trong kinh doanh, bạn phải chơi lớn (chấp nhận đặt cược) nếu không thì về nhà, nhảy vào bằng cả hai chân và phá bỏ đường lùi của mình.
Nhưng một bài học thú vị được rút ra từ cuộc phỏng vấn với bậc thầy marketing và tác giả được nhiều người đọc nhất Seth Godin là việc “chơi lớn hoặc về nhà” không phải là cách hay nhất đối với một doanh nhân vừa khởi nghiệp. Thay vào đó hãy khởi đầu nhỏ và bắt đầu ngay từ bây giờ.
3. Khách hàng không phải lúc nào cũng là "thượng đế"
Tim Ferriss: Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng hoặc giữ quyền chỉ huy.
Nhiều doanh nhân luôn làm theo triết lý khách hàng luôn đúng. Tuy nhiên, theo Tim Ferriss, tác giả có nhiều cuốn sách bán chạy trên tờ Thời báo New York lại cho rằng khách hàng không phải lúc nào cũng đúng hoặc giữ quyền chỉ huy.
Bởi thực tế, Ferriss cho rằng một số khách hàng không xứng đáng với điều đó, và bạn không cần phải cung cấp dịch vụ tốt cho họ. Loại khỏi danh sách phục vụ các khách hàng khó chịu sẽ giúp bạn có thêm thời gian để nuôi dưỡng các mối quan hệ với những khách hàng tốt và kiếm được thêm tiền về lâu dài.
4. Bạn không cần phải thông minh thì mới thành công được
Những người muốn trở thành doanh nhân thường nghĩ rằng họ phải là người thông minh nhất (hoặc có hiểu biết nhất) trong lĩnh vực của họ thì mới kinh doanh thành công được. Cũng chính việc tự nhận bản thân là người kém thông minh đã khiến nhiều người từ bỏ khát vọng biến giấc mơ doanh nhân của họ thành hiện thực.
Tất nhiên, việc đảm bảo công ty của bạn là một trong số những công ty tốt nhất là điều quan trọng, nhưng theo Neil Patel, người sáng lập Kissmetrics, bạn không cần phải là người thông minh nhất thì mới trở thành một doanh nhân thành công mà quan trọng hơn bạn cần tuyển được những người thông minh và biết cách đặt họ vào đúng vị trí.
5. Hãy ích kỷ trong việc giải quyết các vấn đề
Các doanh nhân thành công trong các công ty thường giải quyết cả các vấn đề của những người khác? Có thể, nhưng Danae Ringelmann, người sáng lập nên Indiegogo cho rằng để đảm bảo thành công trong kinh doanh, hãy tập trung giải quyết vấn đề của chính chúng ta.
Ở độ tuổi 20, Ringelmann đã vấp phải một vấn đề và nhận ra rằng nó không chỉ tác động tới cô mà còn tác động tới mọi người trên khắp thế giới. Vậy vấn đề ở đây là gì? Đó chính là việc tiếp cận vốn thiếu hiệu quả.
“Các ý tưởng không được ra đời mỗi ngày, không phải là vì thiếu đam mê hoặc động lực, mà là thiếu sự tiếp cận với đúng người gác cửa, người giữ hầu bao”.
Hãy ích kỷ trong việc giải quyết các vấn đề. Nếu bạn trải qua một thách thức, thì có nhiều khả năng những người khác cũng trải qua nó.
6. Đầu tư vào sân sau của chính bạn
Barbara Corcoran: Theo đuổi những thị trường mới là cách nhanh nhất dẫn tới thất bại.
Để trở thành doanh nhân, bạn hẳn sẽ phải xoay sở nhanh chóng để không vụt mất các cơ hội mới, phải vậy không? Song kinh nghiệm thực tế từ Barbara Corcoran, người sáng lập The Corcoran Group và Barbara Corcoran Inc. lại cho thấy rằng theo đuổi những thị trường mới là cách nhanh nhất dẫn tới thất bại.
“Tôi đã quan sát nhiều người thông minh hơn tôi rất nhiều nhưng lại mất đi số tiền bằng với số tiền tôi kiếm được. Bạn có biết họ đã quên mất điều gì không? Họ quên đầu tư vào sân sau của họ-thứ mà họ đều biết. Họ nghe ngóng được một thị trường mới đang là một hiện tượng và khi cố gắng thâm nhập nó, họ đã mất tất cả”, bà nói.
Do đó, đừng quên đầu tư vào sân sau của bạn, vào những gì là thế mạnh mà bạn hiểu rất rõ.
7. Đừng xem tiền là mục tiêu cuối cùng
Nhiều người bắn đầu kinh doanh vì mục đích kiếm tiền. Nhưng hi vọng đây không phải là lý do duy nhất. Marie Forleo, người sáng lập Marie TV và B-School chia sẻ bí quyết thành công trong kinh doanh của cô như sau: “Tiền bạc không phải là mục tiêu cuối cùng. Những người tôi cho là thành công nhất đều có động lực sâu sa thúc đẩy họ. Đó là mong muốn cháy bỏng được tạo ra sự khác biệt”.
Những doanh nhân không đơn thuần theo đuổi tiền bạc cũng chính là những người chịu nhiều bầm dập nhất nhưng cũng thành công nhất.
Kiều Châu (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.