CafeLand - Nếu bạn không biết học hỏi từ lịch sử, bạn sẽ lặp lại lịch sử. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu doanh nghiệp không tìm hiểu chiến lược và rút ra kinh nghiệm từ những thất bại của những doanh nghiệp khác, rất có thể họ sẽ lặp lại thất bại đó.

Vậy thất bại của những tập đoàn khổng lồ đã dạy cho các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng như các nền kinh tế đang phát triển những bài học gì?

Tạp chí Forbes vừa cho ra mắt bài viết của Mitch Free về 4 bài học từ sự thất bại của các thương hiệu lớn trong giai đoạn gần đây. Mitch Free là chủ tịch kiêm CEO của MFG.com, một nền tảng trực tuyến cho ngành công nghiệp sản xuất. MFG.com có mạng lưới khách hàng tại 50 quốc gia và có trụ sở tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Để phát triển MFG, Mitch đã dành rất nhiều thời gian đến các nước trên thế giới để hiểu được khách hàng cũng như nhân viên của mình. Ông có một tầm nhìn chiến lược về nền kinh tế thế giới, xu hướng thị trường cũng như những cơ hội cho doanh nghiệp hiện nay.

Trong bối cảnh các thương hiệu trên thế giới đang chấp nhận cuộc cạnh tranh trong một nền sản xuất dân chủ hơn, doanh nghiệp cần có chiến lược hoạt động mới để nắm bắt cơ hội cũng như thách thức trên thị trường.

1.Thích nghi với thay đổi thị trường

Một ví dụ điển hình là Blockbuster. Blockbuster Entertainment Inc là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình và video game tại Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2010, khi người dùng tiếp cận thông tin qua các phương thức đa dạng cũng là lúc chuỗi cửa hàng của Blockbuster bước vào cuộc cạnh tranh cam go. Mặc dù sở hữu chuỗi 6.000 cửa hàng và có 87 triệu khách hàng, Blockbuster vẫn không thể cạnh tranh với các đối thủ cho thuê trực tuyến. Trong khi cuộc cách mạng số đã giúp người xem có thể download chương trình và trải nghiệm trò chơi qua internet với tốc độ cao. Blockbuster chỉ tung ra gói dịch vụ cạnh tranh ngắn hạn với chuỗi các kiot bán hàng tự động của đối thủ Redbox.

Vậy nguyên nhân dẫn đến thất bại của Blockbuster là gì: trong khi Blockbuster vẫn tiếp tục kinh doanh theo phương thức truyền thống qua hệ thống kiot bán hàng thì các đối thủ của Blockbuster như Amazon, OnDemand và Netflix lại cho phép người dùng trải nghiệm và lựa chọn dịch vụ với một mức giá phải chăng qua kênh online. Giờ đây, quảng cáo truyền miệng lẫn tùy chọn của người dùng đều hiển thị trên website. Vì vậy, khi mô hình cung cấp dịch vụ của Blockbuster không phù hợp với nhu cầu khách hàng, họ sẽ tìm những thương hiệu khác để được đáp ứng tốt hơn. Hiện nay, Netflix và YouTube đang được gần nửa dân số Bắc Mỹ truy cập mỗi giờ.

2.Bắt kịp với công nghệ mới

Sự sụp đổ của các công ty thu âm và cửa hàng băng đĩa bị quy cho tình trạng download âm nhạc tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, đó là sự thay thế tất yếu theo xu hướng thị trường âm nhạc khi kỷ nguyên số hóa yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp hoặc bị đào thải. Đã xa cái thời người dùng phải trả hao phí cho một sản phẩm âm nhạc được phát hành phải bao gồm chi phí sản xuất và biểu diễn của nghệ sĩ khi cụm từ “tải miễn phí” đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong cộng đồng.

Tuy nhiên, một số nghệ sĩ vẫn kịp nhận ra những thay đổi này và thay vì ngồi nhìn sản phẩm âm nhạc của mình không bán được, họ đề nghị fan của mình một số hỗ trợ nhất định cho việc sản xuất, phát hành và marketing sản phẩm âm nhạc của mình. Amanda Palmer là một ví dụ, bà đã tổ chức một chiến dịch mang tên Kickstarter vào năm 2012, để kêu gọi người nghe nhạc đóng góp 100.000 USD cho việc phát hành album mới của mình. Vượt qua sự mong đợi, Amanda đã thu về 1.2 triệu đô la và được 25.000 người ủng hộ. Thay vì để các công ty đại diện phát hành sản phẩm của mình, bà đã lựa chọn công cụ số, một bước đi mới mẻ tận dụng được sức mạnh trong cộng đồng người tiêu dùng âm nhạc.

Cũng trong năm 2012, chủ các hãng thu âm đã đệ trình lên Chính Phủ Mỹ để hạn chế người dùng Internet chia sẻ file bởi họ không phải trả tiền cho sản phẩm âm nhạc. Điều này cho thấy âm nhạc đang dần trở thành một dịch vụ thay vì là một sản phẩm. Người dùng không muốn bỏ tiền túi để nghe nhạc bởi họ có thể nghe qua nhiều kênh miễn phí và những thiết bị nghe nhạc giá phải chăng đã phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, người nghe nhạc vẫn sẵn sàng đóng góp cho những nghệ sĩ đã tạo ra nó như trường hợp của Amanda Palmer. Họ còn trả tiền cho những ứng dụng nghe nhạc như Pandora One, Spotify và cho những sự kiện có sự tham gia của nghệ sĩ (lives show, reward, newsletter, membership), tất cả đều được giao dịch qua công cụ kỹ thuật số.

Như vậy, để phát triển, doanh nghiệp cần phải thích ứng với sự thay đổi của thị trường và nhạy bén với công nghệ. Thất bại của Blockbuster, cũng như thành công của Amanda Palmer trong thị trường âm nhạc khắc nghiệt là ví dụ rõ ràng cho điều này

3.Tiếp cận nhân sự theo hướng mới

Dự án âm nhạc của Amanda Palmer thành công nhờ vào việc kêu gọi cộng đồng đóng góp, tuy nhiên, ít ai biết rằng để một sản phẩm hay một nền tảng phát triển còn phụ thuộc vào phương thức nó được truyền tải và phát tán. Blackberry và RIM đã mất thị phần vào tay Apple không phải vì sản phẩm của họ không hấp dẫn bằng Apple mà bởi Apple đã tận dụng được một kênh mà Blackberry và RIM không thể ngờ được: Hệ thống các nhà phát triển ứng dụng developer). Theo đó, bất cứ người dùng nào cũng đều có thể thiết kế và upload một ứng dụng lên App Store theo hệ thống tiêu chuẩn nhất định của Apple. Nếu ứng dụng đủ điều kiện, developer sẽ được trả tiền.

Với chiến lược này, người tiêu dùng cũng đồng thời trở thành nhà sản xuất. Apple đã mở rộng mạng lưới developer của mình hơn bao giờ hết và đảm bảo nội dung luôn mới mẻ. Đồng thời qua đó, công ty có thể chia sẻ doanh thu một cách minh bạch và tuyển chọn được những developer chất lượng với một chi phí khá thấp. Blackberry với chính sách phát triển cộng đồng developer nghiêm ngặt tất nhiên không thể bắt kịp xu hướng phát triển này của Apple. Và sau những đổi mới này, iPhone của Apple đã nhận được phản hồi tốt từ cả khách hàng, những nhà cải cách (innovator) và chiếm thị phần lớn trên thị trường.

4.Chấp nhận thách thức

Không khó để thấy được nguyên nhân thất bại của những thương hiệu lớn như Blackberry và Blockbuster là do doanh nghiệp không bắt kịp với xu hướng mới của thị trường. Đã qua rồi thời mà khách hàng phải mua nội dung âm nhạc, sách, phim ảnh trên một phần cứng từ đại lý hay một cửa hàng, và đó là nguyên nhân mô hình kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp được nhận định sẽ dần biến mất.

Phương hướng tiếp cận thị trường:

Mô hình kinh doanh truyền thống trong tương lai có thể sẽ không còn tồn tại. Ngày nay, chỉ với một thiết bị đơn giản và có giá thành phải chăng như máy quét laser có thể chụp ảnh khá nhanh và chính xác. Có thể thấy rằng người dùng giờ đây quan niệm sản phẩm nào càng dễ tiếp cận thì nó càng trở nên phổ biến hơn.

Từ bài học thất bại của các công ty trong kỷ nguyên số vừa qua có thể thấy rằng tư tưởng quản lí và cách thức cung cấp sản phẩm đến khách hàng theo kiểu truyền thống sẽ dần thay đổi và các công ty cần có chiến lược phát triển mới không chỉ để đối phó tạm thời với những biến động của thị trường mà để phát triển mạnh mẽ hơn như những gì mà Apple, Jawbone hay Tesla đã làm.

Đỗ Hương (Forbes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.