Tháng 7/2017, startup Henry Chui – CEO Zapzapmath giành chiến thắng tại RISE 2017 Hong Kong. Với chiến thắng đó, Henry Chui chia sẻ những câu chuyện hậu trường, kinh nghiệm thuyết trình thành công.
RISE được phát triển bởi đội ngũ của Web Summit. Trong 6 năm, Web Summit trở thành hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu, thu hút 53.000 người tham dự từ 136 quốc gia trên thế giới.
RISE thu hút những doanh nhân đến từ các công ty lớn nhất thế giới cùng những startup đến chia sẻ câu chuyện kinh doanh, những kinh nghiệm của mình.
Dưới đây là những chia sẻ của Henry Chui, được đăng tải trên Tech in Asia:
1. Công thức để thành công
Công thức gồm: 30% kinh nghiệm thuyết trình trên sân khấu + 20% nội dung được xây dựng khéo léo + 30% thực hành + 30% may mắn (và tổng cộng là 110%). Đối với những cuộc thi thuyết trình nhiều đối thủ mạnh và có sự tham gia nhiều của giới truyền thông, tôi nghĩ bạn cần nhiều hơn 30% sự may mắn vì tính cạnh tranh quá cao.
2. Tìm thật nhiều cơ hội để thuyết trình
Hãy thuyết trình bất cứ khi nào có cơ hội, việc này giúp bạn củng cố phong cách của mình. Bạn cần nhiều trải nghiệm trước khi thực sự trình bày trước đám đông. Sự luyện tập giúp bạn hiểu rõ bạn muốn truyền đạt điều gì, hướng tới mục tiêu gì trước khi đứng trước biển người, ánh sáng sân khấu, máy quay… đang bắt lấy từng thông điệp và cử chỉ của bạn.
Tôi đã có vô số cơ hội trình bày trước nhiều người ở nhiều hoàn cảnh khác nhau và tôi hiểu rằng, nếu tôi không làm khán giả cảm thấy thú vị, họ sẽ không chú ý đến những gì tôi nói nữa. Mức độ tham gia của khán giả là chìa khóa rất quan trọng tạo nên sự tự tin của người trình bày.
3. Phát triển một hình mẫu lý tưởng
Bạn nên trông như thế nào trên sân khấu? Câu trả lời là bạn nên xây dựng một hình tượng làm bật lên tính cách, mục đích của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn không nhất thiết phải vận một bộ suit lên sân khấu trong khi bạn muốn khán giả nhớ đến mình như một startup công nghệ khỏe khoắn, trẻ trung và sẵn sàng lao vào những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm.
Để phù hợp với tính cách của một doanh nhân trẻ đang gọi vốn, chấp nhận những cuộc chiến cam go trên thương trường, bạn có thể bước lên sân khấu với chiếc áo thun có logo công ty, mang một chiếc vòng đeo thông minh thay cho chiếc đồng hồ đắt tiền, chiếc quần jean để thể hiện sự trẻ trung và ống tay áo cuộn cao thể hiện mức độ sẵn sàng lao vào cuộc chiến.
4. Nội dung trình bày phải hấp dẫn thay vì kế hoạch kinh doanh chi tiết
Khi xây dựng nội dung thuyết trình, tôi phải chắc chắn rằng nó đủ khoảng trống cho khán giả tưởng tượng. Tôi không có ý định giải thích mọi thứ quá chi tiết để chứng minh startup của tôi sẽ là kỳ lân tương lai.
Tôi chỉ thiết kế một nội dung đủ vừa vặn để các khán giả hiểu rằng tôi nắm giữ những điều đặc biệt có thể làm nên một điều gì đó thật phi thường. Hãy học cách chia sẻ vừa đủ.
5. Luôn chắc chắn rằng phần trình bày của bạn hấp dẫn
Hãy sử dụng nền màu trắng, kích cỡ chữ là 18 trở lên, càng ít chữ càng tốt trong khi hình ảnh và video nhiều nhất có thể.
Quy tắc chung: Đừng để bất cứ nội dung nào vào file trình bày của bạn nếu bạn không nói về nó. Phải thật thận trọng khi cần chia sẻ lượng thông tin dồi dào, bởi bạn dễ rơi vào chiếc bẫy “càng nhiều càng tốt”.
6. Nhấn mạnh các vấn đề mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết
Hãy bắt đầu bài thuyết trình bằng cách “làm đậm” các vấn đề đang tồn tại. Từ đó, bạn cho khán giả hiểu là sản phẩm của bạn mang đến giải pháp cho vấn đề đó.
Bằng cách nêu ra vấn đề trước tiên, khán giả sẽ hiểu được mọi thứ bạn đang trình bày nhằm giải quyết vấn đề đó. Khán giả càng hiểu vấn đề nghiêm trọng như thế nào họ sẽ càng “thấm” giá trị sản phẩm mà bạn đang xây dựng.
7. Video giới thiệu sản phẩm dài tối đa 30 giây
Video chỉ được dài 30 giây nếu không bạn sẽ không đủ thời gian để nói chuyện với khán giả. Đừng sử dụng video trong chiến dịch marketing của bạn vì điều đó không chuyên nghiệp. Khán giả sẽ không hài lòng vì họ nghĩ bạn đang cố tiếp thị sản phẩm.
Trong video này, bạn trình bày các tính năng và cách sử dụng sản phẩm. Mọi người sẽ ấn tượng với trải nghiệm thực tế thay vì chỉ là những nhân tố trong chiến lược tiếp thị của bạn.
8. Sự khác biệt của sản phẩm là phần quan trọng nhất
99% startup không mang đến thị trường điều gì thực sự mới mẻ. Chúng ta chỉ đang làm mọi thứ tốt hơn hoặc tạo thêm nhiều sự cạnh tranh trên thị trường. Điều này hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, sản phẩm cần có ít nhất 3 sự khác biệt.
Nếu bạn không nói về sự khác biệt của sản phẩm, các giám khảo sẽ dành 9/10 câu hỏi trong phần Hỏi – Đáp để làm rõ điều đó. Bạn đừng nói rằng bạn sẽ làm tốt hơn bởi vì điều đó không đủ thuyết phục. Cũng đừng nói bạn có công nghệ tốt nhất, bạn không phải là người sở hữu điều đó. Và bạn cũng đừng nói thị trường chưa có sản phẩm tương tự chỉ bởi vì bạn không tìm thấy chúng trên Google.
Hãy tìm hiểu thật kỹ sản phẩm của chính mình, thực tế thị trường lẫn những điểm mạnh và điểm yếu của bạn.
9. Giải thích quy mô thị trường tại từng phân khúc trong từng giai đoạn cụ thể
Đừng nói bạn tạo ra máy lọc không khí cho toàn thể nhân loại bởi đó không phải nhu cầu của tất cả mọi người, ít nhất là trong cùng một thời điểm.
Vì thế, dung lượng thị trường của bạn không phải là 7,6 tỷ người. Là một startup, bạn cần thu hẹp thị trường và có phân khúc cụ thể. Bạn cần thống thị một thị trường nhỏ trước khi bước đến tham vọng xa hơn.
10. Cần 1 tuần để luyện tập thuyết trình
Thực hành giúp bạn ghi nhớ kỹ lưỡng nội dung bài trình bày. Bạn cần hoàn toàn kiểm soát bài thuyết trình của mình, thuần thục hơn cả bài hát yêu thích mà bạn vẫn thường ngân nga.
Nhờ thực tập, bạn làm chủ được tư thế, động tác, ngữ điệu, ánh mắt, từng bước chân trên sân khấu. Vì không bị phân tâm bởi những yếu tố phụ, bạn hoàn toàn tập trung cho bài trình bày.
Tôi đã thực hành ít nhất 100 lần, với một bộ điều khiển file thuyết trình ở tay trái và một đồng hồ đếm giờ ở tay phải. Và nếu bạn có ý định pha trò trong bài trình bày, hãy pha trò 100 lần trước khi bước lên sân khấu.
11. “Sống sót” qua phần Q&A
Phần Hỏi – Đáp trong một buổi thuyết trình là cam go nhất, buộc bạn phải trả lời câu hỏi một cách ngắn gọn và chính xác.
Chỉ trả lời đúng trọng tâm câu hỏi thay vì cố cung cấp thật nhiều thông tin, bạn sẽ gặp rắc rối vì điều đó. Một kinh nghiệm là bạn phải nghe thật kỹ câu hỏi, bởi chỉ cần giám khảo nói rằng bạn đã hiểu sai ý họ, bạn mất mọi ưu điểm đã xây dựng trước đó.
12. Quên đối thủ của bạn đi, hãy tập trung vào chính mình
Rõ ràng, may mắn là yếu tố quan trọng có thể thay đổi mọi thứ. Đôi khi, bạn đã có một phần trình bày tuyệt vời nhưng luôn có ai đó còn tuyệt vời hơn.
Đừng thay đổi kế hoạch vì bạn thấy đối thủ của mình có phần trình bày thật ấn tượng. Điều bạn cần làm là thực hiện phần trình bày của mình tốt nhất.
13. Tư duy của người chiến thắng
Cuối cùng, chơi để chiến thắng. Tham vọng chiến thắng của bạn phải đủ lớn để bạn tập trung nỗ lực, năng lượng và tâm trí cho mục đích này. Bạn cần phải có những điều đó nhiều hơn người khác – những đối thủ của bạn.
Đừng mong chạm đích cuộc đua chỉ với những đầu tư bình thường. Bạn cần đủ trăn trở, quyết tâm, thời gian, sự diễn tập trước cuộc thi. Bạn không nên kê cao gối ngủ trong những ngày trước buổi thuyết trình. Và tất nhiên, sau mọi nỗ lực, bạn đừng quên thưởng thức và trải nghiệm cuộc chơi này.
Tăng Khánh (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • 13 kinh nghiệm để startup thuyết trình thành công

    13 kinh nghiệm để startup thuyết trình thành công

    06/12/2017 4:17 PM

    Tháng 7/2017, startup Henry Chui – CEO Zapzapmath giành chiến thắng tại RISE 2017 Hong Kong. Với chiến thắng đó, Henry Chui chia sẻ những câu chuyện hậu trường, kinh nghiệm thuyết trình thành công.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.