"Trên chỉ áp xuống dự án vào chỗ này, khu công nghiệp sẽ lấy chỗ kia, doanh nghiệp muốn chỗ nọ... còn chuyển dân đi đâu, giải quyết hệ luỵ thì địa phương tự lo".

"Như manh áo rách"

Phó chủ tịch xã Mông Hoá, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình, ông Bùi Đức Lợi ví von xã của ông như vậy vì "gần như đất trên toàn xã đã được kiểm đếm, đánh dấu, xí phần... chẳng còn chỗ nào trống".

Tiếp lời ông, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thành Long cho biết, từ khi có thông tin về đường cao tốc Láng - Hoà Lạc được triển khai, đã có 23 doanh nghiệp vào khảo sát đo đạc trên đất của xã. Trong đó có hai công ty đã có quyết định thu hồi đất - bàn giao mặt bằng từ năm 2008, nhưng chưa giải quyết xong đền bù cho dân, nhưng đất đã được thu hồi và để hoang hoá.

Vấn đề khiến người dân và lãnh đạo đau đầu nhất hiện nay là khu nghĩa trang xã nằm trong vành đai đường cao tốc, hiện đã được cắm mốc di dời và không chôn cất thêm. Vấn đề ở chỗ, vẫn chưa có nơi nào được quy hoạch là nghĩa trang mới, trong khi người chết không chờ đợi quy hoạch.

"Mỗi lần có người nằm xuống, người dân gọi điện, chúng tôi lại căng thẳng, không biết xử lý thế nào. Có lúc dân bức xúc quá, họ nói: nếu không có chỗ an táng, chúng tôi mang (xác) đến để ở trụ sở xã để", PCT Lợi than thở.

Phó Chủ tịch xã Phúc Tiến, Nguyễn Văn Dũng, cho biết địa phương đã cố gắng đưa thông tin về dự án tới người dân, nhưng nhiều thắc mắc thiết thực của người dân, cán bộ xã không thể trả lời được, vì chính họ cũng "không biết chủ trương thế nào", như chuyện tái định cư, giá đền bù, hỗ trợ gạo, nhà đầu tư "nhảy dù"...

Phó chủ tịch xã Phúc Tiến, Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Hoàng Hường

Vấn đề lớn nhất ở cả hai xã là 'khách đột ngột', những đoàn đo đạc kiểm đếm đến rồi đi, vấn đề dân vận để lại cho cán bộ địa phương. Có nhà đầu tư đến, hứa hẹn, lấy đất... rồi một đi không trở lại. Công ty Thành Thắng được UBND tỉnh Hoà Bình cấp Quyết định giao đất từ năm 2003 đến nay vẫn chưa đầu tư, chưa đền bù, địa phương phải đề nghị lên Tỉnh thu hồi Quyết định cấp phép của doanh nghiệp này, trả lại đất cho dân canh tác.

"Nhiều doanh nghiệp vào đưa cho chúng tôi xem giấy phép hoặc quyết định thu hồi đất từ Tỉnh hoặc Sở Tài nguyên - Môi trường hay Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp rồi nghiễm nhiên vào đo đạc đất dân đang sử dụng. Địa phương luôn sẵn lòng tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào tiếp xúc với dân. Nhưng hầu hết các chủ dự án đều không làm việc đó, để mặc cho địa phương phải đứng ra làm việc, giải quyết bức xúc của dân. Chúng tôi không biết giải quyết thế nào?", CT MTTQ Long than thở.

Dưới kêu lên, trên ép xuống

"Chúng ta đang làm một quy trình ngược: lẽ ra trong mọi quy hoạch dự án, phải làm xong vấn đề tái định cư trước, để dân yên ổn xong rồi mới triển khai dự án. Đằng này dự án khởi công rồi, máy xúc đã đến đầu làng mà dân vẫn chưa biết đi đâu. Thế mới nảy sinh bao hệ luỵ", ông Đinh Đăng Điện, Chủ tịch UBND hyện Kỳ Sơn, Hoà Bình nói.

"Chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cứ mạnh ai nhận chỗ nào thì nhận. Ngay quy hoạch cụ thể của Tỉnh thế nào chúng tôi cũng không biết. Trên chỉ áp xuống dự án vào chỗ này, khu công nghiệp sẽ lấy chỗ kia, doanh nghiệp muốn chỗ nọ... còn chuyển dân đi đâu, giải quyết hệ luỵ thì địa phương tự lo"

Chủ tịch huyện Kỳ Sơn khẳng định: "Giờ thì cứ ai mạnh thấy nơi nào đẹp là nhảy vào tranh phần, chẳng có quy hoạch. Cứ theo như tỉnh Hòa Bình giao thì hiện nay toàn bộ hành lang tuyến đường Láng - Hòa Lạc không còn mảnh đất nào còn trống trên giấy tờ"

Nơi tái định cư 'tốt hơn, đẹp hơn, thuận tiện hơn' như tiêu chí các nhà đầu tư hứa hẹn dường như chỉ tồn tại trên lý thuyết.

Các lãnh đạo xã dùng từ "như manh áo rách" để chỉ các quy hoạch sử dụng đất đai ở địa phương mình. Ảnh: Hoàng Hường

Vấn đề người dân lo lắng nhất: khu đất tái định cư có được rộng rãi thuận tiện như chỗ cũ không, được ông Chủ tịch huyện khẳng định: chắc chắn không, vì quỹ đất có hạn, tìm nơi định cư mới bằng vài trăm mét, nghìn mét cho mỗi hộ dân là đánh đố chính quyền, phải giới hạn mỗi suất đất tái định cư, phần còn lại được trả bằng tiền bởi quỹ đất có hạn.

PCT xã Nguyễn Văn Dũng than thở: đưa dân tái định cư không chỉ phức tạp ở quỹ đất, mà kéo theo bao vấn đề liên quan đến đời sống văn hoá, tâm linh, tập quán, sinh kế... trong khi "ở cấp xã trực tiếp nghe dân kêu mà không giải quyết được". Ông Dũng cho rằng "người dân lo lắng là có cơ sở" vì phải di dời nghĩa là người dân phải gần như làm lại từ đầu "thiệt thòi nhiều thứ"

Ông Dũng đưa ví dụ của chính ông: gia đình ông có đất bị thu hồi. Gần 1000 cây dổi trồng trên phần đất đó đang đến độ thu hoạch. Tính trung bình một kg quả dổi = 1.000.000 VND x 5kg/cây. Khi đất bị thu hồi, mỗi cây dổi của nhà ông được đền bù 100.000VND/cây. "Trước khi bị thu hồi tôi cũng có hỏi mấy anh ở Huyện, các anh nói cũng chưa biết cụ thể giá đền bù. Tôi cứ hy vọng ít nhất cũng được 1.000.000VND/cây. Đến khi được bù thế cũng đành cười buồn chứ biết sao. Tôi làm ở xã cũng chỉ biết vậy, thì giải thích cho dân thế nào"

"Dưới dân kêu lên, trên áp xuống, chúng tôi ở giữa rất không biết làm sao", ông Dũng chia sẻ.

"Đây là một bài toán quá lớn cho địa phương. Khi tiếp xúc cử tri, người dân hỏi chúng tôi không biết trả lời sao. Chuyện tưởng vô lý nhưng rất thực tế. Khi cả xã trở thành 'công nghiệp hóa, hiện đại hóa', nhưng nguy cơ dân tái nghèo lại hiển hiện rất rõ", PCT Bùi Hữu Lợi tiếp lời.

(Còn tiếp)

Theo Hoàng Hường (Tuần Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.