30/10/2018 9:52 AM
Những ngày này, cư dân tại chung cư Khang Gia, quận Tân Phú đang hết sức nóng lòng chờ quyết định của UBND TP.HCM và Sở Xây dựng về những tranh chấp xung quanh chuyện 2% phí bảo trì mà chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia đang tạm giữ.
Theo phản ánh của cư dân, sau khi thành lập ban quản trị chung cư từ đầu tháng 6/2018 đến nay, ban quản trị đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư hoàn trả lại phí bảo trì cho cư dân nhưng vẫn chưa có kết quả. Ghi nhận thực tế của Cafeland TV tại chung cư Khang Gia vào cuối tháng 10, hệ thống thang máy tại đây đang xuống cấp nghiêm trọng. Chưa kể, tầng 1 và tầng 2 đã bị chủ đầu tư xây dựng trái phép và không được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy khiến cư dân phải sống trong lo sợ.
Theo diễn biến mới nhất của vụ tranh chấp này, chủ đầu tư của Khang Gia đã gởi văn bản đề nghị xin thanh toán phí bảo trì chung cư theo hình thức trả góp 300 triệu đồng/tháng thay vì trả tổng cộng 5,8 tỷ đồng theo quy định của Luật nhà ở. Nguyên nhân được đưa ra là thời gian qua công ty gặp phải khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính, nên không đủ khả năng để thanh toán đúng hạn.
Vì vậy, việc thanh toán bắt đầu từ cuối tháng 11/2018 đến khi thanh toán hết số tiền nêu trên. Tuy nhiên, toàn bộ cư dân tại đây không đồng tình với đề nghị này. Thậm chí còn phản ánh chủ đầu tư đang có dấu hiệu lừa đảo vì đã thay đổi địa điểm đăng ký kinh doanh mà không thông báo với cư dân.
Tại chung cư Tín Phong hay còn có tên gọi khác là Chung cư 12 views do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xây dựng Tín Phong làm chủ đầu tư, tọa lạc tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Chung cư này đã được bàn giao hơn 2 năm nhưng đến nay cư dân vẫn chưa nhận được sổ đỏ và phí bảo trì chung cư. Đáng chú ý, chủ đầu tư là Công ty Tín Phong vẫn chưa bàn giao dự án chung cư, các hạng mục sở hữu chung cho Ban quản trị quản lý, do đó Ban quản trị không thể mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho tầng hầm chung cư.
Tại điều 108 Luật Nhà ở 2014, phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ do người mua đóng, số tiền này sẽ dùng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, không được sử dụng cho việc quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác. Theo đó, trong vòng 7 ngày, kể từ ngày ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định; nếu không bàn giao sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế. Thế nhưng, Sở Xây dựng TP.HCM lại cho biết, từ trước đến nay chưa có trường hợp chủ đầu tư nào bị cưỡng chế bàn giao phí bảo trì cho chung cư, do điều 37 NĐ 99 do nhiều vướng mắc.
Luật Nhà ở 2014 cũng quy định, trong trường họp các chủ đầu tư cố tình không hoàn trả, chuyển giao phí bảo trì cho ban quản trị sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đến 150 triệu đồng. Theo nhiều chuyên gia, mức phạt tối đa 150 triệu không cân xứng với kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư thu về.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến câu chuyện tranh chấp phí bảo trì vẫn tồn tại một thời gian dài vừa qua. Bên cạnh đó, theo hợp đồng mua bán hiện nay, bên mua phải chuyển cả tiền phí bảo trì cho chủ đầu tư khi mua nhà. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều rủi ro cho người mua bởi không có cơ chế nào giám sát chủ đầu tư sử dụng tiền phí bảo trì ra sao.
Để hạn chế những tranh chấp chấp không đáng có vì phí bảo trì, các chuyên gia cho rằng, cần nâng mức xử phạt hiện tại, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với chủ đầu tư. Đồng thời, trong hợp đồng mua bán phải quy định hai tài khoản gồm: tài khoản thanh toán tiền mua nhà cho chủ đầu tư và tài khoản phí bảo trì để chủ đầu tư không được sử dụng đến./.
CAFELAND TV