13/10/2018 8:23 AM
Kiến trúc Chính quyền điện tử được xây dựng cho các sở, ban ngành, quận huyện tại TP.HCM tham chiếu và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ. Theo đó, bộ khung kiến trúc có hơn 1.000 trang hướng dẫn các cơ quan và người dân cách thức tham gia, vận hành chính quyền điện tử một cách hiệu quả nhất. Và chính quyền điện tử TP.HCM được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI),…
Nhận định tầm quan trọng của chính quyền điện tử, những năm gần đây TP.HCM đã xây dựng trên cơ sở triển khai hệ thông “một cửa điện tử” và “một cửa liên thông” với nhiều dịch vụ công trực tuyến. Hiện quận 1 và quận 12 đang là hai quận điển hình trong việc xây dựng chính quyền thông minh.
Sau thời gian triển khai, TP.HCM đã liên thông hơn 3 triệu văn bản điện tử giữa 750 cơ quan; cấp 21.600 thư điện tử cho các đơn vị và cán bộ, công chức; áp dụng hơn 40 phần mềm quản lý, cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân về quản lý đô thị, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký sử dụng lao động, quản lý hồ sơ chứng thực, đất đai, quản lý khiếu nại - tố cáo…
TP.HCM đặt mục tiêu từ đây đên năm 2025, ngoài việc tiến đến xây dựng chính quyền điện tử thông minh trên cơ sở công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, thì chính quyền TP còn tận dụng phát triển trên điện thoại di động và các kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân, doanh nghiệp. Và sau năm 2025, toàn bộ TP.HCM sẽ áp dụng chính quyền điện tử cá nhân hóa, cụ thể là các dịch vụ công sẽ được thực hiện tự động chỉ tương tác giữa máy và máy./.
CAFELAND TV