Bất bình trước việc một số người tự tiện hạ thấp độ cao mặt ruộng, đào lớp đất thịt trên cánh đồng hai lúa phì nhiêu để bán cho các chủ lò gạch nhưng không bị xử lý, người dân thôn Cam Đà, xã Cam Thượng (Ba Vì) đã gọi điện đến Đường dây nóng Báo Hànộimới, đề nghị được xem xét, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương...

Người dân tự ý đào ruộng bán đất (ảnh chụp tại cánh đồng Hế, lúc 10h30 ngày 3-12-2010).

Chúng tôi đến trụ sở UBND xã Cam Thượng tìm hiểu những vấn đề người dân phản ánh, nhưng không gặp được một lãnh đạo xã nào. Liên hệ với cán bộ địa chính qua điện thoại, chúng tôi nhận được câu trả lời rất rõ ràng: "Các trường hợp tự ý hạ thấp độ cao mặt ruộng đều bị xử lý. Không có ai tùy tiện đào đất để bán". Tuy nhiên, khi được người dân địa phương dẫn ra thực địa, một thực tế khác lại đang phơi bày: trên các cánh đồng Hế, Ngả Ba, Đồng Nhét, Thim, Làng Giai… nhiều ô ruộng đã bị hạ thấp, mặt bằng chung của cánh đồng bị lồi lõm, độ cao, thấp không đều. Tại cánh đồng Hế vẫn thấp thoáng những đám người đang đào đất hất lên xe công nông; trên một số con đường vẫn thấy xe tải, xe công nông chở đất hướng về phía các lò gạch. Phần lớn cánh đồng ở các thôn Cam Đà, Cam Cao… vẫn còn vẹn nguyên dấu vết của những thửa ruộng bị hạ thấp độ cao, vì thế bên những ô ruộng đỗ tương xanh mơn mởn, lỗ chỗ nhiều ô ruộng để trống. Những con đường dẫn ra cánh đồng đều bị xe công nông, xe ô tô cày nát, sứt mẻ...

Nói về thực trạng này, một người dân (xin được giấu tên) cho hay: Trên địa bàn toàn xã hiện có 15 lò gạch thủ công và 1 nhà máy gạch tuynel đang hoạt động. Nhiều năm qua, các lò gạch đã gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương như tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường, mùa màng bị ảnh hưởng, mặt bằng canh tác bị phá vỡ… Do nằm ngay trên cánh đồng màu mỡ, không có vùng nguyên liệu sản xuất nên nhiều thửa ruộng đã trở thành "mồi" cho các lò gạch. Việc đào đất diễn ra đã nhiều năm, chính quyền cũng có xử lý nhưng chỉ là để "che mắt" người dân chứ không làm triệt để. Về vấn đề trên, ông Phùng Quang Hiệp, Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ba Vì cho biết: Các lò gạch thủ công nói trên là do UBND xã Cam Thượng ký hợp đồng giao khoán đã hàng chục năm, đến nay tất cả đều đã hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng gạch thủ công của người dân trên địa bàn rất lớn nên các lò vẫn tồn tại. Việc tự ý hạ thấp độ cao mặt ruộng là vi phạm các quy định về quản lý đất đai và trách nhiệm, thẩm quyền xử lý thuộc chính quyền sở tại. Trong một số văn bản, UBND huyện cũng thừa nhận "hoạt động khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp, nguyên liệu sản xuất gạch ngói vẫn còn tiếp diễn ở một số địa phương" và có văn bản yêu cầu các xã rà soát, kiểm tra, báo cáo UBND huyện trước ngày 10-12-2010.

Được biết, UBND huyện Ba Vì đã từng có các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động khai thác đất nói trên và thực tế các lò đã hết hạn hợp đồng từ lâu, việc sản xuất gạch gây nhiều tác hại và bức xúc cho người dân… Thế nhưng tại sao hoạt động khai thác đất trái phép vẫn tiếp diễn và các lò gạch thủ công vẫn hoạt động bình thường là việc UBND huyện Ba Vì cần kiểm tra để làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước của chính quyền xã Cam Thượng.
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland