"Một sai lầm thường gặp dẫn đến thua lỗ của các định chế tài chính thường là đổ xô tới các thị trường mới nổi khi bùng nổ, rồi tháo chạy khi chớm gặp khó khăn.

Phó chủ tịch Credit Suisse tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Jose Isidro N. Camacho, đã đưa ra một nhận xét khá lý thú tại Hội nghị Gateway to Vietnam năm 2010 vừa kết thúc:

"Một sai lầm thường gặp dẫn đến thua lỗ của các định chế tài chính thường là đổ xô tới các thị trường mới nổi khi bùng nổ, rồi tháo chạy khi chớm gặp khó khăn. Đối với một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi như Việt Nam, điều quan trọng là các NĐT cần có cái nhìn dài hạn".

Ông Camacho cho biết, với vai trò của một định chế tài chính lớn, Credit Suisse luôn ủng hộ và cổ vũ quan điểm đầu tư dài hạn tại Việt Nam, luôn tin tưởng vào các cơ hội tiềm ẩn sau câu chuyện tăng trưởng.



Vốn ngoại: Sao phải quá bi quan?

Theo thống kê của CTCK Mê Kông, so với với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, khối lượng mua ròng của NĐT nước ngoài tại TTCK Việt Nam (đến tháng 10) chỉ nhỉnh hơn Pakistan.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ trọng "hấp thụ vốn" - giá trị mua ròng của NĐT nước ngoài/giá trị vốn hóa toàn thị trường thì TTCK Việt Nam đang dẫn đầu, vượt xa cả các TTCK tầm cỡ như Nhật Bản và Ấn Độ.

Điều này cho thấy, về con số tuyệt đối, chúng ta thu hút vốn ít hơn xuất phát từ quy mô TTCK Việt Nam. Nhưng thực tế, TTCK Việt Nam đã âm thầm "hấp thụ" dòng vốn ngoại khá lớn, dù trước mắt, các vấn đề lạm phát, thâm hụt thương mại… vẫn gây quan ngại.

Việc thời gian qua thị trường chỉ quan tâm đến con số tuyệt đối và bi quan về vấn đề "nước chưa chảy chỗ trũng" dường như hơi thừa.

Giải pháp: Tình thế và căn cơ

Giám đốc phân tích của CTCK Bản Việt, ông Marc Djandji đưa ra một nhận xét khá tinh tế với ĐTCK trong cuộc trao đổi mới đây.

Đó là trong năm 2010, sau mỗi đợt Ngân hàng Nhà nước (NHNH) hạ giá VND thì NĐT nước ngoài lại bắt đầu mua ròng khá mạnh - đó là chuỗi mua ròng của NĐT nước ngoài sau 2 lần phá giá tiền đồng vào trung tuần tháng 2 và 8/2010.

Theo ông Marc, diễn biến này ngụ ý, NĐT nước ngoài cho rằng khó có khả năng hai lần phá giá gần nhau, nên sau mỗi động thái trên, họ lại đẩy mạnh giao dịch. Ông Marc Djandji cho rằng, chính sách kinh tế, trong đó có vấn đề tỷ giá chưa rõ ràng, có thể được khối NĐT nước ngoài nhìn nhận như một rủi ro tại TTCK Việt Nam trong ngắn hạn.

Về việc tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do khá căng thẳng trong thời gian qua, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Thomas W.Tobin cho rằng, thách thức lớn nhất với Chính phủ hiện nay không phải đến từ thâm hụt thương mại quốc tế mà vấn đề người dân vẫn giữ thói quen dự trữ vàng và ngoại tệ.

"Một khi 88 triệu dân Việt Nam tin vào khả năng mất giá của tiền đồng thì rất khó để chính sách của Chính phủ đạt được như kỳ vọng", ông Tobin phát biểu.

Đồng quan điểm này, Trưởng bộ phận phân tích của CTCK Mê Kông, ông David Charles Kadarauch cho rằng, để duy trì tỷ giá ổn định, bên cạnh các giải pháp dài hạn, một việc Chính phủ nên sớm làm ngay là minh bạch hóa các thông tin liên quan để tạo niềm tin nơi thị trường.

Ông David cũng phủ nhận quan điểm cho rằng, vốn ngoại và "tiền nóng" quốc tế chảy dè dặt vào Việt Nam do tỷ giá và khả năng "vào dễ, ra khó".

"Tôi tin phần lớn NĐT nước ngoài tới Việt Nam đều là NĐT dài hạn và bị hấp dẫn bởi tiềm năng tăng trưởng. Bản thân khách hàng tổ chức của Mê Kông đang rất quan tâm đến Việt Nam", ông David cho biết.

Thông thường, TTCK thường đi trước các yếu tố cơ bản của nền kinh tế từ 3 - 6 tháng, nhưng các diễn biến của thị trường hiện tại theo rất sát các yếu tố vĩ mô. Điều này cho thấy, các NĐT trong nước đang quá căng thẳng.

Bên cạnh các yếu tố nội tại của thị trường như nguồn cung quá lớn, NĐT trong nước dường như càng trở nên thận trọng khi các nhân tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá… biến động khó lường.

"Nhìn" từ bên ngoài, ông Camacho không phủ nhận các khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng đây là sự "điều chỉnh" bình thường sau một giai đoạn phát triển nhanh như nhiều quốc gia khác.

Phó chủ tịch Credit Suisse cho rằng, để mường tượng về triển vọng của Việt Nam trong 10 - 15 năm tới, nên nhớ tới thay đổi đáng kinh ngạc của Việt Nam trong 20 năm qua.

Trong buổi hội thảo mới đây tại CTCK Vina Securities, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ Vina Capital nêu câu hỏi, tại sao vốn ngoại vẫn chảy mạnh vào thị trường các nước láng giềng, dù chỉ số P/E trung bình đang cao hơn TTCK Việt Nam từ 1,3 - 1,8 lần?

Theo ông Andy Ho, một trong các nhân tố quan trọng là thế giới bên ngoài chưa đủ hiểu Việt Nam.

CEO của Vina Capital dẫn chứng, khi các bất ổn chính trị tại Thái Lan leo thang, gây quan ngại sâu sắc với NĐT quốc tế, ngay lập tức Chính phủ nước này đã đưa ra các tuyên bố trấn an NĐT và thực hiện nhiều phóng sự quay cảnh thủ đô Bangkok yên ả, thanh bình phát trên nhiều kênh truyền hình quốc tế.

Ông Andy Ho cho rằng, Việt Nam nên học tập để tự giới thiệu mình với thế giới. Với các vấn đề ngắn hạn, quan trọng là NĐT nước ngoài cần hiểu rõ sắp tới Chính phủ sẽ làm gì, đưa ra các giải pháp nào để kiệm soát tình hình.

Theo ông Andy Ho, tình hình sẽ sớm cải thiện khi sắp tới Việt Nam "roadshow" chuẩn bị cho đợt chào bán trái phiếu quốc tế. CEO của Vina Capital dự báo, vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào Việt Nam từ 6 - 18 tháng tới.

Cafeland.vn - Theo Giang Thanh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland