Đầu tháng 12.2010, vì muốn đổi kiểu trang sức, bà Thu Tuyết mang chiếc lắc nặng 4,57 chỉ vàng đến nơi chuyên môn đưa vào máy phân tích theo phương pháp xác định tỉ trọng. Kết quả chiếc lắc 14K của bà Tuyết có hàm lượng vàng chỉ hơn 27%; lẽ ra vàng 14K phải tương đương hàm lượng vàng ròng là 58,3%

Số là, bà Tuyết mua chiếc này tại một cửa hàng trang sức trên đường Nguyễn Trung Trực, Q.1, nhưng khi đưa chi nhánh công ty vàng bạc đá quí SJC trên đường Lê Thạch ở Q4 để nhờ gia công lại thành vòng đeo tay mới biết sự thật.

Kiểu nào cũng thiệt

Rất khó kiểm định tuổi của vàng trong các trang sức. Ảnh: TL internet

Mang biên nhận quay trở lại cửa hàng trang sức cũ yêu cầu bồi thường, bà được chủ cửa hàng chấp nhận ngay, và căn cứ theo hóa đơn sẽ mua lại số vàng theo giá đã ghi, trừ đi 5%. Với giá mua vào năm ngoái 1.650.000 đồng/chỉ (vàng 14K), và cam kết mua lại sau khi khấu trừ 5%, nay dù vàng loại này cửa hàng bán ra đến 2.250.000 đồng/chỉ thì bà Tuyết cũng không cách nào đòi hỏi theo đà tăng giá vàng được.

Mua trang sức theo kiểu tách rời giá công, giá đá, giá vàng như bà Tuyết đã thiệt. Mua theo món của các công ty lớn được đảm bảo tuổi vàng, nhưng người mua không xác định được trọng lượng vàng, giá công, giá hạt đá cũng bị thiệt không kém. Như ông Thanh Trọng mua chiếc nhẫn vàng 18K của một doanh nghiệp trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 hơn một năm trước với giá gần 7 triệu đồng, thời điểm vàng SJC khoảng 22 triệu đồng/lượng. Khi vàng lên giá xấp xỉ 36 triệu đồng/lượng trong tuần đầu tháng 12, ông định mang đi bán. Một tiệm vàng gần nhà mua vào với giá 2,5 triệu đồng vì chiếc nhẫn chỉ nặng có hơn 1 chỉ vàng. Mang đến nơi đã mua, nhân viên cửa hàng cho biết sẽ thâu lại chiếc nhẫn với giá mua vào ghi trên hóa đơn trừ đi 30%. Ông Trọng tranh cãi việc tại sao lại thu vào theo giá cũ thì được trả lời: “Nơi nào cũng vậy, hóa đơn đã ghi rõ”.

Bà Trần Thị Hiền, giám đốc chi nhánh công ty vàng bạc đá quí SJC ở Q.4, từ thực tế kiểm định vàng cho khách, cho biết: "Có khách mua vàng ở cửa hàng sang trọng trong trung tâm thương mại với giá cao gấp đôi các tiệm vàng nhỏ bên ngoài, có giấy biên nhận rõ ràng. Sau một năm quay lại cũng quầy đó, cũng nhân viên đó nhưng quầy đã thay tên doanh nghiệp khác. Đổi hay bán món trang sức đã mua nhân viên không nhận lại với lý do chỉ là người làm thuê, chủ doanh nghiệp đã thay đổi nên không chịu trách nhiệm.” Và những trường hợp này khách mất 50- 70% giá trị món trang sức vì vàng mỗi nơi mỗi tuổi khác nhau và các tiệm vàng rất hạn chế mua lại hàng của nơi khác.

Gian lận tuổi vàng: đã thành thói quen?

Về nguyên tắc, vàng 18K là sản phẩm có hàm lượng vàng ròng 75% (còn gọi là 7 tuổi rưỡi), 14K hàm lượng vàng ròng là 58,3%, nhưng thực tế trên thị trường trang sức 18K hầu hết là vàng 6,8 hay 6,5 tuổi, thậm chí có nơi chỉ có 5 tuổi. Trong chế tác trang sức, để có giá rẻ, các nhà sản xuất có thể hạ hàm lượng vàng ròng, gia tăng các hội vàng (hợp kim pha vào vàng) để món trang sức vẫn giữ được độ bóng, đẹp và bền. Nhưng luôn phải ghi rõ vàng 9K (3,75 tuổi hay 37,52% vàng ròng), 10K (4,16% tuổi hay 41,6% vàng ròng), 12K (5 tuổi hay 50% vàng ròng).

Bà Cao Thị Ngọc Dung, tổng giám đốc công ty PNJ nhìn nhận: Quy luật mua đâu bán đó tồn tại do các sản phẩm nữ trang hiếm khi đúng tuổi vàng đóng trên sản phẩm. Bà Dung lý giải, do cách mua bán vàng nữ trang được hình thành nhiều năm qua là trong gia công bao luôn hao hụt vàng, nhưng vì cạnh tranh nhau về giá nên các tiệm vàng tính giá công rất rẻ và họ đã vô tình mặc nhiên trừ hao hụt vàng vào trong tuổi vàng của sản phẩm (hao hụt khoảng 2%). Và khi giá vàng tăng cao mà giá công thì không tăng, tất nhiên người sản xuất phải trừ tuổi nhiều hơn, nếu không có thể bị lỗ.

Chỉ có người bán biết rõ tuổi

Với giá vàng xấp xỉ 36 triệu đồng/lượng như hiện nay, gian lận 1 tuổi vàng, người bán có thể lãi đến 3,6 triệu đồng/lượng. Như vậy mỗi món trang sức từ vài phân vàng đến một vài chỉ, có thể lãi thêm từ vài trăm ngàn đồng. Bà Hiền nói: "Người tiêu dùng khi mua món trang sức, cũng khó mang đi kiểm định vì muốn có kết quả chính xác phải tháo hạt đính, các phương pháp thử có thể làm biến dạng. Chưa kể có kết quả rồi, thì nơi bán cũng chỉ thu lại theo giá bán hóa đơn, và đổ lỗi tại thợ chế tác…”.

Ông Lăng Văn Hai, giám đốc công ty Kim Hoàn Sài Gòn cho rằng: “Các biện pháp thử thủ công như đánh đá, dùng lửa, dùng acid… cho kết quả mang tính tương đối khi xác định vàng thật- giả. Đánh tuổi vàng, dùng phương pháp tỉ trọng chỉ có kết quả chính xác với món trang sức đặc, trang sức làm bọng chính giữa sẽ có kết quả bị sai lệch. Phương pháp quang phổ chỉ cho kết quả chính xác trên điểm thử chứ không xác định trên toàn phần.”

Cafeland.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland