Hiện tại vẫn chưa có hồi kết cho câu hỏi là áp dụng cơ chế nào cho lãi suất huy động tín dụng ngân hàng thương mại, theo cơ chế đồng thuận trần lãi suất huy động do Hiệp hội Ngân hàng thương mại chủ xướng với sự đồng tình của Ngân hàng Nhà nước hay áp dụng ngay tự do hóa lãi suất đầu vào cho tương thích với cơ chế thỏa thuận lãi suất đầu ra đã áp dụng từ đầu năm mà Ủy ban giám sát tài chính quốc gia mới khuyến cáo?

Khó đồng thuận trần lãi suất huy động

Một thực tế đặt ra là dường như cơ chế đồng thuận trần lãi suất chỉ có giá trị danh nghĩa, dễ dàng bị lách qua hoặc án binh bất động, hay chỉ thực hiện có tính tượng trưng, hình thức, bởi vô số chiêu khuyến mãi đủ loại và ngày càng phong phú. Nói cách khác, dường như các ngân hàng thương mại dễ đồng thuận trong hội nghị hơn là thống nhất trong hành động theo các cam kết đã thỏa thuận về trần lãi suất huy động.

Trần lãi suất tồn tại trong bối cảnh chưa có cơ chế thị trường hoàn hảo và tình hình thị trường tài chính trong nước có những biến động thất thường, với mục tiêu kỳ vọng tiết giảm cạnh tranh không lành mạnh, các hiện tượng lừa đảo, nhằm ổn định hóa thị trường tài chính và nền kinh tế vĩ mô trong nước nói chung... Tuy nhiên, dù muốn hay không, cơ chế này cũng gây ra những mặt trái nhất định. Vì vậy, cùng với việc áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận, việc bãi bỏ cơ chế trần lãi suất huy động ở mức độ và góc độ nào đó, về cơ bản, sẽ có tác dụng và có ý nghĩa tốt cho cả ngân hàng, doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, cả cấp vi mô và vĩ mô, cả trước mắt và lâu dài, cả trong nước và trên phạm vi quốc tế, cụ thể: tăng huy động vốn cho đầu tư xã hội thông qua hệ thống ngân hàng và nâng cao vị thế ngân hàng trong nền kinh tế; gia tăng tính minh bạch và tính thị trường trong huy động và cho vay vốn ngân hàng, cũng như trong quản lý nhà nước; gia tăng cơ hội và lợi ích cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và trong đầu tư xã hội; gia tăng lợi ích của người gửi tiền vào ngân hàng và các lợi ích khác…


Tự do hóa lãi suất huy động: chưa chín muồi

Tuy nhiên, việc tự do hóa lãi suất huy động bất chấp những điều kiện chưa chín muồi cũng có thể làm phát sinh những hệ quả bất lợi khó lường định, như:

Một là, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu vốn và dịch chuyển nguồn vốn bất thường của các ngân hàng, gây xáo trộn kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng.

Về cả lý thuyết và thực tiễn, thông thường người gửi tiền không phân biệt và cũng chẳng quan tâm lãi suất cơ bản với trần lãi suất, thậm chí họ cũng mơ hồ về các hoạt động, tính thanh khoản và trạng thái lành mạnh cụ thể của các ngân hàng. Đối với đa số đám đông, ai huy động lãi suất cao thì gửi, thậm chí không cần biết tư cách pháp nhân và mục tiêu huy động vốn của người huy động. Rất nhiều ví dụ và bài học đắt giá cho điều này qua những vụ vỡ hụi và huy động vốn đa cấp khác trong và ngoài nước. Trước sự hấp dẫn của lãi suất mới do cạnh tranh giữa các ngân hàng khi thực hiện tự do hóa lãi suất huy động, có thể làm gia tăng các hoạt động rút vốn của người gửi từ các ngân hàng có lãi suất thấp (thậm chí có thể có cả việc các ngân hàng này giành một phần tiền huy động của mình) để gửi vào các ngân hàng có lãi suất cao, nhằm hưởng lợi ích cao hơn. Điều này là chính đáng và dễ hiểu, nhưng nếu kiểm soát không tốt lại có thể tạo những làn sóng rút tiền và gửi tiền theo tâm lý đám đông, tạo vòng xoáy xáo trộn luồng vốn, cơ cấu vốn và các kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng, cũng như của vốn đầu tư xã hội. Nếu một số ngân hàng nào đó không chịu nổi áp lực rút vốn bất thường sẽ phải buộc tăng lãi suất huy động, hoặc chịu áp lực thanh khoản cao, thậm chí có thể phá sản cục bộ hoặc giải thể.

Hai là, có thể gia tăng các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo và vỡ nợ tín dụng dây chuyền mang tính xã hội.

Việt Nam đang trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức ngân hàng theo chuẩn hóa nhằm bảo đảm sự lành mạnh và sức cạnh tranh, sự ổn định vĩ mô của thị trường tài chính trong nước. Hiện còn một số ngân hàng nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của nhà nước, hoặc gặp khó khăn chưa xử lý triệt để về thanh khoản, nhưng lại không muốn giải thể, sáp nhập hoặc cổ phần hóa theo yêu cầu… Do vậy, việc tự do hóa lãi suất huy động có thể, trong thời gian đầu, làm gia tăng ít nhiều một số hoạt động huy động vốn với lãi suất cao (kể cả sự gia tăng luồng vốn gián tiếp nước ngoài rẻ đổ vào Việt Nam với những hệ lụy có thể, gây sốc vốn và thanh khoản cho các ngân hàng như khi rút vốn đột ngột) và có thể cả các hành vi tìm cách lách luật hoặc vi phạm luật để: hoặc sử dụng nguồn vốn huy động bổ sung vào vốn điều lệ; hoặc tiến hành các hoạt động kinh doanh mạo hiểm do sức ép phải cho vay lại với lãi cao; hoặc tạo hiện tượng lòng vòng vốn xã hội, kiểu mua rẻ bán đắt - ăn chênh lệch lãi suất... Điều này cũng có nghĩa là trực tiếp và gián tiếp sẽ tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí cấu thành các tội phạm và hành vi lừa đảo và vỡ nợ tín dụng dây chuyền mang tính xã hội, làm tăng tính rủi ro và nhạy cảm, sự mất ổn định của hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô trong nước.

Ngoài ra, tự do nâng lãi suất huy động quá mức sẽ làm gia tăng lạm phát do các chi phí vốn tăng sẽ được doanh nghiệp chuyển trả vào chi phí giá thành sản xuất và tăng giá bán ra; cũng như có thể gây thu hẹp sản xuất, làm tăng mất cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, mặt trái của cuộc đua lãi suất huy động là rất lớn, không chỉ có thể làm tăng chi phí đầu vào, giảm quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh, mà còn có thể gây ra một số mất ổn định chung trong hệ thống ngân hàng và đời sống KT- XH.

Và những việc cần làm trước mắt

Để sớm thực hiện và góp phần kiềm tỏa những mặt trái, phát huy những tác động tích cực của việc tự do hóa lãi suất huy động, cần chú ý những điểm sau: Một mặt, thực hiện điều chỉnh ngay và thường xuyên hơn việc nới lỏng và mềm hoá biên độ trần lãi suất huy động phù hợp cung - cầu thị trường và bảo đảm tính thanh khoản trong hoạt động của các ngân hàng. Mặt khác, đẩy nhanh nghiêm túc các hoạt động chuẩn hóa và lành mạnh hóa các ngân hàng cả về tài chính và cơ chế quản trị theo kế hoạch tái cơ cấu và yêu cầu chung, sáp nhập các các ngân hàng không đủ vốn điều lệ theo pháp định và kiên quyết loại bỏ các cá thể yếu; … Đồng thời, cần nhanh chóng chuẩn hóa và thống nhất hóa cơ sở pháp lý liên quan đến các hoạt động ngân hàng, nhất là các quy định giữa Luật Ngân hàng và Dân sự có liên quan về vay và cho vay, về định danh các hành vi cho vay nặng lãi, huy động vốn có tính lừa đảo, nhằm có cơ sở định danh, xử lý và hạn chế tội phạm tài chính - ngân hàng; hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát, xử lý các rủi ro tài chính - ngân hàng; tăng cường các hoạt động thanh tra, các hoạt động thông tin, chủ động phòng ngừa và xử lý các yếu tố tâm lý và tin đồn, đầu cơ, lũng đoạn và gây nhiễu, cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ ngành ngân hàng; cũng như tăng cường giáo dục cho các bên kiến thức và trách nhiệm cá nhân và xã hội khi vay và cho vay. Ngoài ra, cần tăng cường và hoàn thiện hơn các công cụ quản lý khác, như mức vốn điều lệ, hạn mức tín dụng, mức dự trữ, tỷ lệ nợ quá hạn, cơ cấu huy động và cho vay, các nghiệp vụ thị trường mở; cơ cấu và thời gian mua tín phiếu; giải quyết cho ngân hàng nhỏ có khả năng tiếp cận vốn trên thị trường tái cấp vốn; giãn biên độ tỷ giá và nâng lãi suất tín phiếu lên.

Bản thân các ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ mới thành lập, lâu nay chỉ chú ý đến mặt kinh doanh, cũng cần chủ động dự báo tình hình thị trường, phân tích được những tín hiệu về chính sách chống lạm phát và chuẩn bị trước, thực hiện dự phòng rủi ro tốt, kiểm soát tín dụng hợp lý, tránh coi nhẹ an toàn và quản trị kinh doanh, tối đa hóa quay vòng vốn, hoặc chủ quan, ỷ vào Ngân hàng Nhà nước, thị trường mở…

Cafeland.vn - Theo TS Nguyễn Minh Phong (báo ĐBND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland