Khi thua lỗ, nhà đầu tư càng tính toán chi li hơn, nhất là đặt trong bối cảnh bão giá, lạm phát, cơn sốt vàng, USD thay nhau nổi sóng.
Bán cắt lỗ, song nhà đầu tư vẫn bị khấu trừ thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần, dù chọn hình thức nộp thuế nào đi nữa. Khi khả năng sinh lợi trên thị trường ít đi, khoản phí này khiến nhiều người tiếc rẻ.

Chưa biết cách quyết toán như thế nào, phải lưu trữ những chứng từ cần thiết trong cả năm và cũng không rõ thời điểm được hoàn thuế... nên hồi đầu năm, nhiều nhà đầu tư chọn cách khấu trừ 0,1% trên tổng giá trị mỗi khi bán cổ phiếu. Phương án 2 là chỉ đóng 20% trên tổng lợi nhuận thu được, nếu thua lỗ sẽ được hoàn lại khoản đã tạm trừ trong năm.

Cổ phiếu liên tục rớt giá, chị Nga, nhà đầu tư ở sàn chứng khoán Phương Đông quyết định cắt lỗ ở giá 8.500 đồng, giảm 30% so với lúc mua vào và 50% so với giá trị hiện tại.

Chị Nga nói: "Biết bán ra là lỗ, lại còn đóng phí giao dịch, thuế chứng khoán, nên số tiền thu về đã ít cũng không được trọn vẹn".

Theo chị, mức phí 0,1%, tương đương 200.000 đồng trên tổng giá trị bán ra 200 triệu đồng, thực ra không lớn. Tuy nhiên, nếu lần nào cũng lỗ, mà đều ở mức trăm triệu đến cả tỷ đồng thì cũng mất hàng chục triệu trong năm. Trong khi số tiền này có thể dùng để lướt các mã penny.

Với lập luận kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng nên ngay từ đầu, anh Thắng, sàn chứng khoán Đông Dương duyệt cách nộp 0,1%.

"Thị trường có lúc tăng lúc giảm, việc đóng thuế có thể kham nổi. Song, đầu tư năm nay lỗ là chủ yếu, bị trừ vài trăm nghìn một lần cũng xót cả ruột. Bởi lỗ bao nhiêu lần vẫn phải đóng thuế tương ứng bấy nhiêu lần".

Dù đăng ký hình thức nào, công ty chứng khoán cũng tạm khấu trừ 0,1% trên giá trị chuyển nhượng và hàng tháng báo số liệu về cơ quan thuế. Đối với những nhà đầu tư chọn cách 1, coi như dứt điểm việc đóng thuế sau mỗi lần bán ra.

Còn với phương án 2, cuối năm, nhà đầu tư tự quyết toán với cơ quan thuế để được khấu trừ hoặc nộp thêm (nếu mức tạm trừ trong năm chưa đủ 20% trên tổng lãi thu về).

Đầu tư ai cũng mong thắng lợi, nên nếu chọn phương án 20%, chẳng khác nào cho rằng: "Năm nay tôi không chắc có lời, vậy chọn cách nộp thuế này để không bị thiệt thòi do thua lỗ", là giải thích của anh Tùng, nhà đầu tư sàn Âu Việt khi chọn ngay cách tính thuế 0,1%.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường từ đầu năm đến nay không ủng hộ cho cách nghĩ của anh: "Tiếc khi bán ra không thu về đủ số tiền. Tuy nhiên, nếu không bán còn lỗ hơn. Và khi đó, cái lỗ còn hơn gấp nhiều lần mức thuế 0,1% nếu cắt lỗ trước đó".

"Nếu hiện tại, cơ quan thuế cho nhà đầu tư lựa chọn lại, sẽ có rất nhiều người chọn cách nộp 20% trên tổng lợi nhuận có được, để lấy lại những khoản tiền đã mất do đầu tư thua lỗ trong năm", ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC khẳng định.

Với những nhà đầu tư lướt sóng với tổng giá trị giao dịch vài chục đến cả trăm tỷ đồng trong năm thì khoản thuế phải nộp mỗi lần dù chỉ 0,1%, cũng không hề nhỏ.

Do là năm đầu tiên thực hiện, nên nhiều người chọn hình thức đơn giản nhất (0,1%) và coi đó như một khoản phí phát sinh thêm. Dĩ nhiên, nó sẽ không nghĩa đáng kể khi thị trường thuận lợi nhưng sẽ là gánh nặng với nhà đầu tư lúc chứng khoán ảm đạm.

Mặc khác, khi thua lỗ, nhà đầu tư càng tính toán chi li hơn, nhất là đặt trong bối cảnh bão giá, lạm phát, cơn sốt vàng, USD thay nhau nổi sóng.

Chi phí đóng thuế cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư giao dịch dè dặt, song không đến mức thay đổi quyết định đầu tư, ông Nguyễn Huy Cường - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sacombank chia sẻ.

Do cách tính, quyết toán khá phức tạp, nhất là những nhà đầu tư có nhiều tài khoản, vay mượn lẫn nhau... nên phương án 20% rất ít người chọn, mặc dù nó an toàn hơn. Song, cũng chính vì vậy mà rủi ro khi đầu tư tăng lên theo kiểu lời ăn lỗ chịu, nếu chọn cách nộp 0,1%.

"Nếu thị trường tốt hơn, khoản phí khấu trừ 0,1% không nghĩa lý gì so với mức lãi mà nhà đầu tư thu về, sau một lần giao dịch. Áp lực phải giảm bớt chi phí giao dịch ở công ty chứng khoán cũng không còn nặng nề như hiện tại", ông Tuấn cho biết.
Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland