Thị trường BĐS mặc dù đã có những bước khởi sắc đáng kể nhưng vẫn còn thiếu tính minh bạch, tình trạng đầu cơ, mua bán “ngầm”, trốn lậu thuế còn phổ biến, giá cả BĐS biến động đột biến so với mức thu nhập…
Đó là những nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại Hội thảo quốc tế về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản- Kinh nghiệm thế giới và sự lựa chọn cho VN, ngày 26.11.


Thị trường BĐS còn ít dự án dành cho người thu nhập thấp. Ảnh: N. Lê

Những con số màu hồng

Trong 10 năm qua, quỹ nhà ở toàn quốc tăng thêm trên 700 triệu m2, trong đó nhà ở khu vực đô thị tăng thêm khoảng 225 triệu m2. Riêng Hà Nội, mỗi năm các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới đã cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 triệu m2 nhà ở và tại TP. HCM khoảng 3,5 triệu m2 nhà ở.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có trên 2.500 dự án nhà ở và kinh doanh BĐS khác với diện tích đất khoảng 80.000 ha đã và đang triển khai xây dựng. Tại Hà Nội có trên 800 dự án với diện tích đất khoảng 75.189ha, TP HCM có trên 1.400 dự án, Hải Phòng có khoảng 260 dự án, Đà Nẵng có trên 120 dự án.

Tăng trưởng tín dụng đối với kinh doanh BĐS đảm bảo tương đối ổn định. Tính đến tháng 7.2010, tổng dư nợ cho vay BĐS đạt khoảng 210.770 tỷ đồng, tương đương trên 10 tỷ USD, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh BĐS tiếp tục thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối năm 2009, cả nước đã có gần 500 dự án BĐS có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký trên 40 tỷ USD.

Hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất tại các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới có hệ thống hạ tầng đồng bộ, có chất lượng tại Hà Nội, TP. HCM…vẫn thu hút được khách hàng và lượng giao dịch thực tế đạt tỷ lệ tương đối cao. Nhu cầu thuê văn phòng, trụ sở làm việc ngày càng tăng.

Hoạt động giao dịch BĐS được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là đối với các loại BĐS là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở.

Cần phải “nhặt sạn”

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh đến việc thiếu tính minh bạch của thị trường BĐS trong tất cả các khâu từ đầu tư, tạo lập BĐS đến giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê BĐS. Tình trạng đầu cơ, mua bán “ngầm”, trốn lậu thuế còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn dẫn tới sự hoạt động của thị trường BĐS thiếu bền vững và ổn định.

Tính cạnh tranh của thị trường BĐS còn thấp, nhất là ở thị trường sơ cấp (giao đất, cho thuê đất). Cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư mặc dù đã được quy định, tuy nhiên khi áp dụng thực tế phát sinh nhiều hạn chế, thậm chí có những vấn đề chưa được triển khai.

Về vấn đề giá BĐS, đặc biệt là giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân khiến cho việc tạo lập nhà ở của đại bộ phận các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến vấn đề khung pháp lý của thị trường BĐS vẫn còn nhiều bất cập cần sửa đổi để khắc phục tình trạng giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái quy định pháp luật, làm thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Mặt khác, cơ chế chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người có tài sản bị thu hồi.

Đặc biệt, việc phát triển thị trường BĐS mới chỉ mang tính tự phát, thiếu chiến lược, kế hoạch cụ thể. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư mới chỉ tập trung vào các dự án nhà ở, khu đô thị mới để bán cho người có thu nhập cao. Trong khi, các dự án nhà ở để bán trả góp hoặc cho thuê dành cho các đối tượng thu nhập thấp thì chưa được quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, cần phải có những đổi mới, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như các phương thức quản lý, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp và vai trò tham gia của các nhà đầu tư để thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

Cafeland.vn - Theo Lê Thảo (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland