Trong hơn một năm qua, tại 60 tỉnh thành đã xảy ra 190.000 trường hợp sai phạm về đất đai với tổng diện tích đất vi phạm là 8.000 ha. Sai phạm phổ biến nhất là tình trạng bán đất trái pháp luật, cấp đất, giao đất trái thẩm quyền do có sự tiếp tay của chính quyền cấp xã.

Thông tin trên được Thanh tra chính phủ công bố tại cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai sáng nay (25/11) tại Hà Nội.

Những sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai đang diễn ra rất nóng bỏng cùng với cơn lốc đô thị hóa. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân tập trung vào lĩnh vực đất đai, và chủ yếu nhằm đến cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai…

Riêng trong quý III/2010, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và kiến nghị thu hồi 406 ha đất, 3.204 ha rừng cùng hàng ngàn tỉ đồng tiền sai phạm. Trong đó, sai phạm diễn ra phổ biến tại các xã ven đô thị lớn nơi có quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp đang phát triển mạnh. Nổi bật là sai phạm trong kế hoạch sử dụng đất cụ thể là việc giao đất, cấp đất không đúng mục đích, việc thu hồi đẩt để giải phóng mặt bằng chậm không đúng kế hoạch.

Ngoài ra, việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất giữa các cấp không đồng nhất giữa các cấp chính quyền. Vì vậy, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng quỹ đất dành cho việc phát triển khu đô thị mới vượt quá so với nhu cầu phát triển dân cư dẫn đến việc thực hiện dự án kém hiệu quả, đất bỏ hoang gây lãng phí đất.

Theo ông Chu Phạm Hiển - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường, tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai đang diễn ra phổ biển như gian lận trong lập phương án bồi thường, xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích đất. Thỏa thuận người dân để chia lợi nhuận hoặc khai khống diện tích để hưởng lợi. Tình trạng này đã gây thất thoát cho nhà nước và dẫn đến khiếu nại tố cáo kéo dài. Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ và các cơ quan bộ ngành cần phải rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác thanh kiểm tra. Các Bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ địa phương lập danh mục các vụ án tham nhũng về đất để tập trung chỉ đạo xử lý.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp Quốc hội cho biết, với hàng nghìn tỷ, hàng nghìn ha đất bị thất thoát thì không thể nói là tham nhũng giảm được. Cả nước có 63 tỉnh thành, trong khi đó chỉ mới có 26 tỉnh tự phát hiện tham nhũng. Cơ chế xin cho chưa hết, do đó các địa phương phải xin quy hoạch, xin dự án, rất nhiều thứ,… Thực trạng tham nhũng xảy ra chủ yếu là ở cấp xã, phường. Cấp trung ương khá ít nhưng khi đã phát hiện ra thì số tiền tham nhũng lại rất lớn.

Theo ông Staffan Herrstrom - Đại sứ Thụy Điển, trong nghiên cứu mới đây cho thấy hơn 86% các hộ gia đình ở Việt Nam nhận biết có tham nhũng trong quản lý đất đai. Đơn cử qua khảo sát có đến 33% doanh nghiệp cho biết khi đi đăng ký xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần phải có quà cáp lót tay hay các chi phí không chính thức cho cán bộ. Để xảy ra tình trạng này là do việc thực thi pháp luật và hệ thống giám sát của Việt Nam còn khá yếu. Vì vậy, Việt Nam cần phải nhanh chóng thực hiện việc minh bạch hóa thông tin.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nhìn nhận: Cơ chế đất đai đang tạo nên nguy cơ tham nhũng rất cao. Ở cấp độ vĩ mô là tình trạng quan chức quận, tỉnh tùy tiện sửa chữa, bổ sung quy hoạch, mỗi nhiệm kỳ là một lần quy hoạch mới, một tuyến đường mới làm giá đất tăng vọt. Dư luận xã hội và cơ quan chức năng phanh phui ra được vụ lãnh đạo một số quận, huyện TP.HCM móc ngoặc doanh nghiệp bất động sản, đút túi hàng tỉ đồng nhờ bản quy hoạch “tùy hứng”. Nhưng đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi ràng buộc trong luật quá thấp, ít ai phải chịu trách nhiệm về những bản quy hoạch làm theo tư duy nhiệm kỳ, hay việc định giá đất sai lệch hàng chục lần.

Còn người dân, để nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh chóng, hay những thủ tục nhỏ hơn, không ít người phải lót tay, hối lộ bôi trơn bộ máy ưa vòi vĩnh, làm luật của cán bộ địa chính từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố.

Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quý 3/2010 đã phát hiện tổng sai phạm là 2.556,38 tỷ đồng, 6.694.000 USD, 3 ngôi nhà, 406 ha đất, 3.024 ha đất rừng, đã kiến nghị thu hồi được 115,116 tỷ đồng, 2.846.000 USD. Thanh tra của bộ, ngành, địa phương đã phát hiện sai phạm 283,402 tỷ đồng, 38,55 ha đất, kiến nghị thu hồi 204, 605 tỷ đồng, 13 ha đất.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland