Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã thảo luật rất nhiều, đưa ra những giải pháp để can thiệp, tác động như: điều chỉnh lãi suất, đảm bảo công bố ổn định tỷ giá và đưa USD ra can thiệp thị trường, cho nhập vàng...

Trả lời chất vấn Quốc hội, xung quanh việc sốt vàng, USD về chiến lược khắc phục tình trạng sốt giá vàng, USD trong thời gian tới để tránh lặp lại, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, về lĩnh vực này, Bộ trưởng Tài chính không phải là người chủ trì. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận sốt vàng, giá USD có tác động rất lớn đến giá cả nói chung và đặc biệt vừa tác động trực tiếp vừa tác động cả gián tiếp. Đồng thời sốt giá vàng, USD cũng làm cho cung cầu căng thẳng và tác động lên giá khác.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã thảo luật rất nhiều, có đưa ra những giải pháp để can thiệp, tác động như điều chỉnh lãi suất, rồi đảm bảo công bố ổn định tỷ giá và đưa USD ra can thiệp thị trường, cho nhập vàng... Những việc này đã có lộ trình và trong kế hoạch, điều hành về lãi suất tỷ giá hiện nay cũng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đưa ra các kịch bản và cũng đã có những chỉ tiêu, giới hạn trong điều hành chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, tuy nhiên những chỉ tiêu, giới hạn này không thể công bố công khai được, vì nó tác động đến rất nhiều vấn đề vĩ mô, căn cứ vào đó để điều hành. Sắp tới đây việc dự báo, tính toán phải nâng cao hơn để làm sao chúng ta chủ động hơn trong vấn đề này.

Sẽ có đề án hoàn chỉnh để xử lý thị trường vàng trong nước

Báo cáo giải trình thêm về diễn biến giá vàng và diễn biến của giá ngoại tệ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, giá vàng năm nay có diễn biến rất bất thường, đặc biệt là diễn biến giá vàng thế giới trong những tháng gần đây, nhất là từ 1/7/2010, giá vàng diễn biến rất phức tạp. Ngày 1/7, giá vàng ở thế giới nằm ở khoảng 1.241 USD/ounce. Đến 30/7 giảm xuống còn 1.166 USD/ounce. Nhưng đến 31/8 giá vàng tăng lại, lên đến 1.236 USD/ounce, đến cuối tháng 9 tiếp tục tăng lên cao là 1.312 USD/ounce, đến cuối tháng 10 tăng cao hơn tháng 9 là 1.338 USD/ounce. Mới đây ngày 9/11 là ngày có giá vàng cao nhất trong lịch sử là 1.424 USD/ounce. Diễn biến giá vàng thế giới có tác động đến giá vàng trong nước.

Theo đánh giá chung có 2 nguyên nhân chủ yếu: Một là, các nước có nền kinh tế lớn gần đây đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế; Hai là, sự đầu cơ của các nhà đầu cơ trên thế giới về vàng rất quyết liệt. Đối với trong nước, mặc dù không phải là nước sản xuất và xuất khẩu vàng nhưng gần đây hoạt động kinh doanh vàng phát triển rất nhanh, xuất hiện tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, theo số liệu của Hải quan và Ngân hàng Nhà nước, trong 12 năm từ năm 1998 đến tháng 9/2010 doanh số xuất nhập khẩu vàng như sau: nhập khẩu 339,8 tấn, xuất khẩu 268,8 tấn. Như vậy trong 12 năm số nhập lớn hơn xuất là 71 tấn. Trong 12 năm này, hoạt động vàng tăng trưởng mạnh lên ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 đến nay. Còn các năm trước số xuất, nhập khẩu vàng gần như không đáng kể và hiện tượng hoạt động mạnh có biểu hiện đầu cơ xuất hiện được 2 năm: 2009 - 2010.

Trước tình hình này NHNN đã cùng với các bộ, ngành Trung ương và báo cáo với Thường trực Chính phủ có một số giải pháp, vì là vàng nên biến động, cũng có thể từ cung cầu, nhưng xuất hiện đầu cơ vàng thì các giải pháp vừa qua là để xử lý tình thế đánh vào tâm lý, đặc biệt là cho phép nhập vàng để tạo tâm lý ổn định trong nhân dân.

Sau khi báo cáo và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh chính sách về quản lý vàng, đặc biệt là năm 2000 cho phép các tổ chức tín dụng được huy động vàng và cho vay vàng trên thị trường. Tháng 10/2010, NHNN ban hành Thông tư số 22 quy định đối tượng để cho vay hẹp hơn, nhằm quản lý tốt hơn, nhất là hạn chế đầu cơ trong hoạt động cho vay kinh doanh vàng.

Cùng với các giải pháp xử lý tình thế NHNN cũng đang xây dựng một đề án hoàn chỉnh để xử lý thị trường vàng trong nước. Đến nay, có 2 luồng tư tưởng cho rằng, vàng trong xã hội phải huy động vào ngân hàng để biến thành của cải vật chất cho xã hội. Luồng ý kiến thứ hai là tác động nhanh vàng trong xã hội vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất mới.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, NHNN cũng xây dựng 2 kịch bản, nhưng thiên hướng vào kịch bản vàng thứ nhất để tăng thêm giá trị vốn cho xã hội.

Kiểm soát tốt nhập siêu sẽ hạn chế ngoại tệ tăng cao

Về thị trường ngoại tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thị trường này chịu tác động rất mạnh từ kinh tế vĩ mô, đặc biệt là bội chi ngân sách, đầu tư công, hiệu quả đầu tư công, vay nợ nước ngoài, vấn đề nhập siêu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng có báo cáo trước Quốc hội là xuất phát từ nhập siêu tác động khá toàn diện đến kinh tế vĩ mô, nhất là thị trường ngoại hối, vấn đề tỷ giá, vấn đề giá cả, vấn đề lạm phát…

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, với sự điều hành phối hợp các bộ, ngành gần đây tốt, khả năng cán cân tổng thể thâm hụt ít hơn, dự báo có khả năng trên dưới 2 tỷ USD, nếu như chúng ta kiểm soát nhập siêu khoảng hoặc trên dưới 12 tỷ.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, xuất phát từ tình hình này tác động đến cung cầu ngoại tệ trên thị trường giá thị trường tự do tăng lên rất cao, chúng tôi cũng có đề án và báo cáo xin ý kiến Thường trực Chính phủ cho một số chủ trương triển khai. Vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải sử dụng nguồn ngoại tệ dự trữ được can thiệp mạnh hơn vào thị trường. “Chúng tôi đề xuất với Quốc hội kiên quyết kiểm soát nhập siêu cho thật tốt để ổn định kinh tế vĩ mô”- Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: “Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp để đưa ra các giải pháp tập trung và kiểm soát được nhập siêu. Muốn kiểm soát được nhập siêu phải xem lại các chính sách, từ chính sách tài khóa, kể cả chính sách tiền tệ. Đặc biệt 2 chính sách này tác động giảm cầu thì mới giảm được nhập siêu. Đồng thời, trong nước thì phải tăng sản xuất đặc biệt đối với công nghiệp phụ trợ. Nếu công nghiệp phụ trợ phát triển chậm thì nhập siêu khó giảm nhanh được. Chúng tôi rất mong các Bộ, ngành tiếp tục ủng hộ”./.

Cafeland.vn - Theo VOV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland