Nhiều hạng mục, công trình xây dựng nhà ở cho sinh viên đã được xây dựng tại các tỉnh thành nhưng do chậm chễ trong việc “rót” vốn nên nhiều công trình vẫn chưa đi vào sử dụng vì thiếu thiết bị, hạ tầng điện nước.


Nhiều khu KTX Đại học Thái Nguyên đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng vì thiếu vốn hoàn thiện Ảnh: Anh Đào

Theo kế hoạch, trong 2 năm 2009 -2010, Chính phủ sẽ dành khoảng 8.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình này để tạo ra bước đột phá về phát triển nhà ở cho sinh viên với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng cho khoảng 60% số sinh viên tại các cơ sở đào tạo trên cả nước có chỗ ở trong ký túc xá.

Về kinh phí, địa phương sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất (phần để lại cho địa phương)… cho các khoản chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất làm dự án nhà ở sinh viên tại địa phương. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sẽ sử dụng để xây dựng nhà ở, các thiết bị gắn liền với công trình nhà ở, chi phí quản lý và chi phí đầu tư xây dựng dự án.

Thực hiện chủ trương, tỉnh Thái Nguyên - một trong 3 trung tâm đào tạo lớn nhất nước đã quyết tâm triển khai, được sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của lãnh đạo tỉnh, trong vòng 6 tháng qua đã lập được 9 dự án bao gồm 52 công trình và đã đưa vào sử dụng được gần 10 công trình. Điều đáng nói, hiện tại vẫn còn rất nhiều công trình đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào sử dụng vì hạ tầng điện nước, trang thiết bị chưa đầy đủ.

Ông Trần Đình Hoãn - PGĐ Quản lý dự án xây dựng Đại học Thái Nguyên cho biết để xây dựng được các công trình UBND tỉnh và các trường đã kêu gọi nhà thầu ứng vốn đầu tư trong đó các nhà thầu ứng tới 80% tổng vốn đầu tư xây dựng công trình mà chưa nhận được kinh phí từ phía chủ đầu tư vì vậy nhiều nhà thầu “nản” không tiếp tục rót tiền vào.

“Mặc dù chủ đầu tư được hỗ trợ của Chính phủ khá nhiều, tuy nhiên chỉ là hỗ trợ trong công tác xây dựng. Còn những chi phí để hoàn thiện và khớp nối hạ tầng, chiếm đến 30% tổng vốn đầu tư, thì các chủ đầu tư phải tự tính toán. Và khi thiếu vốn để hoàn thiện đồng bộ, một khu ký túc xá quy mô như thế này, dù đã xây dựng hoàn thành hơn 2 tháng nhưng vẫn rất ngổn ngang” ông Hoãn nói.

Theo tìm hiểu PV tại khu KTX Đại học Thái Nguyên (bao gồm KTX của nhiều trường đại học trong tỉnh -PV) rộng 9 ha gồm 16 tòa nhà có đến 6 tòa nhà đang bỏ trống, chưa có sinh viên vào ở. Làm phép tính đơn giản, trung bình mỗi phòng tại ký túc xá được cho thuê giá 500.000 đồng/tháng, và cả tòa nhà sẽ là 20 triệu đồng/tháng. Vậy nếu chậm bàn giao công trình mỗi tháng chủ đầu tư bị mất khoảng 120 triệu đồng. Điều đáng nói hơn, đó là vẫn còn hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên đang phải thuê nhà ở bên ngoài với giá đắt đỏ thậm chí nhiều nơi không đủ điều kiện cần thiết để cho các em học tập.

Ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Nguyên cho biết, tổng chi phí cho toàn dự án trong tỉnh là 900 tỷ đồng trong đó nguồn vốn tỉnh 200 tỉ đồng và vốn Chính phủ 700 tỷ đồng nhưng tính đến nay Thái Nguyên mới chỉ nhận được 375 tỷ đồng. Hiện các dự án còn thiếu đến 40% vốn từ nguồn hỗ trợ này.

Tháng 8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ứng vốn năm 2011 cho các dự án xây dựng nhà ở sinh viên đã được phê duyệt danh mục và bố trí kế hoạch đầu tư năm 2010 để các dự án triển khai đúng tiến độ, hoàn thành dứt điểm trong năm 2010 và 2011.

Đối với các dự án của TP Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt danh mục nhưng chưa được bố trí kế hoạch đầu tư vốn năm 2010, Thủ tướng cho phép ứng vốn năm 2010 trong tổng mức đầu tư đã được duyệt để các dự án này triển khai thực hiện và hoàn thành dứt điểm theo kế hoạch.

Thủ tướng cũng đồng ý việc điều chuyển 59,5 tỷ đồng giữa các địa phương đối với 44 dự án đã được phê duyệt như đề nghị của Bộ Xây dựng với Chính phủ.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland