Mặc dù các ngân hàng (NH) đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động (LSHĐ) mới không quá 12%/năm (từ ngày 8/11), nhưng thực tế hiện nay ngoài LSHĐ VND theo hình thức thỏa thuận còn có 3 mức lãi suất (LS) 13,5%, 15%/năm và cá biệt lên đến 17 - 18%/năm. Tăng lãi suất giữa mùa làm ăn cuối năm, khi nhu cầu vốn tăng mạnh đã gây không ít xáo trộn, khó khăn cho cả DN lẫn NH.

Không chỉ DN mà cả ngân hàng cũng phải tính toán khi lãi suất cho vay quá cao

Tại Bình Dương, một trong những NH mở màn cuộc đua tăng lãi suất là NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), bằng việc niêm yết công khai mức LS 13%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng từ ngày 11/11. Sau SeABank, nhiều NH cổ phần, kể cả khối NH quốc doanh như VietinBank, VCB, BIDV... đều công bố lãi suất tiết kiệm vượt ngưỡng 12%.

Đua tăng lãi suất

Tại Đồng Nai, những ngày vừa qua cuộc đua huy động vốn giữa các NHTM lại trở nên nóng bỏng với hàng loạt các ưu đãi cho người gửi tiền: trả lãi suất cao, khuyến mãi, tặng quà... Giám đốc một chi nhánh NHTM tại Đồng Nai nói: "Các NH nhỏ vẫn đang trong tâm thế lo lắng về thanh khoản cuối năm, khi các khách hàng gửi tiền lớn rút tiền mặt ra chi tiêu và các khoản vay đến hạn phải giải ngân. Do đó, hầu hết NH đều đang cố gắng đẩy mạnh huy động". Theo đó, các chi nhánh NH đang bị "ép" chỉ tiêu huy động rất mạnh, thậm chí có NH mẹ còn tính lãi suất đầu vào đến 15%/năm cho chi nhánh khi có nhu cầu sử dụng vốn từ hội sở, buộc chi nhánh phải tự xoay xở tìm nguồn khách gửi tiền.

Sau khi lãi suất cơ bản được nâng lên 9%, Hiệp hội NH VN tiếp tục đưa ra thông điệp đồng thuận lãi suất huy động tối đa 12% đến các NH. Song, thực tế đồng thuận này đang trở nên vô hiệu. Hiện tại, lãi suất huy động VND mà các chi nhánh NH tại Đồng Nai chào với khách hàng dao động từ 12 - 13%/năm, thậm chí có NH cho biết có thể thỏa thuận lên đến 14%/năm với một số khách hàng có các khoản gửi lớn...

Khó xoay xở

Hiện tại, một số NH TMCP đã rục rịch báo tăng lãi suất đến các khách hàng với mức tăng từ 1 - 2%/năm so với trước do đầu vào tăng. Theo đó, lãi suất vay chào tại các NHTM vào khoảng 16 - 19% đối với vay ngắn hạn và với các khoản vay dài hạn như vay mua nhà ở, tiêu dùng... lãi suất có thể lên đến 20%/năm.

Trên thực tế, nhiều NH còn dừng giải ngân các khoản vốn vay mới và chỉ cấp tín dụng cho những khoản vay còn hạn mức tại NH, với mức lãi suất 16 - 18%/năm. "Thật ra, thông điệp thắt chặt tín dụng hay hạn chế cho vay không hẳn đúng với tất cả các NH, vì nguồn vốn của mỗi NH khác nhau. Tuy nhiên, mức lãi suất 16 - 18% với các DN sản xuất là quá cao, do đó nhiều DN phải xoay xở tìm nguồn vốn khác hoặc tạm ngưng các dự án kinh doanh" - Giám đốc một chi nhánh NHTM cho biết.

Một số DN cho biết sẽ phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư và thu hẹp sản xuất trong đó cũng có nguyên nhân từ lãi vay NH. Chị T - Giám đốc một DNTN chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Tp. Biên Hòa cho biết đầu năm tới, khoản nợ 2 tỷ đồng của chị tại một NHTM mới đáo hạn, nhưng chị đang tính đến chuyện bán bớt bất động sản, cơ cấu lại hàng hóa để trả bớt nợ vì NH thông báo tháng sau sẽ đến kỳ tăng lãi với mức tăng thêm 1,5%/năm. "Với các DN sản xuất thì xoay xở khéo lắm cũng chỉ lãi từ 7 - 10%, do đó nếu lãi suất lên đến 17 - 18% thì khó lòng cân đối nổi. Mặt khác, sức ép từ giá nguyên liệu tăng, tỷ giá tăng... có thể làm DN lỗ nặng nếu không giỏi tính toán" - chị T phân tích.

Tuy nhiên, không chỉ DN kêu lãi suất cao mà cả nhà băng cũng than khó. Đại diện một NHTM nói: sau khi cơ quan chức năng phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều NH đã đẩy lãi suất huy động lên cao để thu hút vốn. Bản thân NH cũng phải tăng lãi suất để giữ khách hàng chứ không phải để huy động thêm. Khi mặt bằng huy động đã từ 13 - 15% thì lãi vay không thể thấp. Điều này cũng khiến tỷ suất lợi nhuận của nhà băng giảm mà rủi ro thì tăng cao hơn.

Nhận định về mặt bằng LSHĐ trong thời gian tới, các NH khẳng định, huy động cao hẳn nhiên đầu ra cho vay cũng phải cao. Hệ quả này đã từng gây khó khăn cho hoạt động cho NH và cả người vay trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 khi cho vay 17 - 19%/năm. Năm nay, Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát dưới 10%, mục tiêu sang năm dưới 7%, vì vậy LSHĐ sẽ bám sát mục tiêu này. Mặt khác, NH phải tính toán khi LS cho vay quá cao, khách hàng sẽ chạy qua NH có LS cho vay thấp, do đó tình thế trước mắt nếu có tăng LS lên cao cũng chỉ tăng trong thời gian ngắn và có thể duy trì từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2011, sau đó LS phải theo xu hướng giảm.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland