Năm 2010 sắp kết thúc và không nghi ngờ sự gia tăng mạnh mẽ của giá vàng cùng với “cơn sốt” đầu tháng 11.2010 của nó chắc chắn là một trong những sự kiện đáng ghi nhận của thị trường tài chính Việt Nam.

Cho đến hôm nay, giá vàng quốc tế một lần nữa lại vượt qua mốc 1.400USD/ounce, kéo giá vàng trong nước chạy qua mốc 36 triệu đồng/lượng. Nhu cầu mua bán vàng chưa hề thuyên giảm trong người dân. Đã đến lúc thị trường vàng cần một lời giải căn cơ có tính thị trường, chuyên nghiệp và tạo điều kiện để ổn định, phát triển thị trường tài chính. Lời giải đó chính là thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia như các nước phát triển đã có từ lâu và các nước đang phát triển xung quanh chúng ta như Trung Quốc đã và đang thực hiện.


Thị trường vàng được cho là đang hoạt động tự phát và đôi khi không tuân theo quy luật thị trường. Ảnh: Kỳ Anh

Sự “bành trướng” của thị trường vàng

Cách đây hai năm, Xí nghiệp chế tác vàng miếng của Cty vàng bạc đá quí SJC đã gia công lượng vàng thứ 20 triệu. Cũng năm đó 2008, Việt Nam nhảy lên vị trí thứ hai trên thế giới về tích trữ vàng miếng với 96,2 tấn, chỉ đứng sau Ấn Độ 130,9 tấn (nguồn: Gold Servey 2009 – GFMS). Con số vàng tích trữ trong dân hiện giờ rất lớn, lớn hơn nhiều số liệu thống kê chính thức về xuất nhập khẩu vàng hàng năm mà các cơ quan quản lý đưa ra, vì không ai có thể tính toán chính xác lượng vàng xuất, nhập lậu là bao nhiêu. Đã thành quy luật bất thành văn, cứ khi nào giá vàng quốc tế cao hơn giá trong nước, vàng được xuất lậu và ngược lại. Chính NHNN thừa nhận rằng việc kiểm soát xuất, nhập vàng lậu là khó khăn và số vụ mà cơ quan chức năng bắt được, xử lý vẫn còn quá ít.

Trong khi đó thị trường vàng ngày càng mở rộng. Cả nước có tới 7.000 DN và các cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh vàng. Lượng vàng huy động của các ngân hằng lên đến cả trăm tấn. Năm ngoái, trước khi chấm dứt hoạt động, đã có ít nhất 30 sàn vàng thu hút hàng chục ngàn nhà đầu tư với tổng doanh số không thấp hơn 20 ngàn tỉ đồng/ngày, tương đương 1 tỉ đô la Mỹ/ngày. Tuy nhiên sự đánh giá chưa đúng tầm ảnh hưởng của thị trường vàng đến nền kinh tế đã dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quản lý thị trường này. Hậu quả là giá vàng trong nước ít khi biến động cùng nhịp độ với giá quốc tế, luôn trong tình trạng cao hơn hoặc thấp hơn, tạo điều kiện cho buôn bán vàng lậu, tác động thường trực đến tỉ giá thị trường tự do. Đó là chưa kể thị trường vàng bị thâu tóm bởi một số DN, tổ chức lớn nên giá nội địa dễ bị áp đặt, khống chế bởi các đơn vị này.

Gần đây vai trò kênh đầu tư của vàng ngày càng thể hiện rõ. Nhưng không giống như TTCK hay thị trường ngoại hối được Nhà nước quản lý chặt chẽ, thị trường vàng chưa được nhìn nhận như một cấu phần chính thức của hệ thống tài chính quốc gia. Hoạt động của các DN kinh doanh vàng khá độc lập, thiếu những quy chế quản lý đặc thù mà lẽ ra nó phải bị ràng buộc.


Thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia giúp quản lý thị trường vàng (ảnh minh hoạ). Ảnh: Kỳ Anh

Lời giải từ mô hình Sở Giao dịch vàng quốc gia

Sẽ là lãng phí nếu như không tận dụng nguồn vốn vàng trong dân và sẽ không giải quyết được triệt để cơ chế hai tỉ giá chính thức và thị trường tự do nếu như không có quyết sách phù hợp đối với thị trường vàng. Nhu cầu tích trữ, đầu tư vàng vật chất và tài khoản, cho dù các sàn vàng đã bị đóng cửa vĩnh viễn, vẫn còn đó. Vì thế, kênh đầu tư vàng phải được khơi thông, tạo ra dòng chảy cho thị trường vàng dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Sở Giao dịch vàng quốc gia là giải pháp cho thị trường vàng và là bước điều chuyển tất yếu của thị trường tài chính. Ở các nước, không chỉ có các chủ thể như nhà khai thác, tinh chế, bán lẻ... tham gia sở giao dịch vàng. Nhà đầu tư cá nhân, tổ chức cũng có thể tham gia thông qua các Cty môi giới. Sở giao dịch vàng trở thành sân chơi chung minh bạch và bình đẳng cho mọi đối tượng có nhu cầu và là công cụ hiệu quả để Nhà nước giám sát, điều tiết thị trường vàng.

Trước hết, với sở giao dịch vàng, nơi mua bán vàng được thực hiện trên cơ sở khớp lệnh liên tục, giá vàng sẽ do cung cầu quyết định, từ đây loại bỏ tình trạnh thao túng, “thổi giá” hoặc gìm giá quá mức bởi một số đối tượng đầu cơ như thời gian vừa qua. Bên cạnh giao dịch vàng vật chất, sở giao dịch cung cấp giao dịch vàng tài khoản, đa dạng hóa nhu cầu đầu tư, tích trữ, bảo hiểm của người dân. Điều này sẽ có tác dụng giảm bớt nhu cầu nhập khẩu vàng vật chất cũng như buôn bán vàng lậu.

Vàng là loại hàng hóa đặc biệt, đồng thời có vai trò như một ngoại tệ dự trữ. Do đó sẽ là hợp lý khi NHNN là đầu mối tổ chức, thành lập, giám sát và quản lý vận hành sở giao dịch vàng. Một đề án chi tiết thành lập sở phải được soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, công luận. Từ quy định thành viên của sở (thành viên tự doanh, môi giới...), các loại hình giao dịch (giao ngay, trả chậm, hợp đồng tương lai, quyền chọn...), biên độ giao dịch, đến hệ thống ký quỹ, thanh toán bù trừ, thuế, phí, lưu trữ vận chuyển vàng vật chất... đều nên đưa vào đề án.

Nhìn sang Trung Quốc - nước có nhu cầu lớn về đầu tư, tích trữ vàng miếng cũng như vàng trang sức, kinh nghiệm quản lý thị trường vàng, thành lập và vận hành Sở Giao dịch vàng Thượng Hải đáng để chúng ta tham khảo. Tại đây, chỉ các ngân hàng mới được phép kinh doanh vàng tài khoản với các ngân hàng nước ngoài. Từ chỗ buông lỏng quản lý các sàn vàng đến kinh doanh vàng trên tài khoản năm ngoái, đến “cơn sốt” vàng tháng 11 năm nay, biến động thị trường vàng đã để lại những bài học kinh nghiệm đắt giá. Tuy nhiên, với cái giá đã trả, không có nghĩa thị trường vàng sẽ tự động đi vào khuôn phép. Không thể chậm hơn nữa trong việc kiểm soát, điều tiết thị trường vàng theo cơ chế thị trường!

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland