Tính trung bình, lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 20 năm gần đây. Lạm phát tăng cao do cộng hưởng của hàng loạt các yếu tố và khiến giới chuyên gia không khỏi ngạc nhiên. Thực chất đâu là những nguyên nhân và giải pháp lâu dài cho vấn đề ?


Lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 20 năm gần đây.

Theo số liệu mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 của TPHCM tăng 1,73%, Hà Nội tăng 1,93%. Điều đó dự báo CPI của cả nước tháng này sẽ tiếp tục gây sốc.

Lạm phát cộng hưởng

Giả định CPI cả nước tháng 11 tăng bằng mức tăng tại TPHCM (1,73%), thì CPI của 11 tháng đầu năm 2010 lên đến 9.44%, tăng 10.95% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua mục tiêu 8% cả năm đã đề ra.

Diễn biến của lạm phát trong 3 tháng gần đã làm không ít người ngạc nhiên, vì những tháng trước đó đã được kiểm soát khá tốt. Tính trung bình lạm phát trong 3 tháng qua (tháng 9,10,11) tăng mạnh nhất so với cùng kỳ trong 20 năm gần đây.

Theo số liệu công bố chính thức, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt 22.5%, tăng trưởng cung tiền M2 đạt 21.7%, là mức không cao so với những năm trước.

Trên thực tế, tổng tăng trưởng cung tiền trong nền kinh tế có thể cao hơn con số này rất nhiều. Tổng giá trị trái phiếu của Chính phủ phát hành trong 10 tháng đầu năm đã hơn 80 nghìn tỷ đồng, trong khi đó mục tiêu cả năm là 100 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế tăng mạnh khiến người dân không nắm giữ tiền đồng cũng làm cho cung tiền tăng cao.
Tỷ lệ đầu tư trong toàn bộ nền kinh tế trong 9 tháng vừa qua đạt 44.19% GDP. Trong đó đầu tư khu vực nhà nước tăng gần 40%, chiếm hơn 40% tổng giá trị đầu tư. Hệ số ICOR của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm lên tới 7.19 lần, năm 2009 hơn 8 lần. Những con số này cho thấy, hiệu quả đầu tư trong 2 năm trở lại đây là rất thấp. Tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc rất nhiều tăng trưởng vốn đầu tư, trong đó chủ yếu là đầu tư ở khu vực nhà nước.

Lạm phát gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thúc đẩy gia tăng tích trữ vàng, ngoại tệ, và kể cả hàng hóa.

Chính hiệu quả đầu tư chưa cao như mong đợi và đầu tư của khu vực nhà nước tăng mạnh, cùng với một lượng lớn tiền phát hành thông qua trái phiếu được đưa vào lưu thông đã gây sức ép mạnh lên lạm phát.

Mặt khác, lạm phát 3 tháng gần đây tăng cao còn do cộng hưởng của hàng loạt các yếu tố khác. Thiên tai ở nhiều tỉnh Miền Trung đã làm cho khu vực này bị thiệt hại khá nặng nề, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ. Hệ quả là lương thực, thực phẩm, rau quả khan hiếm dẫn đến giá những mặt hàng này bị đẩy lên cao. Ở Hà Nội, mặt bằng giá đã được đẩy lên một mức mới sau Đại lễ 1,000 năm Thăng Long.

Ngoài ra, do độ mở của nền kinh tế hiện rất cao, với tổng giá trị xuất nhập khẩu lớn hơn 150% GDP đã làm cho giá cả hàng hóa trong nước nhạy cảm hơn với giá hàng hóa thế giới và biến động của tỷ giá.

Việc VND giảm giá hơn 10% trong vòng gần 2 tháng qua đã làm giá cả nhiều mặt hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam chịu sức ép tăng tương ứng. Không những vậy, giá hàng hóa, nguyên liệu, dầu thô của thế giới cũng tăng mạnh do lo ngại việc các đồng tiền mất giá và tình trạng thiên tai ở nhiều quốc gia.

Những hệ lụy từ việc lạm phát tăng cao

Lạm phát tăng cao hiện nay của Việt Nam có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là do thực tế nội tại của nền kinh tế. Đây là hệ quả của sự phát triển kinh tế nghiêng nhiều hơn về chiều rộng, hiệu quả đầu tư chưa cao và các chiến lược phát triển kinh tế chưa đồng bộ.
Dường như Chính phủ cũng đã nhận ra điều này và cách đây vài tuần, NHNN đã nâng lãi suất, là biểu hiện của chính sách tiền tệ thắt chặt, để kiềm chế đà tăng của lạm phát. Tuy vậy, hệ quả là mặt bằng lãi suất trên thị trường đã bị đẩy lên một mức mới, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Đây là một sự đánh đổi khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Đối với thị trường chứng khoán, rõ ràng triển vọng là chưa thể tích cực trong ngắn hạn khi mà lạm phát, lãi suất đang ở mức cao và tâm lý hứng khởi của giới đầu tư đang bị thử thách đáng kể. Giá của cổ phiếu vẫn có rủi ro tiếp tục sụt giảm mạnh, dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng vừa qua vẫn duy trì khả quan.

Lạm phát cao cũng là một thứ ”thuế” đánh vào người tiêu dùng, người nắm giữ tiền mặt. Với phần lớn dân số sống ở khu vực nông thôn, chi tiêu của người dân đối với những mặt hàng thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn trước. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam và việc duy trì bình đẳng trong thu nhập.

Lạm phát gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thúc đẩy gia tăng tích trữ vàng, ngoại tệ, và kể cả hàng hóa.

Tránh 'ngoáo ộp' lạm phát, cách nào?

Năm 2008, trước thực trạng gia tăng mạnh của lạm phát, Chính phủ đã có một loạt biện pháp can thiệp mạnh vào nền kinh tế. NHNN đã tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản, tăng lãi suất tái chiết khấu, và phát hành trái phiếu bắt buộc. Bên cạnh đó, Chính phủ đã cho tạm ngừng nhiều dự án đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Đây là ”liều thuốc đắng” nhưng lại có tác dụng tích cực trong việc kiềm chế sự bùng nổ của lạm phát trong năm đó.

Những bài học của năm 2008 vẫn có thể áp dụng cho tình hình hiện nay. Thực tế, NHNN cũng đã thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Mặc dù giải pháp này thường có độ trễ nhất định nhưng đây là biện pháp căn cơ nhất để chữa ”căn bệnh” lạm phát ở Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng rất có thể Chính phủ sẽ sớm có động thái thắt chặt chính sách tài khóa. Trước tiên sẽ cần phải giảm thâm hụt ngân sách, rà soát lại các dự án đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Về lâu dài, giải pháp chiến lược nhất vẫn là tái cấu trúc nền kinh tế để nâng cao hiệu quả trong đầu tư.

Một biện pháp khác không kém phần quan trọng là phải tạo được lòng tin bằng các chính sách điều hành hiệu quả. Một khi lòng tin vào sự ổn định của đồng nội tệ được thiết lập thì sẽ giúp hạn chế những cơn ”sốt giá” ảo, và tình trạng đầu cơ tích trữ vàng, ngoại tệ, hàng hóa sẽ được giảm thiểu.

Hiện nay, các biện pháp bình ổn giá như yêu cầu kê khai chi phí, niêm yết giá bán, ... chỉ có thể phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Về lâu dài, đây không phải là biện pháp có tính hiệu quả để ”chữa căn bệnh” lạm phát của Việt Nam.

Dập tắt ”cơn sốt” giá hàng hóa không thể thực hiện một sớm một chiều. Chúng ta không thể kiểm soát giá hàng hóa thế giới và việc giải bài toán tỷ giá cũng không hề đơn giản. Trong khi đó những tháng cuối năm dương lịch và Tết âm lịch cũng là thời điểm giá cả hàng hóa tăng theo tính thời vụ.

Ngoài ra, mặt bằng giá trong nền kinh tế còn chịu sức ép do giá điện và xăng dầu có thể điều chỉnh trong thời gian tới. Do vậy, nhiều khả năng trong 3-4 tháng tới, hàng hóa có thể tiếp tục có những đợt tăng giá.
Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland