Mỗi khi lãi suất (bao gồm huy động và cho vay) tăng, có nhiều giải thích tương ứng như do vốn chảy vào chứng khoán quá nhiều, do dân rút từ nơi này đi gửi nơi khác, do chính sách thắt chặt tiền tệ, do lạm phát… Vậy lần này, lời giải thích nào cho lãi suất tăng ?

Nhìn vào mặt bằng lãi suất ở VN hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất ở VN là loại lãi suất cao nhất thế giới

Trên các góc độ khác nhau có rất nhiều cách giải thích cho diễn biến tăng lãi suất gần đây của khu vực ngân hàng. Các cách giải thích khác nhau dẫn đến các chính sách khác nhau và ứng xử khác nhau trên cả vĩ mô và vi mô...

Áp lực vốn đầu tư và lãi suất trung hạn

Nhìn vào mặt bằng lãi suất ở VN hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất ở VN là loại lãi suất cao nhất thế giới. Đó là một sự thắc mắc dường như ít ai quan tâm giải thích, Tuy nhiên, nếu giải thích thì giải thích được cho cả nguyên nhân của tình trạng lãi suất tăng cao ở VN trong trung hạn.

Giống như một số nước trong khu vực, VN trong nhiều năm qua duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao trong khi tiết kiệm trong nước thường thấp hơn tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 10% GDP. Chi tiêu và đầu tư công cũng được thúc đẩy mạnh, mặc nhiên tiết kiệm của khu vực công cũng vô cùng hạn chế, chi tiêu của khu vực tư nhân cũng tăng mạnh. điều đó hiển nhiên dẫn đến tổng tiết kiệm nội địa hạn chế hoặc khó tăng... trong khi năng lực huy động (cả uy tín và các công cụ...) của khu vực ngân hàng là khá hạn chế.

Nền kinh tế luôn cần nhu cầu tài trợ từ bên ngoài, diều đó cũng được phản ánh trên thị trường tài chính là nguồn cung tín dụng (credit availability) nhìn chung hạn chế hoặc có thể căng thẳng vào bất kỳ thời điểm nào. Điều đó xét về mặt trung hạn, mặt bằng lãi suất luôn ở mức cao hơn lãi suất thế giới là điều rất dễ hiểu. Gần đây, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của VN đến 2015, Chính phủ đã chủ trương giảm quy mô đầu tư toàn xã hội xuống mức 40% GDP (trong khi năm 2008 là gần 44% GDP). Nếu quy mô này giảm, cùng với tăng tiết kiệm trong nước, áp lực lãi suất sẽ giảm và đó là cơ sở giảm lãi suất bền vững.

Các sách giáo khoa về kinh tế vĩ mô đều chỉ ra rằng, khi thâm hụt ngân sách cao và kéo dài kèm theo chi tiêu công mạnh mẽ, thì lãi suất trên thị trường tài chính có khuynh hướng cao. Điều này được giải thích cả ngắn hạn và dài hạn như sau: Trong điều kiện đó. chính phủ phải vay nợ mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ và ngay lập tức đẩy lãi suất lên. Lãi suất trái phiếu chính phủ lại là lãi suất tham chiếu cho các lãi suất của các NHTM (mặc nhiên khi chi tiêu nhiều thì tiết kiệm công cũng giảm). Áp lời giải thích này vào VN, thời gian qua cho thấy: chi tiêu chính phủ cũng tăng khá. Thâm hụt ngân sách tăng mạnh (năm 2009, thâm hụt NSNN thực tế 9,6% GDP); nợ công đang có chiều hướng gia tăng từ 45% GDP (năm 2008) lên gần 60% GDP (dự kiến vào năm 2011), phản ánh chính phủ tăng cường huy động từ thị trường tài chính.

Thực tế, lãi suất trái phiếu chính phủ năm 2009 và 2010 cũng tăng cao đáng kể so với những năm trước (có khi lên tới 12%/năm). Theo biểu quyết của Quốc hội vừa qua, năm 2011, cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ 45.000 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức 100.000 tỷ đồng của năm 2011. Đó chắc chắn là giải pháp giảm áp lực lãi suất trong thời gian tới.

Quan sát hành vi đầu tư hiện nay cho thấy, người dân VN đã khá nhạy cảm với lạm phát. Nếu có dấu hiệu lạm phát, nhiều người sẽ rút tiền ngân hàng đi mua vàng, mua USD. NHTM cũng tham chiếu chỉ số lạm phát dự tính để quyết định mức lãi suất cho vay. Khi đó lạm phát dự tính (hoặc khuynh hướng lạm phát) sẽ quyết định lãi suất ở khu vực ngân hàng. Tính toán gần đây của một số chuyên gia cho rằng khi lạm phát năm 2010 là 8 - 9% thì lãi suất huy động ít nhất phải là 12% và như vậy lãi suất cho vay khoảng từ 15% trở lên chưa tính đến các yếu tố rủi ro khác. Thực tế cho thấy, khi quá sợ tiền mất giá (lạm phát) thì người ta cũng đã đổ xô đi tìm vàng, thành thử giá vàng tăng cao lại phản ánh vấn đề lạm phát, tiền mất giá trong trung hạn.. Và như thế nếu kiềm chế được lạm phát thì có thể kiềm chế được những cuộc đua lãi suất.

Chấp nhận rủi ro quá mức và lãi suất cao

Diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy, có rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ có rất nhiều khu vực của thị trường đã rơi vào tình trạng chấp nhận rủi ro quá mức (excessive risk taking). Nhiều NHTM đã từng huy động trên thị trường liên ngân hàng (thị trường II) lên tới 50% so với tổng dư nợ, mà dư nợ có NHTM đã cho vay bất động sản và chứng khoán lên tới con số đáng lo ngại trên 50% tổng dư nợ - có nghĩa là ngân hàng đã lấy vốn cực ngắn hạn để cho vay cực dài hạn. Lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm có lúc trong thời kỳ này đã lên tới 45%/năm. Các DN và TCty cũng có các hành vi tương tự. Sự phát triển bùng nổ của TTCK với sự cung ứng “tín dụng” của các Cty chứng khoán cũng phần nào làm tăng mặt bằng lãi suất. Hiện tại, trong khi lãi suất thị trường khoảng 15% thì lãi suất cho vay theo chứng khoán khoảng 19%/năm (chưa kể các phí và các hình thức thu khác của Cty chứng khoán, lãi suất thực tế có thể lên tới trên 20%/năm). Điều này hiển nhiên trực tiếp trở thành lãi suất tham chiếu cho thị trường và sau đó vì nguồn vốn tín dụng cho sản xuất giảm sẽ làm tăng lãi suất trong trung hạn.

Có rất nhiều nhận định rằng, bản thân các NHTM đã tự đẩy lãi suất theo cách này hay cách khác mà chủ yếu do việc quản trị vốn theo kiêu “ăn đong” do động cơ chấp nhận rủi ro quá mức, thiếu cẩn trọng mà do không có hệ thống và cơ chế quản trị vốn phù hợp hoặc tính tuân thủ không nghiêm ngặt. Khảo sát và ước tính gần đây cho thấy, cơ cấu nguồn vốn tại các NHTM VN chủ yếu là ngắn hạn, vốn trung và dài hạn (trên 1 năm) chỉ chiếm chưa đến 20% tổng nguồn vốn. Trong khi cho vay trung và dài hạn (trên 2 năm) của hệ thống chiếm tới gần 60% cá biệt có NHTM cao hơn thế. Điều này dễ dàng nhận thấy sự mất cân đối về kỳ hạn và trong điều kiện quản trị, cân đối vốn (ALCO) không tốt thì vấn đề căng thẳng vốn thường xuyên dẫn đến đi vay với lãi suất cao bằng mọi giá sẽ là căn bệnh kinh niên của các NHTM VN.

Ứng xử với giá... lãi suất

Lãi suất thương mại cho mỗi DN phải phản ánh phần nào rủi ro của từng DN. DN có mức độ rủi ro cao cần phải áp mức lãi suất cao.

Quan sát cho thấy, các ngân hàng trong nước ở VN thời gian qua có cách ứng xử với giá (price behavior) khá đặc trưng. Khi các yếu tố đầu vào tăng (như lãi suất huy động tăng, chi phí lao động tăng, chi phí thuê trụ sở, đầu tư trụ sở mới tăng...) thì các NHTM đã tìm mọi cách đẩy giá vào lãi suất cho vay mà bằng chứng là NHTM đã tìm mọi cách nâng lãi suất cho vay thực tế. Theo báo giới phản ánh năm 2009 và 2010 khu vực NHTM đã có thêm mới hàng chục loại phí áp cho khách ngoài hợp đồng vay vốn như phí sàn xếp vốn, phí quản lý tài khoản, phí ATM,... Khảo sát cũng cho thấy, các ngân hàng hầu như không có khái niệm cắt giảm chi phí trong thời gian qua (như cắt giảm lương, giảm đầu tư mua sắm, xây trụ sở mới...) mà trái lại, có nhiều NHTM (nhất là ngân hàng lớn) đã chủ trương xây dựng nhiều công trình trụ sở làm việc lên tới hàng ngàn tỷ đồng mà rất ít cho vay khu vực sản xuất (DN). Một số NHTM lớn cũng đã và đang góp vốn, thành lập các Cty con (Cty chứng khoán, Cty vàng,...). Điều đó chắc chắn làm giảm nguồn cung tín dụng trên thị trường và làm gây áp lực lãi suất lên thị trường là điều hiển nhiên. Như vậy, “ứng xử với giá” theo kiểu như trên của các ngân hàng cũng có thể nguyên nhân đẩy lãi suất lên.
NHTM hoạt động cho vay trên cơ sở phân tích, đánh giá DN. Lãi suất thương mại cho mỗi DN phải phản ánh phần nào rủi ro của từng DN. DN có mức độ rủi ro cao cần phải áp mức lãi suất cao... Tình trạng DN VN làm ăn khá kém minh bạch, các báo cáo của các DN trong nước có mức độ tin cậy rất thấp. Bên cạnh đó, các báo cáo kiểm toán đã ít lại còn chậm trễ là vấn đề lớn đối với các DN trong nước. Với môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều và với tình trạng này thì việc áp mức lãi suất cao đối với khu vực sản xuất là điều dễ nhận thấy.
Cafeland.vn - Theo Ths Lê Văn Hinh (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland