Một vài ngân hàng thiếu thanh khoản nên sẵn sàng huy động vốn với mức giá cao. NHNN phải đóng vai trò là ngân hàng “mẹ” để tái cấp vốn hoặc cho vay trực tiếp.

Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước 11 tháng đã lên tới 9,58%, lạm phát năm 2010 khó dừng ở 1 con số. Điều hành kinh tế vỹ mô, nhất là chính sách tiền tệ tháng cuối năm và sang đầu năm 2011 cần lưu ý những vấn đề gì và chọn hướng thế nào?

Phóng viên Tiền Phong trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến lạm phát tăng. Đầu tiên do kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau một thời gian dài suy thoái, kéo theo đó giá nguyên nhiên vật liệu cũng tăng. Bình quân chỉ số giá cả thế giới tăng 5% - 10%, dầu thô trước đây có giá bình quân 60 USD/thùng nay đã tăng lên bình quân 80 USD/ thùng. Tương tự giá lương thực thế giới cũng tăng 20 - 30 USD/tấn.

Thứ hai do tỷ giá USD so với VND tăng mạnh so với năm 2009, do ảnh hưởng của nhập siêu và thị trường Việt Nam bị đô-la hóa với tỷ lệ cao. Thứ ba do thiên tai dịch bệnh và kết hợp với việc thu mua hàng xuất sang Trung Quốc làm giá thực phẩm tăng đột ngột.Yếu tố tiếp theo chính là tâm lý người dân Việt Nam rất dễ bị nhà đầu cơ lợi dụng làm giá.

Và cuối cùng, nhóm chi phí sản xuất(chi phí đẩy), gồm giá nguyên nhiên liệu đầu vào, chi phí trả lãi vốn vay ngân hàng cao, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Vốn đầu tư xã hội lớn (trên 42% GDP), chi phí trung gian nhiều (hệ thống phân phối yếu)… làm ảnh hưởng tới giá cả chung trong nước. Như vậy là có cả yếu tố khách quan và chủ quan, yếu tố bên trong và bên ngoài.

Điều hành kinh tế vỹ mô phải chịu áp lực vừa đảm bảo tăng trưởng cao và bình ổn giá cả, theo ông chính sách tiền tệ cần tập trung vào những điểm mấu chốt nào?

Ngoài tuyên truyền tốt để người dân yên tâm rằng Nhà nước đảm bảo được nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong dịp tết, tránh trường hợp chạy theo tin đồn, chúng ta cần nhanh chóng can thiệp để bình ổn tỷ giá (như: điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp, can thiệp hoạt động mua bán ngoại tệ giữa NHNN với các NHTM, kiểm soát tình trạng đô la hóa, can thiệp vào thị trường vàng để ổn định giá USD...).

Bên cạnh, Ngân hàng Trung ương nên can thiệp thị trường liên ngân hàng để giữ lãi suất không leo thang . Ví dụ lãi suất huy động vốn ở mức 12%, lãi suất cho vay khoảng 15 - 16%, mức này đã cao nhưng doanh nghiệp còn có thể chấp nhận được, vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra hàng hóa.

Vấn đề nữa là cần có gói hỗ trợ của Chính phủ hoặc của từng địa phương như Hà Nội và TPHCM đang triển khai, đó là gói hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Gói này có thể bù lãi suất hoặc hỗ trợ về thuế, vốn để giúp doanh nghiệp trong nước tạo ra hàng hóa tiêu dùng cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập. Chưa kể, cần có biện pháp kiểm soát gắt gao chất lượng hàng hóa (Trung Quốc) nhập khẩu vào Việt Nam như hàng tiêu dùng, nông sản…

Nhìn chung, Chính phủ nên có một Đề án căn cơ hơn về điều hành chính sách tài chính tiền tệ phù hợp với tình hình mới hiện nay, ưu tiên ổn định vĩ mô hơn là tăng trưởng, hạn chế nhập siêu càng nhanh càng tốt. Cần phối hợp các bộ, ngành (Kế hoạch & Đầu tư, Công thương, Tài chính…) trong đối phó với vấn đề chuyển giá của nước ngoài vào Việt Nam như thế nào, vấn đề về thao túng giá cả… Từ đó có những hàng rào để tránh việc làm giá, cần tăng cường thanh tra giám sát và xử phạt hành chính trong việc niêm yết giá.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng nên ứng xử thế nào cho phù hợp với thực trạng lạm phát cao, tỷ giá căng thẳng, nên thả nổi lãi suất VND hay thực hiện cam kết đồng thuận lãi suất, thưa ông?

Các ngân hàng không nên cạnh tranh nâng lãi suất đầu vào vì sẽ làm ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất, ảnh hưởng tới thỏa thuận đã cam kết và quan trọng là ảnh hưởng tới chính bản thân họ.

Chính sách lãi suất của NHNN cần điều hành theo lạm phát cơ bản. Chính phủ nên yêu cầu Tổng cục Thống kê tính toán chỉ số lạm phát chung và chỉ số lạm phát cơ bản. Chỉ số lạm phát chung để dành để đo lường mức độ tăng giá cả chung của nền kinh tế, để làm cơ sở tham chiếu để tính toán tiền lương, vấn đề về an sinh xã hội và các chính sách tài chính khác.

Chỉ số lạm phát cơ bản có thể không công bố mà chỉ để dành cho NHNN điều hành lãi suất. Có những yếu tố phi tiền tệ, tức là yếu tố không phải do yếu tố cung tiền đồng Việt Nam nhưng giá cả vẫn tăng. Trong điều kiện hội nhập của Việt Nam thì giá cả thế giới tác động rất mạnh. Như vậy rõ ràng có những yếu tố không phải do cung tiền của Việt Nam. Ngân hàng nhà nước cần tính thêm chỉ số lạm phát cơ bản để điều hành chính sách lãi suất cho phù hợp.

Đâu là nguyên nhân của cuộc đua lãi suất thời gian qua, thưa ông?

Có thể do một vài ngân hàng thiếu thanh khoản, họ sẵn sàng huy động vốn với mức giá cao còn hơn vay liên ngân hàng với lãi suất cao. Trong những trường hợp đó NHNN phải đóng vai trò là ngân hàng “mẹ” để cung cấp vốn kịp thời cho những ngân hàng thiếu thanh khoản này, thông qua hình thức tái cấp vốn hoặc cho vay trực tiếp.

Điều này ngân hàng trung ương đã làm trong năm 2008, năm nay vẫn có thể tiếp tục làm được. Hiện nay tình hình này đã lắng dịu nhờ NHNN can thiệp nhiều thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Theo PGS - TS Trần Hoàng Ngân, Thủ tướng đã chỉ đạo phải thanh tra, kiểm tra, giám sát để chống lại các hành vi đầu cơ, tăng giá trái pháp luật. Những yếu tố hành chính này phải đi liền với các giải pháp về kinh tế. Tức là hiện nay, các doanh nghiệp phải thiết lập các kênh phân phối hàng hóa rộng rãi hơn, người dân mua ở các điểm bán lẻ không có niêm yết giá, do đó người bán báo giá vô tội vạ, trong khi giá gốc thấp hơn rất nhiều.

Cafeland.vn - Theo TPO
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland