Sau các tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, lãi suất cho vay, VND đến nay dường như đang leo thang lên một mức mới vượt mọi dự báo.


Dự báo thấp?


Các số liệu chính thức được NHNN công bố cho thấy, sang đến đầu tuần này mặt bằng lãi suất cho vay VND trên thị trường nhích lên khoảng 1-1,2%/năm so với thời điểm trước khi các biện pháp điều chỉnh lãi suất huy động được thực hiện. Với mức tăng trung bình này, lãi suất cho vay trung bình đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh (như tổng hợp của NHNN) phổ biến ở mức 13-16%/năm. Còn lãi suất cho vay đối với các nhu cầu phục vụ đời sống thực tế chạm ngưỡng 18%/năm ngay trong tuần đầu tiên của tháng 11. Ở thời điểm hiện nay, như chỉ đạo của Chính phủ và với các biện pháp điều hành của NHNN, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa dù tăng từ mức 10,5-12,3%/năm lên 12-12,75%/năm song vẫn là nhóm đang được hưởng lãi vay thấp nhất trên thị trường.

Nhưng chỉ ít ngày sau khi NHNN đưa ra tổng hợp trên, lãi suất cho vay trên thị trường - theo phản ánh từ DN đang có nhu cầu vay vốn sản xuất cũng như khách hàng vay vốn tiêu dùng – chứng kiến các mức biến động lớn hơn nhiều. Lãi suất cho vay sản xuất hiện phổ biến tăng lên mức 15-17%/năm, thậm chí nhiều DN phản ánh phải trả lãi suất 18%/năm. Chưa dừng ở đây, nhóm các khách hàng thuộc khu vực phi sản xuất bao gồm giới kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản hay tiêu dùng còn phải chịu mức lãi cao hơn khi nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) chào lãi suất 18-19%/năm. Cá biệt số ít NHTM còn chào các khoản vay tiêu dùng cá nhân hạn mức vài ba chục triệu đồng với lãi suất còn vượt mức 20%/năm. Tạm dừng hay sắp xếp lại các nhu cầu tiêu dùng không thực sự cần thiết là tác động dễ nhận thấy nhất đối với nhóm khách hàng cá nhân khi lãi suất vay vốn đã lên tới mức cao nhất trong năm.

Sức nặng cho sản xuất

Khó khăn về vay vốn lãi suất cao đang đè nặng lên nhóm các DN sản xuất và đặc biệt là các DN buộc phải vay vốn phục vụ sản xuất cho các đơn hàng đã đặt từ trước. Ngay tại TP.Hồ Chí Minh, một lãnh đạo của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh thừa nhận rằng, mặt bằng lãi suất cho vay đối với kinh doanh sản xuất dao động 15-17%/năm và 17-20%/năm đối với khu vực phi sản xuất là khá cao. Hàng loạt DN khi trao đổi với báo chí “than thở” rằng, một khi vốn vay phục vụ sản xuất lên tới 17-18%/năm, các DN phải đạt lợi nhuận từ 20% trở lên mới mong cân đối được sản xuất và có lãi. Đó là mục tiêu khó đạt được trong thời điểm hiện nay. Chưa kể theo như một số ý kiến, mặt bằng lãi vay duy trì ở mức cao trong thời gian dài có thể khiến sản xuất trong nước đình đốn. Tác động dây chuyền sẽ dẫn đến tình trạng nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm và tăng giá trong năm 2011. Diễn biến này sẽ đi ngược mục tiêu kiềm chế lạm phát được đưa ra trong thời điểm hiện nay.

Lãi cho vay tăng lên là điều chỉnh dễ hiểu khi lãi suất huy động trên thị trường cũng đã tăng lên một mức mới. Đây cũng là “cơ hội” để các ngân hàng sàng lọc khách hàng của mình. Song theo lãnh đạo NHNN, mặt bằng lãi suất VND hiện nay sẽ khó có khả năng tăng thêm và sẽ hạ nhiệt khi lạm phát được khống chế hiệu quả. Chỉ tính từ thời điểm ngày 8-11 khi lãi suất huy động VND lên quanh mức 12%/năm, NHNN liên tục thực hiện biện pháp nhằm ổn định thị trường và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Các số liệu cho thấy, trong tuần từ 8 đến 12-11, NHNN bơm ra thị trường một lượng vốn lên tới 75.000 tỉ đồng. Trong đó tập trung giao dịch vào các kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp (7 ngày, 8,75%) nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. Các biện pháp này nhanh chóng giảm nhiệt lãi suất giao dịch trên thị trường mở và đây là chỉ dấu quan trọng cho diễn biến lãi suất trên thị trường. Dẫu vậy cũng cần nhắc lại rằng, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10-2010 đã tăng tới 22,5% so với cuối năm 2009 nên khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 25% trong hai tháng cuối năm là hoàn toàn dễ dàng. Do đó, dễ hiểu khi NHNN không đặt cao mục tiêu tăng dư nợ tín dụng trong các tháng cuối năm mà yêu cầu các ngân hàng đảm bảo thanh khoản và điều chỉnh lại cơ cấu tín dụng với mục tiêu chung là kiểm soát lạm phát.
Cafeland.vn - Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland