Giá vàng sẽ tăng lên vùng 1.500 USD/ounce vào năm 2011 và vượt lên 1.600 USD/ounce vào năm tiếp theo, BNP Paribas nhận định trong báo cáo mới nhất của mình.

Giá vàng được nhận định sẽ còn tăng mạnh trong 2 năm tới - Ảnh: Getty.

Theo tổ chức này, nỗi lo nợ công châu Âu hiện đang là yếu tố chính đẩy giá vàng lên cao. Hôm 9/11, giá vàng thế giới đã xác lập mức đỉnh cao mọi thời đại, khi lên trên 1.424 USD/ounce.

BNP Paribas cho rằng, vàng miếng tiếp tục được nhiều nhà đầu tư mua vào, trong khi vàng trang sức cũng sẽ là kênh thu hút người tiêu dùng trong dịp mua sắm cuối năm.

Thêm vào đó, tình hình tăng trưởng kinh tế tại các nước mới nổi sẽ đẩy nhu cầu vàng sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp gia tăng. Theo BNP Paribas, niềm tin vào thị trường vàng vẫn tiếp tục được duy trì trong hai năm tới.

Về đồng bạc xanh, tổ chức này nhận định, xu hướng suy yếu của USD khiến vai trò dự trữ chủ chốt của đồng tiền này ngày càng bị nghi ngờ, cho dù tới nay vẫn chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế. Đây cũng là một nguyên nhân giúp vàng lên giá.

Hôm qua, các chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Mỹ từ 1,9% lên 2,7% và ước tính GDP của năm 2012 tăng 3,6%. Trong khi kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trong 2 năm là 4,6% và 4,8%.

Mặc dù vậy, theo Goldman Sachs, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao trong năm 2011 và chỉ giảm xuống 8,5% trong năm tiếp theo. Lạm phát cơ bản trong hai năm có khả năng tăng 0,5%, dẫn tới việc FED tiếp tục duy trì lãi suất thấp.

Tổ chức này cho rằng, năm tới, các kênh đầu tư rủi ro sẽ nhiều thuận lợi, chỉ số S&P 500 của thị trường Mỹ sẽ vượt lên 1.450 điểm, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản khả năng tăng 20%, hàng hóa nguyên liệu như dầu thô, đồng, bạch kim tăng tới 28%.

Theo đó, trong năm 2011, tổ chức này sẽ ưu tiên đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng Mỹ, trái phiếu cấp thấp về giá trị, hàng hóa, cổ phiếu Nhật Bản và Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với dự báo trên của Goldman Sachs sẽ là tâm lý lo lắng của nhà đầu tư về sự suy giảm kinh tế, trước tình hình bất ổn về nợ công ở châu Âu.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định rằng, kinh tế khu vực châu Âu có thể tăng trưởng chậm hơn một chút trong năm tới do ảnh hưởng từ sự tác động của vấn đề nợ công.

Theo EC, tăng trưởng kinh tế của 17 nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (tính cả Estonia) sẽ ở mức 1,7 % trong năm nay và xuống 1,5% trong năm 2011, do kinh tế toàn cầu suy yếu.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, dự tính tăng trưởng 2,2% trong năm nay nhờ xuất khẩu và nhu cầu nội địa tăng trưởng tốt, trong khi Pháp khả năng đạt mức tăng 1,6%.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố, lạm phát tại các nền kinh tế thuộc tổ chức này đã tăng từ 1,7% trong tháng 9, lên 1,9% trong tháng 10. Chủ yếu là do giá năng lượng và thực phẩm gia tăng.

Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đã tăng từ 1,1% trong tháng 9, lên 1,2% vào tháng 10. Lạm phát của Nhật tăng 0,2% so với mức âm 0,6% trong tháng 9, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong vòng 12 tháng qua. Tại Canada, lạm phát tăng nhanh nhất kể từ 10/2008, với mức tăng 2,4%.

Trong 16 nước Khu vực đồng Euro Eurozone, lạm phát tháng 10 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ so với mức tăng 1,8% của tháng 9. Số liệu đó cũng tương tự với tỷ lệ lạm phát tháng 11 của khu vực này được Cơ quan Thống kê châu Âu công bố hôm 30/11.

Liên quan tới Trung Quốc, tờ China Daily hôm qua cho hay, lượng ngoại tệ mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường nhà đất nước này tăng mạnh.

Theo số liệu công bố ngày 30/11 của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong tháng 11, tổng cộng 114 công ty bất động sản có quỹ nước ngoài đăng ký công ty mới hoặc tăng cường tài chính, tăng gấp 2,71 lần so tháng 10.

Tính chung 10 tháng đầu năm nay, mức độ tận dụng vốn nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản tăng 48,04% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt 8,7 tỷ USD.

Cơ quan dịch vụ đầu tư của Moody's ngày 30/11 đánh giá lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có triển vọng ổn định, mặc dù giá cả có xu hướng giảm đôi chút nhưng vẫn tốt trong năm 2011.

Ông Grant Ji, giám đốc phòng phát triển của nhà cung cấp bất động sản Savills ở Bắc Kinh, cho biết lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Trung Quốc đang tăng lên.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland