Sẽ có thêm nhiều người chọn gửi tiền vào các ngân hàng để tranh thủ mức lãi suất huy động cao hiện nay, đồng thời cũng tạm lánh những rủi ro tiềm ẩn từ những kênh đầu tư khác.

Lãi suất tiền gửi hấp dẫn

Đúng như dự báo của giới phân tích, mức lãi suất huy động “đồng thuận” tối đa 12%/năm mà các ngân hàng gật đầu với Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước không duy trì được lâu trên thực tế. Ban đầu, các nhà băng chỉ “rón rén” phá mức đồng thuận, bằng cách nâng mức huy động lên 12,2%/năm, rồi đến 12,5%/năm ở một số kỳ hạn. Dường như đã đi qua bước “thử phản ứng” của thị trường và các ngân hàng bạn, mức lãi suất lập tức được đẩy lên 13%/năm.

Tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), mức 12%/năm lại trở thành mức “sàn” đối với tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 15 tháng. Trong đó, kỳ hạn 12 và 13 tháng đồng loạt được áp dụng mức lãi suất 13%/năm. Một số ngân hàng khác cũng đã công khai niêm yếu biểu lãi suất mới vượt mức 12%/năm. Trong số đó, Ngân hàng Phương Tây (WesternBank) áp mức lãi suất lên tới 13,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng; mức 12,5%/năm trở lên cho toàn bộ các kỳ hạn huy động VND từ 2 tháng trở lên; riêng kỳ hạn 18 tháng, 24 và 36 tháng có lãi suất tới 12,8%/năm.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận từ thực tế, mức lãi suất huy động tại một số ngân hàng không chỉ dừng ở đó, mà đã lên tới 14 - 15%/năm tùy theo thỏa thuận với khách hàng. Nhìn bên ngoài, có thể thấy, mới có một số ngân hàng công khai biểu lãi suất huy động mới vượt trần thỏa thuận. Song trên thực tế, với các chương trình khuyến mại có hình thức và giá trị khác nhau, thậm chí có cả hình thức “quà tặng tùy ý”, thì mức lãi suất thực dành cho người gửi tiền cao hơn mức lãi suất niêm yết là điều tất yếu.

Với mức lãi suất như vậy, các ngân hàng thương mại đang hy vọng sẽ có ưu thế hơn trong việc cạnh tranh dòng tiền từ các kênh đầu tư khác, để tăng thanh khoản cho mình. Chuyên gia phân tích của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư S&D nhận định, trong điều kiện mức lãi suất cao như vậy, thì dòng vốn ngắn hạn của các tổ chức và công ty sẽ tập trung vào cho vay, an toàn hơn nhiều so với nhiều đầu tư.

Liệu có cuộc trở dòng?

Trong bối cảnh thị trường vàng và ngoại tệ đi lắt léo, tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi những cơn nóng - lạnh thất thường; còn thị trường chứng khoán chưa cho thấy những tín hiệu khả quan, dù chỉ là le lói, thì mức lãi suất huy động tăng cao phần nào là một gợi ý tốt với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SeaBank (SASC) thừa nhận, hiện tại, thị trường chứng khoán đang kém hấp dẫn nhất với nhà đầu tư so với các kênh đầu tư khác, trong đó có tín dụng. Tâm lý e ngại, thờ ơ của nhà đầu tư với cổ phiếu không chỉ xuất phát từ khó khăn nội tại của thị trường chứng khoán, mà còn do tác động của nhiều yếu tố khác, như nền kinh tế tăng trưởng chưa vững, cùng với đó là lãi suất liên tục tăng cao.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS) cũng cho rằng, các kênh đầu tư như bất động sản hay gửi tiết kiệm đang được nhà đầu tư “ưu tiên” hơn.

Về phía các ngân hàng, muốn hay không thì thực sự cũng đã hình thành một cuộc đua lãi suất, dù cuộc đua này lại khiến doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lo ngại, bởi lãi suất cho vay chắc chắn phải được điều chỉnh “cao một cách kịp thời” so với mức lãi suất huy động, mà theo ghi nhận, đã có nơi, có lúc, lãi suất cho vay lên đến 18 -19%/năm.

Tuy vậy, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần đánh giá rằng, phải nhìn nhận công bằng để thấy lãi suất tăng cũng mang những yếu tố tích cực. Đó là việc ngân hàng sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn vốn trong dân cư, tăng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn rất lớn dịp cuối năm. Các doanh nghiệp sẽ phải tái cơ cấu và chặt chẽ hơn nhiều khi quyết định nộp hồ sơ vay vốn, bởi nguồn vốn giá cao đó phải phục vụ thiết thực cho những dự án thực sự hiệu quả, cấp thiết.

Nhưng liệu sẽ có một cuộc trở dòng đáng kể để nguồn vốn đổ về ngân hàng? Câu trả lời chắc chắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như niềm tin của nhà đầu tư với nền kinh tế đến đâu, hay các kênh đầu tư khác có bất ngờ khởi sắc, chẳng hạn bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên.

Chưa biết kết quả cuộc giành vốn nóng hổi này sẽ ra sao, nhưng theo ghi nhận, các ngân hàng đang hối hả, tích cực làm nhiều biện pháp để “đón” dòng vốn này. Bằng chứng là trước kia, khách phải có tiền tỷ mới được ngân hàng cử người đến làm thủ tục và mang tiền đi, thì nay chỉ cần vài trăm triệu cũng đã có ngân hàng đến “đón rước”. Lãnh đạo phòng kinh doanh của một ngân hàng thương mại nhà nước còn tiết lộ, ông được giao “chỉ tiêu” khá nặng, nên phải huy động tất cả các mối quan hệ quen biết để nắm thông tin, ở đâu có người gửi tiền kha khá là không quản ngại đến tiếp cận, sẵn sàng phục vụ!

Cafeland.vn - Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland