Sau giờ làm việc, lãnh đạo một công ty niêm yết tính toán nửa đùa nửa thật: “Có lẽ chúng tôi bán doanh nghiệp lại có lợi cho cổ đông hơn”.

Cổ phiếu của công ty ông có giá trị sổ sách 37.400 đồng/cổ phiếu, nhưng giá trên sàn hiện chỉ còn 28.000 đồng. Giá trị sổ sách công ty là giá đầu tư từ cái thời cách đây 10 năm, nhiều tài sản khấu hao đã hết, trong đó có cả khu đất vàng ở trung tâm thành phố. Tính theo giá thị trường bây giờ, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu khoảng 75.000 đồng, gần gấp ba lần giá giao dịch trên sàn.

Cổ phiếu công ty ông không phải chứng khoán duy nhất ở vào tình trạng như thế. Có doanh nghiệp xi măng năm nào cũng có lãi, chia cổ tức 8-10%/năm bằng tiền mặt mà giá hiện 7.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 2-2009 khi VN-Index ở đáy 235 điểm, cổ phiếu này còn có giá 9.000 đồng, tức cao hơn 30% giá hiện tại. Một công ty chứng khoán vốn 2.000 tỉ đồng, đang nắm trong tay 1.500 tỉ đồng tiền mặt, còn lại khoảng 600 tỉ đồng cổ phiếu tự doanh đã được trích dự phòng rủi ro khoảng 200 tỉ đồng, mà giá cổ phiếu mua bán mỗi ngày đang rất gần mệnh giá. Một doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu hàng triệu mét vuông đất ở cả nội lẫn ngoại thành TPHCM than thở: “Giá cổ phiếu của chúng tôi đang bằng 60% giá trị sổ sách. Thôi cứ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông để “sống sót” qua ngày!”.

Cách đây vài tháng, người ta ví von “chứng khoán rẻ như rau”. Giờ nhiều người chẳng thèm ngó ngàng đến giá cổ phiếu nữa. Hỏi, họ trả lời rằng rau còn lên giá, cứ ra chợ thì biết ngay, chứ chứng khoán vẫn giảm. Vậy phải so sánh sao cho chính xác? Chắc nên nói: “Cổ phiếu rẻ như… bèo!”.

Nhìn vào chỉ số, VN-Index vẫn còn cao hơn đáy của thời khủng hoảng đầu năm 2009 tới 185-190 điểm. Hnx cũng cao hơn chính nó lúc thấp nhất kể từ khi ra đời chừng 20 điểm. Tuy nhiên giá của nhiều cổ phiếu lại đang thấp hơn mức của nó khi VN-Index ở đáy. Lẽ ra sự rớt giá của những cổ phiếu đó sẽ không kéo dài và liên tục như vậy nếu “bàn tay đạo diễn” của nhà đầu tư nước ngoài không thò vào thị trường.

“Bàn tay đạo diễn” đã vận hành thế nào? Hầu hết những quỹ đầu tư nước ngoài có hoạt động “lướt sóng”, mua bán cổ phiếu hàng ngày ở Việt Nam là những quỹ giao dịch chỉ số VN-Index. Họ phát hành các chứng chỉ theo sự lên xuống của VN-Index. Họ đã giữ chỉ số VN-Index bằng cách giữ giá các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, có thể kiểm soát VN-Index như BVH, VIC, PVF, MSN, DPM, HAG. Các cổ phiếu ngân hàng như STB, EIB hay cổ phiếu hàng tiêu dùng như VNM cũng ảnh hưởng mạnh đến sự biến động của VN-Index nhưng tỷ lệ dành cho nước ngoài của chúng đã đầy 49%, nên các tổ chức ngoại đành “bó tay”. Thế mới xuất hiện các phiên thị trường đỏ rực, nhiều cổ phiếu nằm sàn, nhưng giá các mã vốn hóa lớn vẫn đứng ở tham chiếu hoặc xanh và VN-Index vẫn bảo toàn được điểm số hoặc chỉ giảm nhẹ một, hai điểm.

Sự bảo toàn của VN-Index theo phương thức đó đã khiến giới đầu tư chuyên nghiệp và những nhà đầu tư cũ nhanh chóng rời bỏ thị trường để bảo vệ đồng vốn của họ. Thông thường, một khi lớp nhà đầu tư cũ thua lỗ, chấp nhận cắt lỗ và rời thị trường, lớp nhà đầu tư mới mang theo mình dòng vốn tươi rói và những nhà đầu tư dạng “kền kền”, săn lùng cơ hội thâu tóm doanh nghiệp giá rẻ sẽ mở cánh cửa sàn niêm yết. Những người này quan sát hai phía: giá cổ phiếu và VN-Index. Giá chứng khoán đã đủ rẻ để mua, nhưng VN-Index vẫn chưa “xuống thang” như kỳ vọng thì họ còn lưỡng lự và thận trọng. Họ tiếp tục chờ!

Trong khoảng thời gian chờ đợi, điều gì đang và sẽ diễn ra? Tình trạng mà các tổ chức giữ giá cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn để “neo” VN-Index không phải không có kẽ hở và kẽ hở ấy đang được các đồng nghiệp nước ngoài khác của họ tận dụng. Thứ nhất, nếu một quỹ nước ngoài liên tiếp mua BVH, thì cũng có tổ chức nước ngoài bán không ngưng nghỉ BVH. Tuần trước, một quỹ nước ngoài đầu tư dài hạn đã “mở kho” bán DPM để lấy tiền mua những cổ phiếu tốt đã giảm sâu. Có cầu ắt có cung cho dù ở mức giá nào. Thứ hai, việc đỡ giá những mã như BVH kéo dài và ở mức giá cao (BVH tăng giá 300% từ đầu năm đến nay) đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính dồi dào. “Hy sinh” cho BVH cũng đồng nghĩa với việc lãng phí cơ hội ở những cổ phiếu khác. Thứ ba thị trường không thể giảm mãi cũng như lên mãi. Xuống thấp quá nó sẽ lên và ngược lại. Khi thị trường đổi chiều, những cổ phiếu giảm giá nhiều nhất thường sẽ tăng trưởng nhanh nhất. Lúc đó, liệu nhà đầu tư nào sẽ giải ngân vào những cổ phiếu như BVH?

Xét cho cùng, dù ở vị trí nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân, người ta mua chứng khoán chủ yếu là hy vọng giá lên kiếm lời. Với một danh mục những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, trong thị trường đi xuống một số quỹ đầu tư có thể giữ giá chứng chỉ họ phát hành ít thay đổi. Song, khi thị trường đi lên, danh mục ấy sẽ tụt hậu so với VN-Index, họ sẽ phải chạy theo thị trường và coi chừng chạy không kịp.

Sự níu kéo VN-Index vì thế có giới hạn để tránh “già néo đứt dây”. Những tổ chức đang sử dụng “bàn tay đạo diễn” với VN-Index đã mệt mỏi hoặc đã nhìn thấy giới hạn trước mặt. Họ đã buông những cổ phiếu vốn hóa lớn một số phiên và họ sẽ còn buông. Tần suất những phiên giữ VN-Index sẽ giảm nhanh. Càng về cuối con dốc, cỗ xe sẽ càng lao nhanh với vận tốc lớn cho đến khi dừng lại hẳn và bắt đầu leo dốc trở lại. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi sắp tới VN-Index có thể biến động với cường độ mạnh trước khi đổi chiều.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland