Theo Ths. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong giai đoạn ngắn hạn nên chấp nhận lãi suất trần.Cứ đến hẹn lại lên, những tháng cuối năm thị trường tiền tệ đón nhận những chuyển động mới của sóng lãi suất huy động VND.

Cứ đến hẹn lại lên, những tháng cuối năm thị trường tiền tệ đón nhận những chuyển động mới của sóng lãi suất huy động VND. Đầu tuần này, một số NHTM đã điều chỉnh giảm bảng lãi suất huy động niêm yết xuống 12%/năm sau khi vượt rào lãi suất đồng thuận với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA). Tuy nhiên trên thực tế lãi suất huy động ở các NH đã lên đến 14 – 15%/năm.

Lãi suất chỉ có lợi cho người giàu

Thị trường tiền tệ hiện nay tồn tại tình trạng đồng thuận lãi suất “nửa vời” giữa các NHTM, tạo ra một cuộc bất công trong xã hội, hay nói cách khác tiền đang rơi vào tay người giàu.

Như hiện nay người hưu trí, người lao động làm công ăn lương với số tiền tích góp hàng htáng không lớn gửi tại các NH sẽ chỉ nhận được mức lãi suất theo bảng niêm yết tối đa không quá 12%/năm.

Số tiền lãi họ nhận được không nhiều nhưng họ chính là đối tượng gánh chịu nặng nề nhất từ việc các NH tăng lãi suất đầu ra đối với các Doanh nghiệp. Bởi khi đó, các doanh nghiệp sẽ tăng giá cả hàng hóa và người nghèo sẽ gánh chịu hậu quả sau cùng.

Trong khi những người với số tiền gửi trên 10 tỷ đồng hiện nay có thể chủ động đề nghị NH thỏa thuận lãi suất tiền gửi 14%- 15%/năm, cao hơn mặt bằng lãi suất niêm yết. Đó là chưa kể có trường hợp doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm được vay vốn giá rẻ 12%/năm đề nghị gửi tiền tại ngân hàng lãi suất 13,5%/năm.

Một câu hỏi đặt ra là lãi suất cho vay cao lên đến 18% - 20%/năm liệu có doanh nghiệp nào dám vay? Có ý kiến cho rằng lãi suất cao sẽ giúp sàng lọc bớt daonh nghiệp ăn xổi ở thì, không có vốn chủ sở hữu lớn, chỉ kinh doanh dựa vào vốn NH. Quan điểm này có thể có lý, nhưng nếu tính toán lãi suất 18%-20% các doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính cũng sẽ không vay.

Vậy ai vay? Doanh nghiệp sẵn sàng vay thường là các DN khó khăn về vốn, chấp nhận kinh doanh rủi ro để bù lỗ từ lãi suất cao, cuối cùng họ có thể tồn tại và trả lãi nhưng bất ổn môi trường tăng nhanh, người lao động sẽ không có dịp tăng lương.

Thực tế, một bộ phận NH chấp nhận cho vay với các DN này vì NH cũng chịu áp lực lợi nhuận cuối năm với cổ đông. Muốn có lãi nhanh nhất không thể trông chờ vào mảng dịch vụ mà chỉ có thể tăng trưởng tín dụng. Không loại trừ những NH nhỏ có cổ đông lớn là tập đoàn sẵn sàng cho vay nội bộ với nguồn vốn lớn vào lĩnh vực đầu cơ bất động sản, chứng khoán. Và cuối cùng hệ quả lãi suất cao đang gây bất ổn cho nền kinh tế.

Trước hành chính, sau thả nổi

Thỏa thuận ngầm trong lãi suất không chỉ diễn ra ở các NH nhỏ mà đã phổ biên ở các NH lớn, các NH quốc doanh. Và thực tế khó có thể kiểm soát được điều này. Vì vậy, về mặt ngắn hạn phải dùng biện pháp hành chính. Nghe có vẻ trái quy luật thị trường, nhưng đây là biện pháp đánh bại sóng ngầm lãi suất, ổn định thị trường.

Theo Ths. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong giai đoạn ngắn hạn phải chấp nhận lãi suất trần. Theo đó, NHNN có thể tính lãi suất trần dựa vào suất sinh lợi bình quân của DN an toàn (đối tượng thuộc NH cho vay), cộng thêm các chi phí các NH sẽ phải chịu để đưa ra lãi suất trần huy động.

Thực tế, trong quá khứ chúng ta đã áp dụng trần lãi suất và các NH vẫn lách. Nhưng trần lãi suất mới này không nên hiểu là pháp lệnh theo ý chí của NHNN, mức lãi suất tối đa mà NHNN đưa ra dự trên nhận định về sức chịu đựng của DN, tình hình lạm phát…

Thí dụ, mức LS Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) công bố trở thành kim chỉ nam chi nền kinh tế không phải cho FED dùng ý chí của mình để quyết định, mà dựa trên sự phán đoán và đi trước của FED đối với xu hướng vận động của thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên có thể nhận thấy trần lãi suất cũng chỉ là biện pháp tình thế. Về mặt dài hạn phải bỏ chế độ đồng thuận lãi suất, cho dự do cạnh tranh. Nền kinh tế hoạt động trên quy luật cung cầu, một khi tăng lãi suất cho vay doanh nghiệp không vay nữa và tìm kênh khác.

Thực tế hiện nay các DN tìm kênh vốn khác từ vay chính trong nội bộ, nhân viên của mình. Theo đó nhân viên nhận được lãi suất cao vừa thể hiện sự trung thành với doanh nghiệp, còn DN được vay lãi suất rẻ. Như vậy tự do lãi suất mà các NH vẫn chạy đua tăng, đến lúc nào đó sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh và các NH buộc phải tính đến việc giảm lãi suất.

Theo Ths. Đinh Thế Hiển
Sài Gòn giải phóng – Đầu tư tài chính

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland