Có một điều may mắn với nhiều DN niêm yết là các đơn vị này đã chủ động giữ thế thủ từ đầu năm đến nay nên đủ lực để đối phó với tình hình lãi suất tăng cao. Theo ghi nhận của phóng viên ĐTCK ở nhiều DN, lãi suất cao không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh trong tháng này và tháng sau, nhưng các tháng tiếp theo có thể sẽ không tốt do tác động từ việc doanh thu giảm.

Áp lực lãi suất quá cao chỉ mang tính thời điểm.

Là DN có nhiều dự án đầu tư lớn và dài hạn, từ đầu năm 2010 đến nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai luôn giữ thế thủ bằng cách để một lượng tiền mặt lớn trong tài khoản nhằm sẵn sàng giải ngân cho các dự án của mình. Đây là bài học mà HAG rút ra kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó cũng là lý do vì sao trong một năm qua, HAG đã quyết đoán và nhanh chóng thực hiện các kế hoạch huy động vốn như phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư chiến lược, bán trái phiếu chuyển đổi cho Temasek…, mới đây là phát hành 530 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và phát hành 19 triệu cổ phần riêng lẻ cho Deutsche Bank. Đến thời điểm 31/9, HAG có 2.200 tỷ đồng tiền mặt gửi tại ngân hàng.

Theo ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc HAG, lãi suất ngân hàng tăng lên làm tăng chi phí đầu tư, nhưng những dự án của HAG là dự án đầu tư dài hạn nên chi phí này được tính vào tài sản đầu tư. Mặt khác, với khả năng quản lý chi phí tốt thì suất đầu tư của HAG vẫn thấp hơn suất đầu tư của ngành, việc tăng chi phí lãi vay là không đáng kể. Hơn nữa, lãi suất tăng cao chỉ có tính thời điểm ngắn hạn.

Một tập đoàn lớn khác là Hòa Phát (HPG) cũng tỏ ra không ngại việc lãi suất tăng cao vì là khách hàng uy tín và có quan hệ tốt với các ngân hàng. Thời gian trước, dự báo tỷ giá tăng, HPG đã nhanh chóng cơ cấu lại các khoản vay, giảm các khoản vay ngoại tệ xuống thấp. HPG đã chốt danh sách trái chủ để thực hiện chuyển đổi trái phiếu.

Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG, trong bối cảnh TTCK hiện nay, có thể một số trái chủ không chuyển đổi, muốn lấy tiền về thì HPG cũng không bị ảnh hưởng nhiều và Công ty đã chuẩn bị sẵn tiền mặt để thanh toán cho các trái chủ. Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi giúp HPG sử dụng nguồn vốn lãi suất thấp trong cả năm qua.

Đại Thiên Lộc là công ty thép quy mô hoạt động trung bình, hiện đang vay 700 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn nhập khẩu nguyên liệu. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, lãi suất vay của Đại Thiên Lộc từ 14% đến 14,8% đối với ngân hàng quốc doanh và cao nhất là 16% đến 17% khi vay của ngân hàng cổ phần. Tính chung, chi phí thêm 3% cho lãi suất chia cho 12 tháng thì DN vẫn chấp nhận được.

Nhưng điều ông Nghĩa ngại nhất là khi lãi suất tăng cao, hoạt động đầu tư ngưng trệ, khách hàng mua tính toán rất kỹ nhu cầu sử dụng, khoản nào thật sự cần thiết họ mới đầu tư ngay còn chưa cần thiết thì giãn tiến độ chờ thị trường ổn định lại. Những công ty nhỏ thì giảm lượng mua dự trữ mặt hàng thép nói chung. Vì thế, dù giá thép tăng do tỷ giá tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước lại giảm đi.

Trong ngành thép, do giá tiêu thụ nội địa không tăng được nhiều trong khi giá nguyên liệu thế giới lại tăng vì các nhà sản xuất lớn cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất trong nước đã ngưng nhập khẩu để chờ cơ hội mua nguyên liệu tồn kho trong nước. Nhiều DN đang mong đợi giá nguyên liệu thế giới tăng lên để tái xuất nguyên liệu đã nhập.

Riêng Đại Thiên Lộc, ông Nghĩa cho biết, Công ty đã giảm nhập khẩu xuống còn 20% và chỉ nhập những mặt hàng mà trong nước không có.

Ông Trần Mai Cường, Chủ tịch HĐQT CTCP Chương Dương (CDC) cho biết, lãi suất tăng chưa ảnh hưởng đến chi phí của Công ty, vì các khoản vay chưa đến hạn điều chỉnh lãi suất. Hiện CDC vay khoảng 160 tỷ đồng với lãi suất 14,7%/năm. "Nếu lãi suất lên 16% thì chi phí sẽ tăng cao, có thể Công ty sẽ cân đối lại dự án để giãn tiến độ đầu tư", ông Cường nói.

Để có nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định, CDC đang thỏa thuận với Vietbank phát hành 90 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất tối đa là 15,5%/năm. Theo ông Cường, căng thẳng như tình hình năm 2008 thì lãi suất cao 18%/năm cũng chỉ kéo dài 4 - 5 tháng. Vì vậy, hiện tượng đẩy lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng hiện nay cũng chỉ là nhất thời.

Câu chuyện về lãi suất và chi phí với một số DN niêm yết cho thấy, nhiều DN đều xây dựng một kế hoạch kinh doanh khá thận trọng vì ngại những rủi ro của nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc sau khủng hoảng. Vì vậy, khi những biến động xảy ra, nhiều DN có đủ lực để ứng phó mà không để bị rơi vào tình hình bị động như trước.

Nhưng với tình hình lãi suất tăng cao hiện nay, nhiều DN cho biết, kết quả lợi nhuận trong hai tháng cuối năm duy trì ở mức ổn định đã là rất tốt. Và trong tháng tiếp theo, tình hình có thể khó khăn hơn hoặc không được tốt như mọi năm, bởi các DN đều đang giữ thế thủ, thận trọng trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. DN đang chờ cho cơn biến động lãi suất lần này qua đi để có thể tính toán được kế hoạch kinh doanh cho năm 2011.

Cafeland.vn - Theo Thu Hương (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland