Các khu mua sắm đang ế ẩm nhưng Đà Nẵng vẫn quyết giải tỏa sân vận động Chi Lăng để xây thêm khu mua sắm tập trung.

Sáng 4-12, có mặt tại trung tâm thương mại cao cấp trong cao ốc Indochina Riverside Tower, chúng tôi nhận thấy hầu hết các gian hàng đều vắng khách. Điều đó lý giải vì sao nhiều diện tích ở ngay tầng 1 còn trống và dù treo bảng cho thuê đã lâu nhưng vẫn không có khách hàng.

Hàng loạt khu mua sắm ế ẩm

Siêu thị Co.op Mart trên đường Điện Biện Phủ cũng tương tự. Dù là khu mua sắm bình dân sớm tung ra các chương trình khuyến mãi Noel và tết, lại là ngày cuối tuần nhưng hàng trăm gian hàng đều vắng hoe. Nhân viên bán hàng xúm nhau trò chuyện trong khi khách chỉ lác đác dăm bảy người lọt thỏm giữa khuôn viên rộng hàng ngàn m 2

Nói về thực trạng các khu mua sắm ở Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh thừa nhận tại kỳ họp HĐND TP vừa diễn ra (từ 1 đến 3-12): “Indochina mở khu mua sắm cao cấp nhưng vắng vẻ, có ai vào đâu. Co.op Mart cũng không có khách. Dân tập trung vào Siêu thị Big C là nhiều, số có ôtô thì lên Metro. VinaCapital đang xây dựng đầu cầu Sông Hàn cũng là trung tâm mua sắm nữa, làm vì nghĩ lâu dài chứ cũng thấy hình ảnh của Indochina rồi”.

Dù tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nhưng Co.op Mart Đà Nẵng vẫn rất vắng khách. (ảnh chụp sáng 4-12) Ảnh: HẢI CHÂU

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản của Công ty Savills VN (tháng 8-2010), hiện Đà Nẵng có tám trung tâm bán lẻ với tổng diện tích 72.000 m 2. Tuy không ít khu bán lẻ ế ẩm như kể trên song theo Savills, từ nay đến năm 2012 sẽ có thêm năm dự án (diện tích khoảng 48.000 m 2) tham gia thị trường bán lẻ Đà Nẵng. Sau năm 2012 tiếp tục có đến hơn 90.000 m 2 mới tham gia vào thị trường này. Đáng chú ý, báo cáo của Savills còn chưa cập nhật quyết định mới nhất của lãnh đạo TP Đà Nẵng: Giải tỏa sân vận động Chi Lăng rộng hơn 6 ha, bàn giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh xây khu phức hợp thương mại dịch vụ.

Bức thiết cần khu mua sắm tập trung?

Theo kế hoạch, chỉ trong vài năm nữa, khu vực nằm trong bán kính 1-2 km tính từ sân Chi Lăng sẽ có thêm khá nhiều khu phức hợp hàng chục tầng như Viễn Đông Medirian, Golden Square, Danang Center, World Trade Center… Đó là chưa kể các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn cũng gần ngay đó. Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND, ông Trần Văn Minh vẫn cho rằng Đà Nẵng có nhu cầu bức thiết xây dựng khu mua sắm tập trung ở khu vực sân Chi Lăng để phục vụ người dân và du khách.

Thế nhưng về nguồn khách tại chỗ, báo cáo của Savills VN nhận định: “Mua sắm ở chợ truyền thống và các cửa hàng mặt phố là thói quen chủ yếu của người dân Đà Nẵng, vì mua sắm tại các nơi này khá thoải mái và giá cả phải chăng”. Còn về du khách, đại biểu Phan Văn Chương, Phó Giám đốc Sở GTVT, phát biểu tại kỳ họp HĐND vừa qua: Nếu mua sắm hàng cao cấp thì người ta đi Hà Nội, TP.HCM chứ không chọn Đà Nẵng. Cái du khách cần tìm ở đây là những mặt hàng lưu niệm độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Thực tế cho thấy hiện Đà Nẵng vẫn chưa có mặt hàng lưu niệm nào khả dĩ gây ấn tượng với du khách, để khi nhìn vào đó người ta có thể nói với bạn bè, người thân là: “Tôi đã đến Đà Nẵng”.

Ông Võ Ngọc Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Vũ Châu Long (chủ đầu tư Danang Center có vốn đầu tư 125 triệu USD), ngao ngán: “TP đang thừa diện tích thương mại trầm trọng, không biết “đẻ” ra khu mua sắm chỗ sân Chi Lăng làm gì. Theo tôi ở đó mở những cái Đà Nẵng đang thiếu như công viên hay các loại hình giải trí công cộng hay hơn”. Về việc Danang Center sau khi xây xong phần móng đã để kéo dài mấy năm nay không xây tiếp, ông Võ Ngọc Châu bình thản cho biết: Dự án đang tạm dừng lại đó, chờ khi nào đàm phán được đối tác rồi mới đầu tư tiếp. “Giờ mà làm rồi nhốt tiền vô đó thì chết nữa” - ông Châu nói.

Lấy đất trường học, công sở để bố trí tái định cư

Để phục vụ cho việc tái định cư các hộ dân bị giải tỏa ở khu vực sân Chi Lăng, Đà Nẵng không chỉ xẻ đôi Trường THPT Phan Châu Trinh ( Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh liên tiếp trên ba số báo 307, 308, 309 tháng 11-2010) mà còn lấy luôn hai khu đất liền kề trên đường Ngô Gia Tự (đối diện sân Chi Lăng) là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Cấp nước Đà Nẵng.

Đà Nẵng từng có chủ trương đấu giá khu đất Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng một số khu đất công sở khác, lấy tiền xây trung tâm hành chính TP để đưa các sở, ban, ngành về một đầu mối. Tại các khu đất này sẽ xây các cao ốc theo quy hoạch của TP. Nhưng với kế hoạch mới, chủ trương kể trên đã hoàn toàn bị phá bỏ. Chưa kể, sân Chi Lăng cũng là di tích cách mạng “đã được đăng ký bảo vệ”.

Vì sao phải làm những việc “bất đắc dĩ” như vậy? Ông Trần Văn Minh giải thích: “Dân ở khu vực sân Chi Lăng không chịu đi chỗ khác do họ đang ở chỗ này (trên bốn trục đường “vàng” của Đà Nẵng) làm ăn được. Vì thế, phải lấy đất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Cấp nước để chia thì dân mới chịu”.

Cafeland.vn - Theo Hải Châu (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland