Việc chống ngập manh mún như nông dân đắp bờ hiện nay vừa tốn kém tiền bạc, gây phiền phức cho dân mà hiệu quả thì quá thấp. Chúng ta hoàn toàn có thể làm những hồ nhỏ ở trên mặt và dưới lòng đất.

Đến hẹn lại lên, sau những tháng nắng kéo dài, TP.HCM bước vào mùa mưa với những trận mưa lớn triền miên và gây ngập sâu ở nhiều tuyến đường, trở thành nỗi kinh hoàng với người dân.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đoạn kéo dài từ chân cầu Sài Gòn đến gần cầu Thủ Thiêm là một rốn ngập nặng nhất. Cứ sau mỗi trận mưa, cung đường này biến thành sông, nước dâng cao và thoát chậm.

Nguyên nhân thì ai cũng thấy khi cung đường này "gồng gánh" hàng chục khối chung cư ken đặc, khiến tình trạng ngập thêm trầm trọng.

Phân tích về vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay, các khu ngập nước ở TP.HCM hiện nay chủ yếu từ nguyên nhân phát triển đô thị không bền vững.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh thành sông sau trận mưa chiều 3/6. Ảnh: Như Sỹ

Ông lấy ví dụ đường Nguyễn Hữu Cảnh là rốn ngập rất nặng, nhà nước đang chi 500 tỷ chống ngập là cách làm sai, tiền đó phải do các nhà đầu tư trả.

"Rốn ngập này hồi xưa không ngập vì có hệ thống cống thoát ra sông. Bây giờ, các dự án cao tầng hai bên đều nâng nền lên cả thước, bê tông hóa ngăn đường thoát… lượng ước bị dồn ra đường gây ngập", ông Sơn chỉ ra.

Từ đó để thấy, khi phê duyệt các dự án, chính quyền không tính đến việc đánh giá tác động môi trường. Để khi ngập tìm cách đánh giá lại là cách làm chắp vá, chữa cháy. Ở nước ngoài không ai làm như thế.

Theo ông Sơn, làm bất cứ dự án nào thì phải đánh giá tác động môi trường, làm hạ tầng trước, nhất là đảm bảo được hệ thống cống hay kênh thoát nước. Còn như ở ta, khi xây dựng dự án xong mới quay lại đánh giá tác động môi trường, chống ngập thì đã trễ.

“Ở các nước tiên tiến, họ quy trách nhiệm đó cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải trả tiền để nhà nước chống ngập. Chúng ta thiếu tiền thì đây là cách làm đúng và mang tính bền vững”, lời ông Nam Sơn.

Theo ông Sơn, bài học ở đường Nguyễn Hữu Cảnh nếu không thay đổi tư duy cách làm dự án, thiếu đánh giá tác động môi trường thì có đổ bao nhiêu tiền cũng không chống được ngập.

Ngập đâu nâng đấy, cuộc đua không hồi kết

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia quy hoạch đô thị, cung cách chống ngập phổ biến nhất hiện nay là ngập đâu nâng đấy.

Nâng đường, nâng hẻm... được một vài năm tạm ổn thì sau đó nước mưa kết hợp với triều cường dâng cao lại ngập. Cuộc chạy đua này không bao giờ có hồi kết.

“Sau nhiều năm dồn tiền, của và sức người chống ngập tiêu tốn hàng tỷ USD, TP.HCM đã có những kết quả được ghi nhận, số điểm ngập đã kéo giảm xuống. Nhưng khi mưa trên 100mm và kéo dài khoảng 2 tiếng thì dường như mọi thành quả trở về không”, ông Hòa chỉ rõ.

Hình ảnh người dân té sấp mặt trên đoàn đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức trong trận mưa chiều tối 1/6. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Ông Hòa nêu ví dụ, trước 1990 Tokyo cũng bị ngập như TP.HCM, nhưng thay vì nâng cao thì họ lại tiến hành hạ xuống. Năm 1992 họ quyết định xây một tổ hợp chứa nước mưa, nước lũ cực kỳ lớn sâu dưới vùng Saitama, ngoại ô Tokyo.

Toàn bộ nước mưa, nước lũ được dồn vào trong một hầm chứa khổng lồ rộng hơn một sân bóng đá và nó được liên thông với một hệ thống đường hầm thoát dài 6,4km chuyển nước ra sông. Tổ hợp này tiêu tốn một khoản tiền gần 3 tỷ USD, nhưng Tokyo bây giờ không còn ngập.

“Chúng ta hoàn toàn có thể làm những hồ nhỏ ở trên mặt và dưới lòng đất. Ở nhưng nơi ngập sâu và rộng có thể là hầm chứa nước kín được thiết kế ở bên dưới công viên, vườn hoa, bãi đậu xe, hoặc các hồ sinh thái có nước mặt hở”, ông Hòa chia sẻ.

Bên cạnh đó, TP.HCM phải khơi thông lại hệ thống kênh rạch, dù tốn kém đến đâu cũng phải khôi phục năng lực thoát của các kênh xuyên tâm và kênh trục như: kênh Tham Lương - Bến Cát, các trục tiêu thoát nước chính như rạch: Bà Tiếng, Thủ Đào, Ông Bé và Thầy Tiên.

"Việc chống ngập lẻ tẻ, manh mún như nông dân đắp bờ hiện nay vừa tốn kém tiền bạc, gây phiền phức cho đời sống cư dân mà hiệu quả thì quá thấp, chẳng thà tốn một lần như Tokyo cho đáng nhưng mang lại hiệu quả cao", lời ông Hòa.

Theo TS Nguyễn Minh Hòa, vùng đất Nam Sài gòn vốn là cái túi chứa nước đảm bảo gần 300 năm thành phố không ngập. Nhưng đã bị san lấp lấy mặt bằng xây dựng những khu dân cư hoành tráng, hơn 70% kênh, rạch, ao hồ bị san phẳng trong tiến trình mở rộng đô thị từ hạt nhân ra bên ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân gây ngập nặng cho TP.
Hồ Văn (VNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.