Ngày 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo “Cạnh tranh và chiến lược công ty ngày nay” do Trường Doanh Nhân PACE tổ chức. Thuyết giảng buổi hội thảo này là Giáo sư Michael Poter, "cha đẻ" của chiến lược cạnh tranh thế giới phẳng.

CafeLand có dịp đồng hành cùng sự kiện này, nhân đây CafeLand xin trích dẫn một số ý quan trọng trong bài thuyết giảng của giáo sư để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hiểu hơn sản phẩm và dịch vụ phải mang tính chất “độc nhất” này.

Muốn phát triển, doanh nghiệp cần phải sáng tạo. Giáo sư Michael Poter nhận định: Chiến lược của một doanh nghiệp không phải đi tìm cái “tốt nhất” mà là “độc nhất”.


Giáo sư Michael Porter đang thuyết giảng "binh pháp" giành chiến thắng trong thế giới phẳng

“Bắt chước”: Đòn bẫy giết chết doanh nghiệp

Theo giáo sư, Việt Nam là một nền kinh tế non trẻ nhưng Việt Nam đã từng tạo ra những thành tựu đầy ấn tượng và là mảnh đất đầy hứa hẹn trong mắt của các doanh nhân hàng đầu nước ngoài.

Tuy nhiên, thời kỳ kinh tế cạnh tranh dễ dàng của Việt Nam đã lùi xa vào quá khứ, đã đến lúc, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phải tìm ra cho mình chiến lược độc đáo, những điều khác biệt để tạo ra những sản phẩm khác biệt.

Bên cạnh đó, giáo sư Michael Poter nói về những sai lầm trong việc xây dựng chiến lược mà nhiều công ty Việt Nam mắc phải.

Đầu tiên là xây dựng chiến lược để "trở thành công ty tốt nhất" trong lĩnh vực mà mình hoạt động. Trên thực tế, không có công ty tốt nhất. Điều này sẽ tùy thuộc vào tiêu chí khách hàng đặt ra đối với sản phẩm, dịch vụ mà họ lựa chọn. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược trở thành tốt nhất là sai lầm. Từ đó đã dẫn đến sai lầm lớn hơn khi cạnh tranh trên cùng một quy mô, dịch vụ, giá cả. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xem cuộc cạnh tranh về giá như một vũ khí lợi hại.

Thứ 2, nhiều doanh nghiệp đã đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu và rơi vào "bẫy" tăng trưởng không lợi nhuận. Họ quá phấn khích với tăng trưởng nhưng không tạo nên khả năng sinh lời. Họ coi tăng trưởng là mục tiêu số một và coi khả năng sinh lời là cái theo sau, là điều mà họ có thể đợi, đó là sai lầm”. Thực tế, chỉ có gia tăng lợi nhuận thì doanh nghiệp mới duy trì và phát triển dài hạn.

Giáo sư cũng lưu ý: “Nếu bạn không tạo ra lợi nhuận, thì bạn không thể thành công trên con đường dài, nếu bạn không tạo ra lợi nhuận thì bạn không có giá trị cạnh tranh”. Mặc khác, sai lầm tồi tệ nhất trong chiến lược là tham gia vào cuộc cạnh tranh về cùng một sản phẩm giống nhau. Điều đó sẽ khó đem lại thành công, với bất kỳ ai, và nó cũng không tốt cho khách hàng vì họ không có sự lựa chọn nào khác.

“Nói cách khác, chiến lược có thể đem lại thành công là bạn phải đem lại sự lựa chọn khác cho khách hàng, giúp mang lại vị trí độc quyền của công ty”. Do đó, các công ty cần đặt khả năng sinh lời làm mục tiêu đầu tiên, chứ không phải tăng trưởng, tăng trưởng chỉ nên là mục tiêu thứ hai.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có một thống kê nào về khả năng sinh lời của các ngành. Trong khi đó, phân tích cấu trúc ngành (ngành nào có tốt, khả năng cạnh tranh, khả năng sinh lời…) là một nguyên tắc cơ bản mà lãnh đạo các công ty cần phải hiểu, “Nếu không các bạn sẽ như đi trong bóng tối, chẳng biết làm sao để cạnh tranh”.

Cạnh tranh “song hành” chiến lược

Trong buổi hội thảo, giáo sư đã diễn giải cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khái niệm chiến lược. Chiến lược khác với khát vọng, chiến lược không chỉ đơn thuần là một hành động cụ thể, cũng không phải là tầm nhìn, hoài bão mà chiến lược phải xác định phương pháp riêng của công ty trong cạnh tranh và những lợi thế cạnh tranh làm nền tảng cho phương pháp đó.

Chiến lược phải là một tập hợp giá trị mang lại cho khách hàng độc nhất so với đối thủ cạnh tranh, cung cấp một chuỗi giá trị khác biệt, điều chỉnh theo tập hợp giá trị mang lại cho khách hàng và sự khác biệt đó cần được thể chế hóa trong công ty và thực hiện lâu dài.

Chiến lược được hiểu là việc chúng ta cần đáp ứng được nhu cầu gì, khách hàng nào trong kinh doanh, ai mà chúng ta muốn phục vụ, làm sao phục vụ họ tốt hơn? “Chiến lược là vị thế tổng thể mà công ty muốn chiếm giữ trong kinh doanh của mình, mà cần có lợi thế cạnh tranh, nếu không có lợi thế cạnh tranh thì không có ai thành công” ông nói.

Điều cốt lõi nhất của chiến lược là quyết định cái gì không nên làm và điểm cốt yếu của chiến lược chính là tìm ra lợi thế cạnh tranh độc đáo của bạn là gì”. Theo đó, song hành cùng chiến lược là sự cạnh tranh. Tuy nhiên, cạnh tranh được hiểu không phải là sự bắt chước trên cùng một phương diện hoạt động mà hãy tạo ra sự khác biệt, sự độc đáo trong một chiến lược cạnh tranh đó.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thường nhầm lẫn giữa chiến lược và mục tiêu mà không tạo ra sự khác biệt nào. Và tâm lý của nhà quản lý thường có xu hướng, thấy người ta thành công cái gì, làm hay, làm tốt cái gì thì cũng bắt chước và làm theo.

Trong quá trình cạnh tranh, chiến lược tệ nhất là cạnh tranh về giá và cách thức đó chỉ làm cho lợi nhuận công ty suy giảm. Ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp, các công ty phải tạo ra giá trị chia sẻ, nghĩa là phải tham gia các hoạt động với cộng đồng và xã hội xung quanh khu vực mình kinh doanh, vừa phát triển công ty vừa tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, từ đó để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Đây sẽ là cơ hội lớn nhất cho đổi mới chiến lược của các công ty trong vòng 20 năm tới là những chia sẻ với cộng đồng về môi trường, sức khỏe, hạnh phúc.

Trong thời điểm này, Việt Nam sẽ phải tìm được phân khúc và hình thức kinh doanh phù hợp khác. Tuy nhiên, Việt Nam không nên đi một mình, một hướng mà phải mở cửa ra thế giới. Đối tác thương mại tự do nhất của Việt Nam chính là các nước láng giềng. Theo đó, Việt Nam nên biến ASEAN thành một thị trường của chính mình, giáo sư nhấn mạnh.

Qua buổi hội thảo, thiết nghĩ các doanh nghiệp bất động sản cần nhìn lại chiến lược kinh doanh của công ty mình. Cụ thể là các dự án, bởi thực tế hiện tại, chúng ta đang chạy đua theo cái “tốt nhất” cho khách hàng của mình mà chưa có cái riêng của nhà đầu tư dư án hay nói cách khác “độc nhất” các dự án vẫn còn hạn chế.

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland