Trong cơn biến động mạnh của lãi suất những ngày qua, người ta vẫn thấy có những nhịp trầm.

Đột ngột đổi chiều, lãi suất huy động và cho vay tăng nhanh. Trong bối cảnh chung này, nên hiểu thế nào về những thông điệp “ngược dòng” khi áp dụng lãi suất thấp, giảm lãi suất cho vay? Liệu có cần hoài nghi về mục đích “làm hàng” nào đó…?

Mục tiêu đã thay đổi

Đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng dự tính đã đạt khoảng 22,5%. Chỉ tiêu 25% cả năm đã gần đầy. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cơ bản đạt, tín dụng chuyển hướng vai trò. Lạm phát gia tăng trở lại, thắt chặt tiền tệ đã mạnh hơn.

Với các ngân hàng thương mại, chủ trương hạ lãi suất và đẩy mạnh tín dụng còn tươi mới trước đó đột ngột thay bằng áp lực cạnh tranh hút vốn, thu hẹp cho vay và phòng thủ thanh khoản trước mùa cao điểm chi trả cuối năm.

Hoạt động của các ngân hàng theo đó hẳn có những xáo trộn nhất định. Với các doanh nghiệp - khách hàng của họ - cũng khó ổn định khi nhu cầu vay vốn nhanh chóng rơi vào một bối cảnh mới.

Tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, bức xúc khi phản ánh lãi suất cho vay của các ngân hàng đã tăng lên quá cao, ước khoảng 18% - 20%/năm, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay VND đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phổ biến có từ 13% - 17%/năm, thay vì khoảng 13% - 15%/năm vừa mới trước đó.

Thế nhưng, đầu tuần này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bất ngờ thông báo đồng loạt giảm 1%/năm lãi suất cho vay VND cho mọi đối tượng doanh nghiệp vay vốn; giảm 1,5%/năm với những trường hợp có quan hệ truyền thống, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa có phương án sản xuất kinh doanh tốt.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), chính sách cho vay doanh nghiệp với lãi suất thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng quốc doanh, được ban lãnh đạo MB khẳng định.

Khá bất ngờ, chưa mở rộng, nhưng đó là những thông điệp cần thiết đối với các doanh nghiệp trong nỗ lực về và vượt đích kế hoạch sản xuất kinh doanh cuối năm.

Cái lý của lãi suất thấp

“Lãi suất cho vay của chúng tôi hiện có thể coi là thấp nhất, so sánh với các ngân hàng thương mại khác, thậm chí với các ngân hàng thương mại nhà nước. Rất nhiều ngân hàng hỏi sao lại cho vay thấp như vậy?”, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB, đặt vấn đề.

Đúng là một điểm trũng như vậy dễ tạo hoài nghi: chỉ là một thông điệp để truyền thông, còn thực tế chỉ ngân hàng và người vay mới biết (?); hay là một cách làm “chính trị” trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn và cần sự chia sẻ (?).

Nhưng thực tế thì lãi suất thấp cũng có những cái lý của nó.

Đến hết tháng 10, mục tiêu 1.700 tỷ đồng lợi nhuận mà Đại hội cổ đông đề ra MB đã vượt, đạt khoảng 1.800 tỷ đồng và đang hướng tới con số 2.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu chính cơ bản cũng đã hoàn thành. Đây là điều kiện để ngân hàng bình ổn lãi suất, thay vì dồn cho áp lực vượt các mục tiêu.

“Đến lúc này, điểm mà tôi cho quan trọng nhất là yêu cầu dự báo và năng lực dự báo”, ông Công nói. Ngay từ đầu năm, chính sách tín dụng mà ngân hàng này xác định là hạn chế các khoản vay trung và dài hạn, tập trung cho ngắn hạn, vừa đảm bảo tạo lập vốn cho doanh nghiệp vừa phòng thủ cho yêu cầu thanh khoản ngân hàng. Tính chủ động của nguồn vốn theo đó cũng là một điều kiện để bình ổn lãi suất lúc này.

Lãi suất thấp hay giảm lãi suất, đương nhiên ngân hàng đã tính toán. Giải thích về quyết định đồng loạt giảm lãi vay VND nói trên, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, nói: “Khi cho vay ngân hàng đã tính toán là có lãi. Nhưng ở thời điểm này, đó là một mức lãi thấp để chia sẻ với chính khách hàng của mình trong khó khăn, hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sự hỗ trợ”. Vị lãnh đạo của Eximbank cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ “cộng sinh” giữa ngân hàng và doanh nghiệp, khi cho rằng lãi vay quá cao dễ dẫn tới rủi ro.

Mặt khác, chi phí vay vốn dễ chịu hơn, doanh nghiệp hưởng lợi, bản thân ngân hàng cũng hưởng lợi. Đó là yêu cầu nội tại của mối quan hệ. Bởi theo phân tích của Tổng giám đốc MB, “áp lãi suất thấp hơn, chúng tôi một mặt giữ khách hàng của mình, một mặt chia sẻ khó khăn với họ. Nếu lãi suất cao, doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn, hoặc vì nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà phải chấp nhận, rủi ro đến với họ và rủi ro đó tác động ngược trở lại với ngân hàng, dẫn đến khả năng gia tăng nợ xấu”.

Và với riêng MB, có thể xét thêm, lãi suất thấp còn là lợi thế để “tiếp thị” về ngân hàng với các chủ doanh nghiệp. Ngân hàng này đang đặt trọng tâm đẩy mạnh các gói dịch vụ tài chính cá nhân, các chủ doanh nghiệp là một trong những nhóm đối tượng hướng tới. Khi quan hệ với doanh nghiệp được củng cố, khi chia sẻ khó khăn với họ thì có thêm thuận lợi để tiếp cận với những khách hàng “VIP” này.

Lãi suất thấp có thể ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận, nhưng đổi lại là sự tin cậy của khách hàng - giá trị của tương lai.

Cafeland.vn - Theo Minh Đức(Vneconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland