Mặc dù bản quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 vẫn chưa chính thức được phê duyệt nhưng những nét phác thảo cơ bản cùng với những diễn biến trên thực tế đã giúp giới kinh doanh định hình được những khu vực “nóng” cho đầu tư BĐS.

Các chuyên gia BĐS đánh giá, Mỹ Đình và phía tây sẽ vẫn là tâm điểm của giới đầu tư. Tuy nhiên, các khu vực khác như phía đông và phía bắc Hà Nội cũng sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận không nhỏ cho những nhà đầu tư biết “nhìn xa, trông rộng”. Điều này đã được chứng minh trên thực tế.

Do Mỹ Đình trở thành trung tâm mới và định hướng phát triển Thủ đô về hướng tây nên theo ông Phạm Thanh Hưng - Phó TGĐ Cty Tư vấn BĐS Cen Group, dải đất phía tây sẽ vẫn là “điểm nóng” cho giới đầu tư BĐS trong nhiều năm tới. Đặc biệt, với hệ thống giao thông đang được cải thiện nhanh chóng và việc đưa vào sử dụng Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương kéo dài, sắp tới là QL32 mở rộng, đã đẩy giá BĐS dọc theo các tuyến đường này tăng lên nhanh chóng. Trong những năm qua, giá nhà đất khu vực phía tây đã tăng bình quân 30 - 40%/năm, thậm chí cao hơn. Đơn cử, đất biệt thự Tây Đô Villas tại KĐT Dương Nội một vài năm trước chỉ có 23 - 30 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã lên đến 40 - 50 triệu đồng/m2. Biệt thự và nhà liền kề KĐT Văn Khê được chào bán với giá 60 - 70 triệu đồng/m2. Với mức giá cao như vậy, nhiều khu vực ở phía tây cũng chỉ dành cho nhà đầu tư lớn. Việc giá BĐS tại khu vực này được đẩy lên khá cao cũng khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lo ngại và sẽ tính toán lại cho hệ số an toàn của túi tiền.


Cao ốc trong KĐTM Văn Quán do HUD làm chủ đầu tư. Ảnh: Tố Anh

Các chuyên gia BĐS cũng cảnh báo, người mua nên chọn lọc dự án ở khu vực này để đầu tư vì trên thực tế, rất nhiều dự án phía tây vẫn còn ngổn ngang trên thực địa. Thực tế, nếu chỉ phát triển Thủ đô theo hướng tây sẽ dẫn đến sự phát triển quá nóng của một khu vực, tạo sự mất cân đối trong phát triển đô thị. Vì thế, Hà Nội sẽ không chỉ phát triển theo trục phía tây và điều này đã được ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam khẳng định rằng, định hướng quy hoạch vùng Thủ đô là phát triển theo hướng đa cực, liên kết các khu vực lân cận với trung tâm TP. Vì thế, cơ hội đầu tư BĐS không gói gọn ở khu vực phía tây mà sẽ thuộc về những ai biết “nhìn xa, trông rộng”, thấy được xu hướng phát triển và đón đầu hạ tầng giao thông.

Một trong những khu vực đang được coi là “tầm ngắm” của giới đầu tư trong thời gian gần đây là dải đất phía đông. Ông Nguyễn Xuân Đạo - Giám đốc Cty Tư vấn BĐS Việt Nam Property cho biết, giá đất ở phía đông đã âm thầm tăng rất mạnh trong mấy năm gần đây và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư không thua kém gì khu vực phía tây. Đơn cử là một mảnh đất ở Ngọc Thụy - Gia Lâm cuối năm 2007 có giá chỉ 5 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã lên tới 35 - 40 triệu đồng/m2. Theo ông Đạo, khu vực phía đông, nhất là Q.Long Biên chỉ cách trung tâm Hà Nội 2 - 5km, nên tiềm năng đầu tư BĐS rất lớn. Bên cạnh đó, giá trị của khu vực giáp ranh với KCN hay KĐT cũng tăng lên từng ngày. Cụ thể là khu vực Đa Tốn - Gia Lâm, cách đây 2 năm giá chỉ có 3 - 5 triệu đồng/m2, thế nhưng hiện nay giá đất tại đây đã tăng lên đến 15 - 16 triệu đồng/m2, thậm chí có vị trí còn lên tới 20 triệu đồng/m2 và sẽ còn tăng cao khi đại lộ Ecopark hoàn thành. Đơn giản vì các nhà đầu tư đã nhìn thấy rõ được giá trị gia tăng của nó khi nó vừa nằm kế bên KĐT sinh thái Ecopark - cũng đang là điểm “nóng” ở phía đông, nó lại vừa gần làng gốm cổ Bát Tràng. Vì thế việc giá đất tăng lên là điều dễ hiểu.

Thực tế, với lợi thế về quỹ đất và là điểm giao cắt của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, phía đông Thủ đô đã và đang được một số nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi khảo sát cơ hội đầu tư những dự án BĐS lớn ở đây hình thành chuỗi những KĐT lớn, hiện đại như Hanoi Garden City (31ha), KĐT khoa học Gia Lâm (400ha), KĐT Ecopark (500ha)…

Tiềm năng đầu tư BĐS phía đông cũng đang được đánh thức bởi hệ thống cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhanh chóng. Cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy đã đi vào hoạt động, và cùng với các tuyến đường giao thông đang được mở rộng, nâng cấp và xây mới như đường đê tả sông Hồng, QL5B, đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội chạy qua Ecopark kết nối với cầu Thanh Trì, giao thông giữa phía đông và trung tâm Hà Nội ngày càng dễ dàng hơn. Tháng 10/2010, giai đoạn 1 của tuyến đường vành đai 3 đã chính thức đi vào sử dụng đoạn từ Mỹ Đình qua cầu cạn Pháp Vân kết nối với cầu Thanh Trì đã rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 10 phút xe chạy tạo nên sự kết nối cơ sở hạ tầng từ tây sang đông mà Mỹ Đình là trung tâm sẽ tạo đà cho BĐS phía đông khu vực cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì cùng nhau cộng hưởng. Ông Matthew Powell - Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Cty Tư vấn BĐS Savills nhận xét, theo quy luật thông thường, khi giao thông cải thiện thì giá trị BĐS sẽ tăng. Tuy nhiên, giá BĐS ở phía đông, dù đã tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều khu vực phía tây, nên nhà đầu tư không phải bỏ vốn quá lớn, và vì thế, tỷ suất sinh lời cũng sẽ rất cao.

Cafeland.vn - Theo Báo Xây Dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland