Giá nhà đất năm 2011 tại thị trường BĐS Hà Nội sẽ vẫn tăng, tiềm năng sinh lời vẫn hấp dẫn. Tuy nhiên, lại cần có “kênh” thông tin dự báo thị trường để tránh bị thổi giá và đầu tư theo kiểu cảm tính…
Đó là những nhận định của nhiều chuyên gia BĐS tại hội thảo “Xu hướng thị trường BĐS năm 2011- Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư – Cơ hội hợp tác” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nhận định, sang năm 2011 và chừng 10 -15 năm tiếp theo thị trường BĐS Hà Nội nói riêng và thị trường BĐS Việt nam nói chung vẫn phát triển mạnh do nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn, nhất là các thành phố lớn có tốc độ di dân cơ học cao.

Ông Thiện cho rằng, giá BĐS vẫn cứ lên, chứ không bao giờ xuống. Bởi vì, Nhà nước dần thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư theo hướng sát với giá thị trường. Do đó, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Vì thế, giá thành BĐS cũng sẽ tăng theo và đương nhiên giá bán cũng sẽ phải tăng lên.

Theo ông Nguyễn Trung Vũ, Tổng giám đốc Cty BĐS Thế Kỷ, BĐS, chứng khoán và vàng là những kênh đầu tư chính trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại vàng và chứng khoán luôn có những biến động phức tạp, và theo kinh nghiệm của số đông các nhà đầu tư BĐS khi tham gia vào vàng và chứng khoán họ đều khó thành công. Trong khi đó, BĐS đã giúp họ có những lợi nhuận nhất định. Điều đó chứng tỏ rằng BĐS luôn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn. “Song, không phải BĐS không có rủi ro, nếu chúng ta không tỉnh táo và lao vòng xoáy thì rất dễ gặp “nạn”. Các nhà đầu tư nên đầu tư theo đúng giá trị của BĐS và theo nhu cầu thực của mình chứ không nên đầu tư theo đám đông”- ông Vũ lưu ý.

Mặt khác, ông Vũ còn so sánh, trong khi thị trường tại TP. Hồ Chí Minh quá nhiều cung mà không ai mua cả, lại không có khái niệm “tiền chênh”. Việc giảm giá 5-7% là chuyện bình thường, thậm chí còn giảm giá 15%, nếu mua nhiều giảm hẳn 20%. Điều đó ngược lại với thị trường ở Hà Nội, khái niệm mua “chênh” khá phổ biến ngay cả người mua một căn hộ để ở thôi cũng đã có tiền chênh rồi, với nhà đầu tư lại là “chuyện thường ngày ở huyện”. Họ mua giá gốc cùng với tiền chênh hôm nay, ngày mai bán đi có lời, ngày kia lại mua tiếp mà không mấy khi để ý rằng sản phẩm đó đắt hay rẻ. Chính vì điều này mà giá nhà đất không có chuyện thấp.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay: “Theo kết luận của Chính phủ năm 2012 sẽ trình Quốc hội để thay đổi toàn bộ Luật Đất đai theo đúng cơ chế thị trường, tôi nghĩ rằng những năm tới có rất nhiều cơ hội để làm ăn và vẫn sôi động bởi hiện tại, các Nghị định sửa đổi như NĐ 69, 198 đã đi vào cuộc sống, chính sách về tiền sử dụng đất trong đầu tư kinh doanh BĐS được tính sát với giá thị trường. Như vậy đầu vào cao thì giá đầu ra khó có thể hạ được”.

Theo TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai, trường ĐH Luật Hà Nội, Nghị định 71 của Chính phủ và Thông tư 16 của Bộ Xây dựng cũng chỉ có tác động một phần nào đến thị trường, mà thị trường nó vận động theo quy luật Cung – Cầu điều tiết. Thế nên nếu can thiệp quá sâu vào thị trường sẽ rất dễ gây nên “méo mó”. Nghị định 71 ra đời sẽ giúp thị trường minh bạch hơn trong việc huy động vốn của chủ đầu tư, minh bạch hơn trong giao dịch BĐS. Trong tương lai thị trường sẽ phát triển một cách bền vững hơn. Tuy nhiên, theo ông Tuyến cần có “kênh” thông tin dự báo thị trường chính thức để ổn định tâm lý kinh doanh của người dân, tránh kinh doanh kiểu cảm tính.

Các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS tại Hà Nội sẽ vẫn sôi động khi quy hoạch chung được phê duyệt sẽ “cởi trói” cho nhiều dự án, nhưng sẽ khó tạo “sóng” mạnh như năm 2010.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland