Lãi suất huy động VND đã bỏ xa đồng thuận giữa các thành viên trong Hiệp hội Ngân hàng (NH) là 12%/năm khi "leo" lên 15%/năm, khiến "đỉnh" của lãi suất cho vay VND đạt 21%/năm. Bài toán lãi suất lại một lần nữa khiến ngành chức năng đau đầu, bởi phải hài hòa quyền lợi giữa người gửi tiền - NH và doanh nghiệp (DN) là việc không dễ.
"Nóng"… cuộc đua lãi suất

Ảnh minh họa

Đầu tháng 11, trong cuộc họp do NH Nhà nước (NN) chủ trì, các NH thành viên của Hiệp hội NH đã đồng thuận nâng lãi suất huy động từ 11%/năm lên không quá 12%/năm kể từ ngày 8-11. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng một tuần, nhiều NH đã "phá rào", nâng lãi suất huy động lên 13%/năm, rồi 13,5%/năm, 14,5%/năm. Thậm chí, có NH còn thỏa thuận "ngầm" với khách hàng, cộng thêm lãi suất 3%/năm so với lãi suất niêm yết bằng cách đưa khách hàng ký thêm một hợp đồng phụ, ngoài mức lãi suất 12%/năm trên hợp đồng chính, nâng tổng mức lãi suất mà khách hàng nhận được là 15%/năm. Mức lãi suất này khiến không ít người mừng, bởi sau một thời gian dài không biến động, lãi suất huy động đã cao hơn, giúp kênh gửi tiết kiệm hấp dẫn hơn với giới đầu tư. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu khởi sắc, giá vàng biến động thất thường, thị trường bất động sản còn "đóng băng" thì gửi tiết kiệm cũng được nhiều người nhắm để tránh rủi ro, bảo toàn nguồn tiền.

Còn theo các NH, lý do "phá rào" được đưa ra không phải không có lý. Theo đại diện một NH ở Hà Nội, con số lạm phát quá cao buộc NH phải tăng lãi suất để thu hút khách hàng. Hơn nữa, thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như vay tiêu dùng của người dân lớn, nên NH phải tìm mọi cách để tăng nguồn vốn huy động. Cũng như những lĩnh vực kinh doanh khác, giữa các NH luôn cạnh tranh. Khi một NH tăng lãi suất huy động, những NH khác cũng không thể đứng nhìn, khiến cuộc đua lãi suất ngày càng "nóng". Ngay cả những NH mặc dù không gặp khó khăn về nguồn vốn vẫn phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, do mặt bằng lãi suất không quá nhiều biến động, nên sự dịch chuyển tiền gửi từ NH này sang NH khác đã không xảy ra.

Ngân hàng đẩy doanh nghiệp vào thế khó?

Với lãi suất huy động cao, người gửi tiền mừng, còn DN "khóc dở mếu dở", bởi nếu lãi suất "đầu vào" lên đến 14,5-15%/năm, "đầu ra" tối thiểu là 18,5%/năm, thậm chí là 20-21%/năm. Như vậy, nếu DN vay vốn NH, để có thể duy trì hoạt động, ngoài lãi suất phải trả NH hằng tháng, cộng với chi phí nhân công, nhà xưởng... khó có DN nào "gánh" được. Khách hàng cá nhân cũng sẽ phải tính toán kỹ trước khi vay vốn NH để phục vụ mục đích tiêu dùng, vì lãi suất quá cao.

Song, cũng có ý kiến, lãi suất không thể duy trì ở mức thấp trong bối cảnh hiện nay, vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm dự báo đạt hai con số. Khi lạm phát tăng cao, nếu không tăng lãi suất huy động, NH không dễ huy động được nguồn vốn. Hơn nữa, tăng lãi suất VND là tăng uy tín cho đồng tiền trong nước, dần xóa bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ trong DN cũng như dân cư. Khi lãi suất huy động VND đạt mức hấp dẫn, người dân sẽ phải đưa lên bàn cân xem liệu mua ngoại tệ, mà chủ yếu là đồng USD, rồi gửi tiết kiệm NH hay gửi trực tiếp bằng tiền VND. Chỉ cần nhìn vào biểu lãi suất giữa VND và USD có thể thấy rõ sự "chênh" nhau. Ngay cả lãi suất USD khá cao so với một số quốc gia khác, cũng chỉ ở khoảng 5-5,5%/năm, trong khi đó, lãi suất VND gấp 3 lần so với USD. Có chuyên gia lại nhận định, áp dụng lãi suất cao trong thời điểm này là để chống lạm phát và ổn định tỷ giá, bởi khi lãi suất cao sẽ thu hút người dân gửi tiền nhiều hơn, hạn chế tiêu dùng nên không gây áp lực lên lạm phát, tỷ giá.

Tuy nhiên, cần phải tăng lãi suất không có nghĩa là thả nổi lãi suất như hiện nay. Tình trạng các NH đua nhau tăng lãi suất theo kiểu không công khai có thể dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hệ thống NH. Nếu cuộc đua lãi suất không dừng lại, việc khách hàng rút tiền từ NH này sang gửi NH khác rất có khả năng xảy ra, gây xáo trộn hệ thống NH. Đã đến lúc ngành chức năng cần có những chính sách tiền tệ hợp lý để có thể hài hòa lợi ích ba bên: người gửi tiền - NH - DN. Theo tính toán của các chuyên gia, lãi suất huy động chỉ nên dừng ở mức tối đa là 13%/năm, để lãi suất cho vay dao động trong khoảng 17-18%/năm là NH đã có thể hài hòa lợi ích cho cả người gửi tiền, NH và DN, chứ không nhất thiết phải chạy đua ngầm về lãi suất huy động, vì như vậy có nghĩa là NH đẩy DN vào thế khó.
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland