CafeLand - Nhiều doanh nghiệp nước ngoài liên tục thâu tóm các chuỗi bán lẻ trong nước khiến việc để mất thị trường này vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài là một nguy cơ không quá khó để nhìn thấy. Làm thế nào để chúng ta tránh từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình là câu hỏi đặt ra không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Đó là vấn đề được ông Phạm Trọng Nhân - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu trong trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 9/6.

Theo ông Nhân, năm 2017 Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 về bán lẻ toàn cầu, năm 2016, tổng doanh số bán lẻ cả nước đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2015. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trở lại và là một thị trường béo bở mà các ông trùm bán lẻ thế giới liên tục dòm ngó.

Tháng 4/2014 khi Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ với các nhà đầu tư nước ngoài thì đã có 3 tập đoàn đặt chân vào. Đó là Aeon (Nhật Bản) với chiến lược mở rộng thị phần bán lẻ đến năm 2020 sẽ có 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn với tổng vốn đầu tư 1,15 tỷ USD. Lotte (Hàn Quốc) cũng có chiến lược đến năm 2020 có 60 trung tâm thương mại rải khắp cả nước với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD. Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi 655 triệu Euro thâu tóm toàn bộ chuỗi bán lẻ của Metro.

Năm 2015 - 2016 thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ thâu tóm từ phía khu vực FDI. Central Group (Thái Lan) đã thâu tóm 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Tháng 5/2016 Central Group tiếp tục gây sốc khi thông báo đã thâu tóm xong chuỗi siêu thị Big C với giá trị lên đến 1 tỷ Euro và hàng trăm vụ thâu tóm đình đám khác.

Ông Phạm Trọng Nhân - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Chỉ trong 3 năm, khu vực FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại, siêu thị, 50% thị phần bán lẻ trực tuyến. Đến nay thị phần và doanh số khu vực này vẫn không ngừng tăng lên. Đây là điều rất đáng để suy nghĩ.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đẩy mạnh khâu phân phối bán lẻ mà còn đẩy mạnh cả khâu sản xuất. Thế mạnh của họ không chỉ về vốn, công nghệ và kinh nghiệm mà họ còn nhận được rất nhiều hỗ trợ từ chính phủ của họ trong việc phát triển và mở rộng thị trường. Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình. Do đó, việc để mất thị trường này vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài là một nguy cơ không quá khó để có thể nhìn thấy, ông nói.

Ông Nhân cho rằng, với thị trường hơn 90 triệu dân, phần lớn dân số trẻ, nền kinh tế đang tiếp tục cải thiện đời sống thu nhập của người dân không ngừng cải thiện nhưng chúng ta đành nhìn người Việt mua hàng ngoại và doanh nghiệp ngoại mua doanh nghiệp Việt. Đến lúc này người sản xuất trong nước phải bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài, nếu tham gia các chuỗi bán lẻ của họ hoặc liên doanh liên kết và dường như đây là mong muốn nếu doanh nghiệp muốn hướng đến để thâu tóm.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn và tổn thất cho nền kinh tế ngày càng lớn nếu chúng ta không đẩy các hoạt động mua bán sáp nhập theo hướng tích cực về các doanh nghiệp trong nước. Chắc chắn nền kinh tế sẽ đón nhận những hậu quả khó lường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực sản xuất trong nước và thị trường bán lẻ và nhất là những người tiêu dùng nội địa.

Một khi 80% lợi nhuận sau thuế thay vì của doanh nghiệp nội địa nay về tay các doanh nghiệp khối ngoại và chắc chắn sẽ chuyển ra nước ngoài, khi đó nội lực của nền kinh tế sẽ dần giảm đi và vai trò đóng góp một phần trong 40% GDP sẽ rất khó để tiếp tục duy trì.

Do đó, ông Nhân kiến nghị, cần tăng cường giám sát các hoạt động dưới góc độ chính sách để đảm bảo thực hiện các quy định có liên quan trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh. Đồng thời, nhanh chóng đưa luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tiễn để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc cạnh tranh thị phần bán lẻ với doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp nội cũng cần có sự liên doanh liên kết để tạo nên sức mạnh nội lực, thị trường nội địa.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.