Có thể nói, năm 2010 là năm thi “nhảy cao” của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Tại Hà Nội, cao ốc Keangnam với 70 tầng, cao 336m đang khẩn trương hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để có thể khánh thành trong nay mai. Dự kiến đây là tòa nhà cao thứ 17 trong danh sách các cao ốc chọc trời trên thế giới. Vậy là Việt Nam cũng không kém cạnh các nước trong khu vực và trên thế giới về kỷ lục độ cao của các công trình kiến trúc.

Thành phố Hồ Chính Minh cũng không chịu “lép vế”, tòa nhà tài chính Bitexco đã sừng sững vươn lên trời xanh với 68 tầng, cao khoảng 300m, được coi là biểu tượng năng động của thành phố đông dân nhất cả nước trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, khi đứng trên bãi đỗ trực thăng của cao ốc Bitexco hay trên những tầng thượng của hàng loạt các công trình kiến trúc khá hoành tráng ở khu vực Mỹ Đình-Hà Nội, chắc hẳn nhiều người bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy những bất cập về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, bãi đỗ xe cũng như nhưng dịch vụ thiết yếu.

Hình như các công trình kiến trúc này chỉ tìm mọi cách vươn lên thật cao mà không hề “để mắt” ngó xuống dưới chân mình. Năm 2010, ở TP.HCM đã xuất hiện hàng loạt các cụm từ rất mới lạ và lập tức trở thành phổ biến như “lô cốt”, “hố tử thần”, “triều cường”… Chúng không chỉ thu hút sự quan tâm đến mức bức xúc của dư luận và cư dân thành phố mà còn được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội kỳ họp cuối năm ngoái. Công cuộc đô thị hóa hơn cả một “làn sóng” lớn tràn lan khắp các đô thị, thành phố lớn trên cả nước, để lộ ra ngổn ngang những “lỗ thủng” lớn về cơ sở hạ tầng.

Các khu đô thị mới, các khu chung cư, căn hộ cao cấp đua nhau mọc lên trên bề nổi, trong khi hầu như không mấy doanh nghiệp, nhà đầu tư nào thiết tha, mặn mà đổ vốn ra xây dựng đường sá, hệ thống cấp thoát nước hoặc đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm thương mại… kẹt cứng lối ra vào các khu đô thị, chung cư vào giờ cao điểm; ngập úng vào mùa mưa, bụi khói vào mùa khô dường như trở thành chuyện đương nhiên, buộc phải chấp nhận. Một năm trước, khi sóng phát thanh “Giao thông 24 giờ” ra đời, nhiều người tỏ ra phấn khởi vì nó giúp ích rất nhiều trong lưu thông, nhưng đến nay nó chẳng còn giá trị gì nữa vì một hai lối thoát rồi cũng dẫn đến ùn tắc. Chỗ nào cũng đông nghẹt, không sao thoát ra được.

Mục tiêu đặt ra là, năm 2020 nước ta phấn đấu vươn lên trở thành một quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Nếu chỉ quan tâm xây dựng các công trình thế kỷ, những dự án hàng nghìn tỷ đồng mà “bỏ quên” đầu tư cơ sở hạ tầng thì rõ ràng là xây nhà từ nóc chứ không phải từ móng. Mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 đã xác định rõ ràng, ngay từ năm 2011 nền móng cơ sở hạ tầng phải được tập trung đầu tư mạnh mẽ, tạo ra một nền móng vững chắc đủ sức chịu đựng sức nặng của “tòa nhà” kinh tế

Tag:bat dong san, dia oc, mua ban nha dat, can ban nha, can mua nha, can ban biet thu, can mua biet thu, bitexco, xay nha tu mong, toa nha cao nhat

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland